Ít mô hình điểm
MH điểm có vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp ƯDCNC, giúp ngành chức năng, chính quyền địa phương và nông dân rút ra kinh nghiệm về cách thực hiện cũng như áp dụng, nhân rộng MH trong tương lai. Nhưng hiện nay, MH điểm chăn nuôi bò thịt ƯDCNC được triển khai rất ít, thậm chí chưa được thực hiện như kế hoạch. Vì vậy, nông dân trong vùng chăn nuôi bò thịt ƯDCNC ở 2 huyện Đức Hòa, Đức Huệ gặp khó khăn trong thực hiện.
Theo Tổ trưởng Tổ hợp tác Chăn nuôi bò ấp Mỹ Lợi (xã Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) - Lương Văn Nghiệp, chăn nuôi bò ƯDCNC còn gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật, quy trình thực hiện, chính sách hỗ trợ, MH điểm,... Ngành chuyên môn nên thực hiện một vài MH điểm đạt kết quả để nông dân có thể tham quan, học hỏi và áp dụng. Ngoài ra, việc tuyên truyền đề án đến các hộ chăn nuôi còn hạn chế, nông dân khó tiếp cận những khoa học - kỹ thuật mới. Đặc biệt, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ nông dân nhiều hơn. Hiện, tổ hợp tác có khoảng 100 con bò với gần 20 thành viên tham gia.
Thực hiện đề án chăn nuôi bò thịt ứng dụng công nghệ cao còn gặp nhiều khó khăn
Ông Nguyễn Văn Hoàn, ngụ xã Hòa Khánh Đông, huyện Đức Hòa, cho rằng: “Nông dân rất muốn được tham quan, học tập MH điểm chăn nuôi bò thịt ƯDCNC nhưng vẫn chưa thấy triển khai thực hiện. Mặt khác, việc áp dụng khoa học - kỹ thuật mới trong chăn nuôi, thị trường tiêu thụ,... cũng là những trở ngại lớn hiện nay”.
Chưa thay đổi tập quán
Khi tham gia thực hiện đề án, một số nông dân chưa nhận thức cao trong việc tiếp cận, áp dụng quy trình sản xuất mới, khoa học - kỹ thuật mới vào chăn nuôi. Nhiều nông dân vẫn chăn nuôi theo kiểu truyền thống, mạnh ai nấy làm, manh mún, nhỏ, lẻ. Theo thông tin của UBND xã Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ, dù đề án chăn nuôi bò thịt ƯDCNC được tuyên truyền rất nhiều nhưng một số nông dân vẫn thờ ơ, chưa “mặn mà” tham gia tổ hợp tác.
Chủ tịch UBND xã Hòa Khánh Đông - Lê Văn Quang cho biết: “Nhiều năm qua, chăn nuôi bò thịt ở địa phương mang lại hiệu quả. Xã thường xuyên tuyên truyền, vận động nông dân tham gia tổ hợp tác để ƯDCNC vào chăn nuôi nhưng nhiều người còn e ngại vì quen với tập quán cũ. Xã kiến nghị, ngành chuyên môn nhanh chóng triển khai MH điểm, tăng cường tập huấn để nông dân học tập và áp dụng”.
Lo lắng về đầu ra
Ông Phạm Thành Công, ngụ xã Hòa Khánh Đông, huyện Đức Hòa, chia sẻ: “Chăn nuôi bò thịt ƯDCNC tạo ra sản phẩm chất lượng, có sức cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là áp dụng kỹ thuật và thị trường tiêu thụ chưa ổn định khiến nông dân chưa mạnh dạn tham gia. Ngành chức năng cần tích cực vào cuộc, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm ƯDCNC ổn định để nông dân tin tưởng, tự giác tham gia. Có như vậy, đề án mới thành công”.
Theo Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa - Trần Văn Lành, huyện còn gặp một số khó khăn trong thực hiện đề án chăn nuôi bò thịt ƯDCNC như nông dân còn thói quen sản xuất nhỏ, lẻ, manh mún; MH điểm còn khá ít; thị trường tiêu thụ khó khăn;... Huyện nhiều lần kêu gọi doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm của nông dân nhưng số lượng còn ít so với nhu cầu thực tế. Huyện kiến nghị tỉnh hỗ trợ tìm kiếm thị trường, hướng dẫn thực hiện các chính sách hỗ trợ nông dân,... để đề án sớm đạt kết quả.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Huệ - Phạm Văn Liên cho biết: Thực hiện đề án chăn nuôi bò thịt ƯDCNC, huyện gặp một số khó khăn, nhất là đầu ra của sản phẩm. Huyện phối hợp, tổ chức nhiều đoàn xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ nhưng số lượng còn hạn chế. Tỉnh cần hỗ trợ địa phương về tập huấn kỹ thuật, nhanh chóng triển khai MH điểm, hướng dẫn thực hiện các chính sách và tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Có như vậy, nông dân mới an tâm chăn nuôi và tự giác tham gia thực hiện đề án.
“So với cây lúa, rau, thanh long, chăn nuôi bò thịt ƯDCNC còn gặp nhiều khó khăn, nhiều nông dân chưa thay đổi tập quán chăn nuôi, chuồng trại chưa bảo đảm, trình độ của nhiều cán bộ kỹ thuật còn hạn chế, MH điểm triển khai còn ít, chưa có nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã mạnh dạn ƯDCNC vào chăn nuôi bò thịt, thị trường tiêu thụ chưa ổn định,... Thời gian tới, sở tăng cường phối hợp các sở, ban, ngành và địa phương tháo gỡ những khó khăn; đồng thời, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh những giải pháp thực hiện để đề án đạt hiệu quả, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, cải thiện đời sống người dân” - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng nhấn mạnh./.
Thanh Mỹ