Một đối tượng rải, dán thông báo cho vay ở cột điện, gốc cây bị ngành chức năng phát hiện, mời về làm việc, xử phạt. Ảnh: T.P
Kiến nghị điều chỉnh pháp luật xử lý "tín dụng đen"
Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Long An - Nguyễn Thành Vững cho biết, hoạt động "tín dụng đen", cho vay nặng lãi cần sớm được phát hiện, ngăn chặn và đẩy lùi. Vừa qua, Ban Nội chính Tỉnh ủy tổ chức cuộc tọa đàm về tình hình "tín dụng đen" trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đã nắm thêm nhiều thông tin, tình hình hoạt động "tín dụng đen", cho vay nặng lãi.
Trong cuộc tọa đàm đã phân tích, làm rõ những khó khăn trong xử lý để có phương hướng, giải pháp ngăn chặn "tín dụng đen". Qua đó, Ban tổng hợp báo cáo, tham mưu Tỉnh ủy chỉ đạo xử lý "tín dụng đen", cho vay nặng lãi trong thời gian tới.
Liên quan đến pháp luật xử lý "tín dụng đen", nhiều ý kiến cho rằng, Trung ương cần xem xét bổ sung Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 và Nghị định số 167/NĐ-CP của Chính phủ cho phù hợp với tình hình thực tế. Trong khi chờ sửa đổi, bổ sung các quy định, pháp luật thì cần kịp thời hướng dẫn địa phương xử lý tình hình "tín dụng đen" hiện nay để không phát sinh phức tạp, dễ dẫn đến mất ổn định an ninh, trật tự tại các địa phương. Đồng thời, ngành chức năng cần rà soát văn bản quy định về cho vay của các tổ chức tín dụng, công ty tài chính, hoạt động cầm cố tài sản để kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Nhiều ý kiến cũng thẳng thắn chỉ ra trách nhiệm của ngành, đơn vị để phòng, chống, xử lý, chặn "vòi bạch tuộc" "tín dụng đen", cho vay nặng lãi đã và đang xảy ra thời gian qua. Vấn đề được đặt ra là công tác phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể trong quản lý, phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật của đối tượng hoạt động "tín dụng đen" phải được thực hiện quyết liệt, đồng bộ.
Cùng vào cuộc ngăn chặn "tín dụng đen"
Chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Long An - Huỳnh Văn Chúc thông tin, Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các tổ chức tín dụng, bảo đảm hoạt động an toàn, hiệu quả, kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm. Chấp hành nghiêm quy định của Luật Giám định tư pháp và các văn bản hướng dẫn liên quan. Đẩy nhanh tiến độ giám định, trả lời các yêu cầu của cơ quan trưng cầu giám định. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cung cấp kịp thời thông tin, tài liệu phục vụ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc liên quan đến "tín dụng đen" theo quy định. Thường xuyên chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho người vay.
Trong khi đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh đến việc phối hợp tốt các ngành liên quan và địa phương kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, đòi nợ về việc chấp hành quy định của pháp luật về đầu tư kinh doanh. Sở sẽ cung cấp thông tin của doanh nghiệp phục vụ công tác điều tra các vụ án liên quan đến "tín dụng đen". “Có hai loại cho vay là có đăng ký và không đăng ký. Thời gian qua, sở thường xuyên quan tâm đến công tác hậu kiểm đối với lĩnh vực này để ngăn chặn cho vay nặng lãi. Sở sẽ kiểm soát chặt chẽ việc đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh dịch vụ, cầm đồ. Phối hợp tốt lực lượng công an trong việc xem xét cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự cho các cơ sở kinh doanh này” - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư - Nguyễn Anh Việt nhấn mạnh.
Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Chi nhánh tỉnh Long An - Nguyễn Trọng Điệp cho biết, đối tượng cho vay của ngân hàng chính sách rất rộng từ tiêu dùng, sản xuất, buôn bán, cho con đi học,... Những hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu vay, mục đích rõ ràng, ngân hàng chính sách luôn có vốn để đáp ứng. “Ngân hàng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về các chính sách tín dụng ngân hàng, các gói, các khoản cho vay ưu đãi đến mọi tầng lớp nhân dân. Qua đó, tạo điều kiện để người dân có thể tiếp cận được nguồn vốn vay hợp pháp khi có yêu cầu, hạn chế tình trạng vay của các đối tượng cho vay nặng lãi” - ông Nguyễn Trọng Điệp cho biết.
Đại tá Trần Văn Hà - Phó Giám đốc Công an tỉnh, nhấn mạnh, sẽ tiếp tục tăng cường công tác phối hợp nắm tình hình, rà soát, nắm bắt các cá nhân, nhóm cho vay, đòi nợ. Qua đó, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những vi phạm.
Còn Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh - Hồ Văn Xuân cho rằng, hiện nay, tình hình "tín dụng đen", cho vay nặng lãi đang có xu hướng “đột nhập” vào đối tượng vay là công nhân. Theo đó, Liên đoàn Lao động sẽ phối hợp các ngành chức năng, doanh nghiệp, tổ chức Công đoàn đẩy mạnh tuyên truyền về "tín dụng đen", những nguy cơ, hệ lụy để công nhân, lao động nắm bắt, không tham gia vay.
Xác định công tác tuyên truyền là quan trọng, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy - Nguyễn Thành Vững cũng đề nghị các cơ quan báo chí thường xuyên thông tin về những tác hại, hậu quả, nạn nhân cụ thể của "tín dụng đen", cho vay nặng lãi để cảnh báo, nâng cao nhận thức của người dân. Đồng thời, các cơ quan báo chí phối hợp các ngân hàng, tổ chức tín dụng tuyên truyền về các chính sách, quy định của Nhà nước về cho vay tiêu dùng, sản xuất để người dân tiếp cận nguồn tín dụng chính thức.
"Tín dụng đen" vay thì dễ nhưng trả thì khó, kèm theo đó là nhiều hệ lụy khác xảy ra nên người dân cần cảnh giác, tránh xa. Đừng để bản thân, gia đình trở thành nạn nhân của "tín dụng đen", cho vay nặng lãi./.
Lê Đức