Tiếng Việt | English

09/05/2020 - 06:21

Câu lạc bộ '3 giúp' - Hỗ trợ thiết thực cho nữ công nhân ở trọ

Câu lạc bộ "3 giúp nữ công nhân nhà trọ” (CLB "3 giúp") là một mô hình tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) có hiệu quả do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPNVN) huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An chủ trì thực hiện từ tháng 4/2017.

Công tác phòng chống tội phạm, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại nhà trọ công nhân được chú trọng

Hội chọn khu phố Trị Yên, thị trấn Cần Giuộc làm điểm; khu phố Tân Xuân, thị trấn Cần Giuộc và ấp 3, xã Long Hậu làm diện rồi nhân rộng ra toàn bộ xã, thị trấn.

Chủ tịch Hội LHPNVN huyện Cần Giuộc - Huỳnh Thị Tuyết Hồng cho biết, Hội LHPNVN huyện hướng dẫn Hội LHPNVN cấp xã tham mưu Đảng ủy, xây dựng kế hoạch thực hiện mô hình để triển khai. CLB “3 giúp” là giúp về kiến thức pháp luật, chỗ ở và giúp các nữ công nhân tập thói quen tiết kiệm chi tiêu hằng ngày. 

Theo đó, trong việc "giúp về kiến thức pháp luật", Hội phối hợp ngành Công an tập trung tuyên truyền Luật Hôn nhân gia đình; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Cư trú, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Trẻ em,… bằng nhiều hình thức như dán tài liệu tại các khu nhà trọ, sinh hoạt CLB, phát tờ rơi, thi hái hoa dân chủ,…Tổng cộng thực hiện được 32 cuộc với 1.056 lượt người dự.

Trưởng Khu phố Trị Yên - Đinh Văn Hương thông tin: Ngoài tuyên truyền pháp luật cho nữ công nhân ở trọ, khu phố còn phối hợp Chi hội PN, Công an thị trấn phát móc khóa có số điện thoại Công an; vận động công nhân tham gia bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông. Hiện khu phố có 2 CLB với sự tham gia của công nhân gần 40 phòng trọ.

Với việc "giúp về chỗ ở", Hội LHPNVN thị trấn vận động sự đồng thuận của 3 chủ nhà trọ không tăng giá trong từ 1 - 2 năm trở lên (giảm hoặc không tính tiền nhà trọ do điều kiện khách quan như mất việc, chờ tìm việc, thiên tai, dịch bệnh,...).

Đối với việc "giúp tập thói quen tiết kiệm chi tiêu hàng ngày", Hội tuyên truyền chị em về việc tiết kiệm, tích lũy thông qua mô hình “Heo đất tiết kiệm”. Mỗi chị được cấp một con heo đất thi đua gửi tiết kiệm, người nào tiết kiệm số tiền lớn thì sẽ có thưởng. Heo đất được khui ra vào dịp lễ, tết,...

Chi hội trưởng Chi hội PN khu phố Trị Yên - Đặng Thị Chính chia sẻ: “Cứ 3 tháng một lần, chúng tôi tập hợp nữ công nhân và mời các cán bộ Công an đến TTPBGDPL, nhắc nhở về phòng, chống tội phạm. Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19, chúng tôi vận động nhà hảo tâm tặng 32 phần quà (trị giá 200.000 đồng/phần) cho nữ công nhân ở trọ; vận động chủ nhà trọ không tăng giá phòng”.

Qua thời gian triển khai, mô hình giúp đỡ, hỗ trợ nhiều nữ công nhân ở trọ trên địa bàn huyện

Chủ tịch Hội LHPNVN thị trấn Cần Giuộc - Lê Thị Mộng Cầm phấn khởi: “CLB góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của nữ công nhân nói chung, các nữ chủ nhà trọ nói riêng trong việc giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương, tạo sự gắn kết trong cộng đồng dân cư, giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”.

Qua 3 năm hoạt động, việc thực hiện mô hình tại khu phố Trị Yên và khu phố Tân Xuân của thị trấn Cần Giuộc (trước kia thuộc xã Tân Kim) và ấp 3, xã Long Hậu đã hỗ trợ tích cực cho chính quyền địa phương trong việc quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Chị Nguyễn Thị Phượng Hằng - quê ở tỉnh Cà Mau, hiện đang làm công nhân Cty FuLuh - thành viên tham gia CLB tại khu phố Trị Yên cho biết: “Nữ công nhân ở trọ có rất ít thời gian để sinh hoạt, giải trí, cập nhật kiến thức. Nhờ CLB mà chúng tôi được trao đổi, nắm bắt các quy định của pháp luật và còn được Chi hội PN giúp đỡ nhiều vấn đề trong cuộc sống".

Được biết, Hội LHPNVN huyện chủ động triển khai CLB "3 giúp nữ công nhân nhà trọ” đến các Hội LHPNVN của toàn bộ xã, thị trấn, từ 36 thành viên nòng cốt ban đầu, đến nay, toàn huyện có gần 100 thành viên nòng cốt.

Theo Hội LHPNVN huyện, mô hình đã làm tốt công tác nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nữ công nhân; tập hợp công nhân tham gia sinh hoạt; giúp họ có kiến thức, kỹ năng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; giúp đỡ những trường hợp khó khăn đột xuất; góp phần bảo đảm an ninh trật tự, không xảy ra bạo lực gia đình; ý thức của công nhân về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội được nâng lên.

Theo đánh giá từ Sở Tư pháp, mô hình cho thấy vai trò, trách nhiệm, ý thức xây dựng môi trường văn hóa, sinh hoạt pháp luật của nữ công nhân và các chủ nhà trọ; góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn. Đây là một trong những mô hình TTPBGDPL đạt hiệu quả trên địa bàn tỉnh, cần được nhân rộng tại những khu vực có nhiều nữ công nhân tại các khu – cụm công nghiệp trong toàn tỉnh./.

Đỗ Lâm

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích