Tiếng Việt | English

06/07/2019 - 13:20

Chăn nuôi an toàn sinh học để bảo vệ đàn heo

Thời gian qua, việc tuân thủ các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học chưa triệt để khiến dịch tả heo châu Phi (DTHCP) xảy ra và lây lan rất nhanh. Tại Long An, DTHCP xảy ra tại các huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Hưng và thị xã Kiến Tường.

Chăn nuôi an toàn sinh học là cách để bảo vệ đàn heo

Chăn nuôi an toàn sinh học là cách để bảo vệ đàn heo

Theo đánh giá của ngành chức năng, DTHCP xuất hiện chủ yếu tại các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ. Ngoài ra, trong chăn nuôi còn tình trạng vận chuyển heo bệnh và sản phẩm heo bệnh giữa các vùng; vứt heo chết ra môi trường; cho heo ăn thức ăn thừa từ nhiều nguồn không qua nấu chín; người và xe tự do ra, vào chuồng trại mà không sát trùng đúng quy định,... Đó chính là những nguy cơ khiến dịch bệnh xâm nhập.

Cục trưởng Cục Thú y - Phạm Văn Đông cho rằng: Việc thực hiện các giải pháp an toàn sinh học một cách tuyệt đối là “chìa khóa” duy nhất để bảo vệ đàn heo của các trang trại và nông hộ. Người chăn nuôi không được vận chuyển heo bệnh và các sản phẩm từ heo bệnh qua vùng khác. Theo đó, người chăn nuôi tuyệt đối không bán hoặc đưa heo ốm, chết ra khỏi chuồng trại. Heo chết cần được xử lý ngay trong khuôn viên chuồng trại theo quy định của thú y để giảm thiểu rủi ro, nguy cơ lây lan, bùng phát bệnh cho các trang trại khác. Bán, giết mổ heo ốm, heo chết là hành vi vi phạm pháp luật. Người chăn nuôi không nên cho heo ăn thức ăn thừa không qua nấu chín. Bởi, trong thức ăn thừa hoặc phụ phẩm chế biến từ nhà bếp, quán ăn, các cơ sở sản xuất thực phẩm có thể lẫn thịt heo và các sản phẩm chế biến từ heo nhiễm virus DTHCP (do heo nhiễm vi-rút DTHCP 3-5 ngày trong thời gian ủ bệnh chưa phát bệnh nhưng có khả năng có vi-rút). Sử dụng thức ăn thừa không được đun nấu cho heo ăn có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao.

 Bên cạnh đó, người chăn nuôi bên ngoài, người tiếp xúc với heo (người mua bán, vận chuyển heo vào chuồng trại) không được tự do ra, vào chuồng trại; hạn chế tối đa các loại xe ra, vào chuồng trại, nếu bắt buộc phải cho xe vào thì phải khử trùng theo quy định; tuyệt đối cấm xe chở heo, chở phân, vỏ bao, xe cám, thuốc vào trong khu vực chăn nuôi; các xe cung ứng cám, thuốc cần thiết vào trại cần sát trùng kỹ, cách ly và dừng đỗ tại những nơi quy định,…

Ngoài ra, người chăn nuôi không nên nhập heo vào chuồng trại mà không nuôi cách ly. Các chuồng trại khi thiết kế phải có khu cách ly, mỗi khi nhập heo mới về phải cách ly ít nhất 30 ngày để bảo đảm heo được an toàn về bệnh dịch sau khi cắt đàn và loại bỏ nguy cơ mang mầm bệnh vào chuồng trại từ bên ngoài; không mang thức ăn không rõ nguồn gốc từ bên ngoài vào chuồng trại.

Cần chủ động tìm nguồn cung cấp thực phẩm uy tín, rõ nguồn gốc để tránh nguy cơ lây nhiễm và trang bị thiết bị khử trùng thực phẩm bằng tia UV, hoặc Ozone hay xử lý nhiệt trước khi mang vào khu vực bếp, nhà ăn riêng của chuồng trại;  không đi từ nơi bẩn đến nơi sạch trong chuồng trại để tránh lây nhiễm chéo.

Nguyên tắc di chuyển trong trại là đi từ khu heo con sơ sinh đến khu heo chuẩn bị cai sữa, khu heo có ngày tuổi nhỏ đến heo có ngày tuổi cao, khu heo con sang heo thịt. Khuyến cáo trước khi di chuyển từ dãy chuồng này sang dãy chuồng khác phải thay quần áo, sát trùng ủng và tay để tránh nhiễm chéo.

Trước tình hình dịch bệnh như hiện nay, biện pháp tốt nhất là không cho người đi qua lại và sử dụng dụng cụ chung giữa các dãy chuồng, tốt nhất 1 người quản lý 1 dãy chuồng; không giết mổ, tiêu thụ heo bệnh, heo chết; không vứt heo chết ra môi trường.

Khi phát hiện heo có triệu chứng bệnh phải thông báo với nhân viên thú y địa phương để được hỗ trợ xét nghiệm, nếu phát hiện ổ dịch thì được hướng dẫn tiêu hủy theo đúng quy định./.

Tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh, dịch tả heo châu Phi xảy ra tại 33 hộ, 21 ấp/khu phố, 15 xã/phường thuộc 6 huyện, thị xã: Đức Hòa (xã Đức Hòa Thượng, Hòa Khánh Đông và Mỹ Hạnh Nam), Bến Lức (xã Long Hiệp, Lương Bình, Mỹ Yên, Phước Lợi và Thanh Phú), Cần Giuộc (xã Thuận Thành và Trường Bình), Cần Đước (xã Long Trạch), Tân Hưng (xã Hưng Điền B và Vĩnh Châu A) và thị xã Kiến Tường (phường 1 và phường 2). Tổng số heo bệnh bị tiêu hủy là 822 con với tổng trọng lượng 51.756,5kg.

 Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết