Dây chuyền sản xuất tinh dầu đạt chuẩn GPP tại Công ty Cổ phần Nghiên cứu, bảo tồn và Phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười
1. Vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM) có diện tích trên 300.000ha, trong đó, phần lớn là đất bị nhiễm phèn. Đất phèn được hình thành từ trầm tích đầm lầy biển. Đất phèn ở vùng ĐTM của tỉnh phân bố khá nhiều ở các huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Đức Huệ và Thủ Thừa. Đất phèn ở vùng ĐTM bao gồm 2 nhóm chính: Đất phèn tiềm tàng (Sulfaquents) và đất phèn hoạt động (Sulfaquepts).
Trạm trưởng Trạm Thực nghiệm Lâm nghiệp Thạnh Hóa (TNLN) thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam bộ - kỹ sư lâm nghiệp Nguyễn Văn Lưu cho biết, cây tràm trà được trồng thử nghiệm tại một số vùng đất cát ven biển hoặc đất xám trên địa hình trung bình - cao tại một số khu vực phía Bắc Việt Nam. Tại Long An, tràm trà được trồng trên khu vực đất phèn thuộc huyện Mộc Hóa và Thạnh Hóa. Cây sinh trưởng khá tốt nếu áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, đặc biệt cây chịu được phèn nặng nhưng phát triển tốt ở vùng đất cao ráo. Tại huyện Thạnh Hóa, cây tràm trà phát triển khá tốt tại vùng đất cao, nhiễm phèn thuộc 2 xã Thuận Bình và Tân Hiệp.
Cũng theo ông Lưu, các báo cáo khoa học cho thấy, tinh dầu tràm trà có tác dụng kháng Candida albicans, các men, nấm trên da. Do có tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm mạnh và không hại da nên tinh dầu tràm trà được sử dụng trong nhiều lĩnh vực của đời sống như nước súc miệng, mỹ phẩm bôi da, nước hoa, dầu gội đầu, xà phòng thơm, kem đánh răng,... Ngoài ra, tinh dầu tràm trà sử dụng trực tiếp để trị mụn cóc, nám da do nấm và nhiều loại dược liệu khác nhau,...
Theo số liệu của Trạm TNLN, hiện nay, diện tích cây tràm trà trên địa bàn huyện Thạnh Hóa khoảng 10ha; riêng tại Trạm TNLN gần 8ha. Hiện một số cơ sở trên địa bàn tỉnh tự sản xuất và thu mua nguyên liệu lá cây tràm trà để chế biến tinh dầu tràm trà.
Giám đốc Công ty Cổ phần Nghiên cứu, bảo tồn và Phát triển dược liệu ĐTM - dược sĩ Bùi Đắc Thắng thông tin: “Hiện tại, Khu bảo tồn (thị trấn Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa) đã phát triển cây tràm trà với diện tích khoảng 15ha. Dây chuyền sản xuất tinh dầu tràm trà (Nhà máy Mộc Hoa Tràm) đạt tiêu chuẩn GPP, bảo đảm nguồn dược liệu sạch. Đặc biệt, cây tràm trà tại Khu bảo tồn được bón các loại phân hữu cơ từ lục bình và lá cây nên tinh đầu đạt tiêu chuẩn GPP”. Cũng theo dược sĩ Bùi Đắc Thắng, tinh dầu từ cây tràm trà rất tốt cho việc sản xuất loại dược liệu kháng khuẩn đường hô hấp. Thời gian tới, Khu bảo tồn sẽ phát triển mạnh diện tích cây tràm trà, đáp ứng nhu cầu sản xuất dược liệu, nhất là dược liệu dùng trong phòng và trị bệnh do Covid-19 gây ra. Hiện Khu bảo tồn có trên 1.000ha với hơn 90 loài thuộc 39 họ thực vật. Cây tràm trà là 1 trong 2 đề tài khoa học cấp quốc gia mà Khu bảo tồn đang thực hiện.
2. “Với những đặc tính chịu được phèn, cây không cao và có tán đẹp, vì vậy, cây tràm trà rất thích hợp trồng ở những khoảng đất trống, ven đường, bờ đê, công viên, ven các khu, cụm, tuyến dân cư ở vùng ĐTM.
Đất ven đường, bờ đê và cụm, tuyến dân cư rất thích hợp để cây tràm trà phát triển vì đa số cao ráo và đã có thời gian rỏ phèn nên cây phát triển khá tốt” - ông Lưu cho biết thêm.
Cây tràm trà là một trong những nhóm cây ít bị sâu, bệnh tấn công; có khả năng giữ đất, chống xói mòn, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp, bảo vệ môi trường sống và không bị bật gốc khi gặp giông bão. Ngoài ra, khi trồng cây, người dân có thể cắt tỉa cành, thu hoạch lá cung cấp cho những cơ sở chế biến tinh dầu, dược liệu. Theo ông Lưu, cây trồng trong vườn nhà thành loại cây cảnh đẹp và là nguồn thuốc Nam trị được nhiều bệnh thông thường. Cây phát triển tốt khi được lên liếp cao, khoảng cách giữa các cây 4-6m là phù hợp nhất để cây quang hợp, phát triển. Giá thu mua trên thị trường hiện nay khoảng 10 triệu đồng/tấn lá. Cây trồng khoảng 3 năm, cao 1,5m là có thể thu hoạch lá.
Cây tràm trà non được ươm bằng hình thức giâm cành
Dược sĩ Bùi Đắc Thắng cho biết thêm: “Cây tràm trà đòi hỏi phải trồng và chăm sóc theo đúng kỹ thuật mới phát triển tốt. Cây chịu được phèn nhưng không ưa bị ngập, úng. Tuy nhiên, cây có giá trị kinh tế cao vì 1 lít tinh dầu tràm trà có giá từ 150-200USD trên thị trường thế giới”.
Hiện Trung tâm TNLN tại xã Thạnh An, huyện Thạnh Hóa đã ươm thành công cây tràm trà bằng biện pháp giâm cành. Trung tâm có khả năng cung cấp giống theo đơn đặt hàng cho cá nhân, tổ chức muốn phát triển cây tràm trà. Ngoài ra, Trung tâm phối hợp chặt chẽ các địa phương khi phát động phong trào trồng cây nhớ Bác, góp phần thực hiện Đề án Trồng hơn 1 triệu cây phân tán của UBND tỉnh phát động nhằm chống xói mòn, sạt lở đất, bảo vệ môi trường trên địa bàn trong năm 2022. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng có Đề án Phát triển diện tích cây tràm trà trên vùng đất trống, chưa sử dụng của tỉnh./.
Mộc Lâm