Tiếng Việt | English

22/10/2019 - 09:27

Chặn vòi 'Tín dụng đen' - bài 1: Vay dễ, khó trả

Cũng như nhiều tỉnh, thành phố khác trên cả nước, tại địa bàn Long An, hoạt động "tín dụng đen", cho vay nặng lãi những năm gần đây vẫn diễn biến phức tạp, len lỏi từ thành thị đến nông thôn, ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự. Trước tình hình này, thời gian qua, ngành chức năng tăng cường đấu tranh, xử lý nghiêm vi phạm và chú trọng tuyên truyền, khuyến cáo người dân tránh xa cạm bẫy "tín dụng đen", cho vay nặng lãi.


Những tờ thông báo cho vay dán kín cột điện

MờI chào cho vay khắp nơi

Long An là tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nằm ở cửa ngõ từ TP.HCM đi các tỉnh miền Tây Nam bộ và ngược lại. Ngoài nông nghiệp, tỉnh phát triển mạnh công nghiệp nên thu hút lượng lớn người lao động về đây tạm trú, làm việc. Những đặc điểm này góp phần tạo thuận lợi cho việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân. 

Tuy nhiên, đó cũng là điều kiện tác động, kéo theo những vấn đề đặt ra liên quan đến môi trường, an ninh, trật tự, tội phạm,... Cũng như nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước, hoạt động "tín dụng đen", cho vay nặng lãi đã xảy ra từ thành thị đến nông thôn, ở hầu hết các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. 

Những năm qua, trên địa bàn tỉnh rất dễ dàng nhìn thấy những tờ quảng cáo, rao vặt cho vay với hình thức rất mập mờ như không cần thế chấp, giải ngân nhanh chóng, kèm theo số điện thoại để liên hệ được treo, dán ở gốc cây, gầm cầu, cột điện, hàng rào. Nếu nhìn ở góc độ mỹ quan thì việc treo, dán vô tội vạ khắp nơi như thế là hình ảnh xấu xí.

Đơn cử như tại TP.Tân An, hiện tại rất nhiều cột điện, cột đèn giao thông bị dán dày đặc những tờ giấy thông báo cho vay. Dựa theo những thông tin này, có lần chúng tôi gọi điện theo số điện thoại ghi trên tờ thông báo để hỏi vay. Tuy nhiên, địa điểm hẹn giao dịch thì chỉ cần quán cà phê hay bến xe chứ không có địa chỉ văn phòng hay chi nhánh cụ thể. Ngoài ra, trên mạng xã hội, các thông tin quảng cáo, rao vặt cho vay cũng thường xuất hiện.

Trao đổi về vấn đề này, đại diện Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Long An cho biết, hình thức quảng cáo, rao vặt cho vay mập mờ này không phải của tổ chức tín dụng hay công ty tài chính hợp pháp nên người dân hãy cảnh giác. Cũng theo khuyến cáo, hình thức này không loại trừ khả năng do những tổ chức, cá nhân mạo danh một công ty tài chính, tổ chức tín dụng nào đó để lừa khách hàng. 

Bị uy hiếp, khủng bố, gây thương tích 

Người vay "tín dụng đen" thường phải trả lãi rất cao, một thời gian ngắn số lãi đã nhiều hơn so với tiền gốc. Theo Thượng tá Trương Văn Vụ - Phó Trưởng Công an TP.Tân An, hình thức cho vay chủ yếu là trả góp hàng ngày với lãi suất dao động từ 15-30%/tháng. Cá biệt có trường hợp lên đến 50%/tháng. Lãi suất tính theo năm là 300-360%/năm, có trường hợp lên đến 600%/năm.

“Với lãi suất nêu trên so với lãi suất cơ bản theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về cho vay là cao hơn 33-40 lần, có trường hợp cao gần 67 lần” - Thượng tá Trương Văn Vụ cho biết. 

Với lãi suất cao “cắt cổ” như thế, nhiều người bức xúc gọi những đối tượng cho vay nặng lãi, "tín dụng đen" là “cướp ngày”. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có những trường hợp người vay trả không đúng thời hạn đã bị các đối tượng cho vay gây áp lực, đe dọa bằng những hình thức như đổ chất bẩn, chất thải vào nhà, bị gọi điện, nhắn tin uy hiếp, khủng bố tinh thần, tụ tập đông người tại nơi làm việc của người vay, thậm chí có trường hợp bị bắt giữ trái pháp luật, bị đánh gây thương tích.Những hành vi này làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự, gây tâm lý hoang mang, lo ngại trong nhân dân.

Trường hợp gia đình ông H.V.K (huyện Tân Trụ) là nạn nhân của vay nặng lãi, "tín dụng đen". Vì cần một số tiền gấp nên vợ ông K. đã lần theo thông báo cho vay treo trên gốc cây để vay 50 triệu đồng với lãi suất 20-30%/tháng. Lãi suất quá cao nên theo thời gian, lãi chồng lãi dẫn đến mất khả năng trả nợ. Sau nhiều lần bị chủ nợ đòi, dằn mặt, vợ ông K. phải bỏ nhà đi nơi khác để trốn tránh. 

Một hôm, giữa đêm có gần 10 đối tượng tìm đến nhà ông K. đòi khoản nợ mà vợ ông vay trước đó, gây náo loạn cả khu vực. Do không đòi được nợ, nhóm “xã hội đen” rút mã tấu chém ông K. gần đứt lìa nửa bàn tay trái. Ngay trong đêm, người dân đưa ông K. đến bệnh viện địa phương cấp cứu trong tình trạng mất nhiều máu. Sau đó, ông được chuyển gấp lên bệnh viện ở TP.HCM nối lại các ngón tay. 

Hay với bà N.T.D, ngụ huyện Cần Giuộc, thấy tờ rao vặt cho vay không cần thế chấp dán trên cột điện, bà liên hệ và được một nhóm người đồng ý cho vay 30 triệu đồng. Điều kiện cho vay là cung cấp CMND, sổ hộ khẩu. Thay vì làm giấy cho vay tiền, nhóm người này yêu cầu bà D. ký vào giấy mua tivi, tủ lạnh trả góp, cam kết trả đủ trong vòng 45 ngày. Thực chất, đây là giấy vay nợ với mức lãi suất rất cao mà chúng giăng ra cho con nợ. Chỉ thời gian ngắn sau, bà D. mất khả năng chi trả. Giữa tháng 02-2018, bà bị nhóm người cho vay tìm đến đòi nợ rồi hành hung. 

Để tránh những hệ lụy từ vay nặng lãi, "tín dụng đen", ngành chức năng thường xuyên khuyến cáo người dân. Công an, chính quyền địa phương nhiều nơi còn ra thông báo rộng rãi trên hệ thống truyền thanh để người dân biết. Vì vậy, hơn ai hết, người dân phải hết sức tỉnh táo, cảnh giác để không phải trở thành con nợ của "tín dụng đen", vay nặng lãi, dẫn đến hậu quả đáng tiếc xảy ra./.

(còn tiếp)

Bài 2: Hoạt động tín dụng đen vẫn phức tạp

Lê Đức

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích