Người dân nên đến những nhà thuốc, quầy thuốc uy tín, đạt chuẩn, có sự sắp xếp, phân biệt rõ giữa thực phẩm chức năng và thuốc điều trị để được tư vấn, lựa chọn các sản phẩm chất lượng, đảm bảo sức khỏe
TPCN ngày càng đa dạng trên thị trường. Trong đó, các sản phẩm làm đẹp, cải thiện sức khỏe thường được quảng cáo đánh vào tâm lý phụ nữ, người già. Đơn cử như sản phẩm Glucosamin, bản chất là sụn vi cá mập, có thể dễ dàng tìm mua tại các hiệu thuốc. Sản phẩm này cũng có một thời gian trở nên rầm rộ vì lời phóng đại về chất lượng, từ đó, giá bán cũng được “đẩy” lên, hướng đến những người có thu nhập cao, người bệnh về cơ xương khớp. Nhiều người sau khi nghe truyền miệng hoặc xem quảng cáo hấp dẫn trên tivi thì rất tin tưởng và nghĩ rằng đây là sản phẩm điều trị bệnh.
Anh Lê Minh Dũng (phường 2, TP.Tân An, tỉnh Long An) chia sẻ: “Mẹ tôi bị đau khớp, được hàng xóm “rỉ tai” mua hộp Glucosamin của Mỹ trị giá hơn 1 triệu đồng - trong khi sản phẩm này được sản xuất trong nước với cùng hàm lượng, hoạt chất lại có giá rẻ hơn nhiều lần. Mong rằng, các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm các sai phạm trong việc phóng đại công dụng của sản phẩm, đánh lừa người tiêu dùng. Bản thân người tiêu dùng cần tự trang bị kiến thức để lựa chọn sản phẩm thực sự cần thiết, có chất lượng và giá cả phù hợp túi tiền”.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh TPCN cần tuân thủ quy định của pháp luật, bảo đảm sản phẩm chất lượng, hướng đến mục tiêu vì lợi ích người tiêu dùng. Giám đốc Công ty TNHH MTV Hiệp Đồng Phát - Trương Quốc Phụng (phường 7, TP.Tân An) thông tin: "Bên cạnh nhập khẩu, sản xuất những nguyên liệu hóa dược từ nước ngoài, công ty còn nghiên cứu và sản xuất những sản phẩm hỗ trợ điều trị đái tháo đường, men gan cao, thấp khớp,... từ những nguyên liệu là các loại thảo dược Việt Nam. Chúng tôi thực hiện nghiêm quy định của pháp luật, tạo uy tín đối với khách hàng bằng các sản phẩm chất lượng. Bởi vì niềm tin của khách hàng luôn song hành với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp".
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng cần chú trọng chất lượng sản phẩm, hướng đến sức khỏe người tiêu dùng
1. Trên địa bàn tỉnh hiện có 9 cơ sở sản xuất TPCN do Cục An toàn thực phẩm (ATTP) quản lý. Các cơ sở này được Cục ATTP ủy quyền cho Chi cục ATVSTP tỉnh thẩm định và kiểm tra. Ngoài ra, toàn tỉnh có 29 cơ sở kinh doanh TPCN do Cục ATTP quản lý và 120 cơ sở kinh doanh TPCN do Chi cục ATVSTP quản lý. 2. Năm 2016, đoàn kiểm tra chuyên ngành Chi cục ATVSTP tổ chức kiểm tra 20 cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu TPCN, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng tại 10 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Kết quả, có 3 cơ sở chưa xuất trình được giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, giấy xác nhận đủ sức khỏe, đủ kiến thức ATTP, nguồn gốc nguyên liệu sản xuất,... |
Việc quản lý về sản xuất và kinh doanh TPCN được quy định chủ yếu tại Thông tư số 43/2014/TT-BYT, ngày 24/11/2014 với nhiều quy định tương đối chặt chẽ về việc ghi nhãn đối với TPCN; công bố hàm lượng các chất trong mỗi sản phẩm; công bố khuyến cáo về sức khỏe, liều lượng, đối tượng sử dụng và cách dùng phù hợp,... Tuy nhiên, trên thực tế, công tác quản lý còn nhiều khó khăn. Theo đó, TPCN bao giờ cũng phải được lưu ý “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” nhưng thường được nói rất nhanh trong chương trình quảng cáo, giới thiệu nên người tiêu dùng dễ ngộ nhận.
Ngoài quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, website, mạng xã hội, TPCN còn được giới thiệu trực tiếp tại các hội thảo của các công ty bán hàng đa cấp. Một số trình dược viên cũng giới thiệu TPCN tại các quầy thuốc, nhà thuốc hay các tổ chẩn trị y học dân tộc ở địa phương, nhất là vùng nông thôn để đưa sản phẩm đến tận tay người dân.
Theo Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh - bác sĩ Phạm Văn Luân, việc quản lý TPCN trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn vì chưa đủ thời gian, nhân lực và năng lực xét nghiệm. Thời gian tới, đề nghị các cấp, các ngành liên quan tích cực phối hợp xử lý nghiêm các sai phạm; siết chặt quản lý nhưng cũng tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở sản xuất TPCN phát triển theo quy định, bảo đảm quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng. Đặc biệt là kiểm duyệt chặt chẽ chất lượng TPCN gắn với việc thẩm định nội dung quảng cáo, có chế tài xử lý nghiêm quảng cáo không đúng sự thật, sản phẩm không bảo đảm chất lượng.
Không thể phủ nhận vai trò của TPCN đối với sức khỏe nhưng người tiêu dùng cần tránh việc lạm dụng TPCN trong hỗ trợ điều trị bệnh. TPCN cũng như bất kỳ sản phẩm nào khác, cần phải dùng đúng chỉ định và theo khuyến cáo mới mang lại tác dụng. Để bảo đảm sức khỏe của bản thân và gia đình, trước tiên, bản thân mỗi người hãy là người tiêu dùng thông minh. Người kinh doanh cần có kiến thức, đề cao đạo đức kinh doanh, không nên vì lợi nhuận mà tìm mọi cách để bán được sản phẩm. Các ngành chức năng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng./.
An Hòa - Phúc Khang