Tiếng Việt | English

28/12/2020 - 14:55

Chàng trai 8X năng động, sáng tạo, nhiệt huyết

Có một chàng trai 8X luôn tìm tòi học hỏi, đam mê sáng tạo, nhất là không “ngại” thất bại để khẳng định mình và làm giàu cho quê hương, đất nước. Đó chính là anh Phạm Hoàng Hậu, ngụ ấp Lũy, xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.

Nhìn vườn lan rừng nở đầy hoa, với nhiều màu sắc khác nhau, ít ai biết rằng để có được thành quả hôm nay, anh Hậu phải mất ít nhất 2 năm và tốn trên 2 tỉ đồng để “mua” những bài học “xương máu” trong việc nuôi cấy mô và trồng lan rừng.

Trồng lan theo mô hình khí canh trụ đứng giúp anh Hậu tiết kiệm được diện tích, hạn chế sâu, bệnh và tăng lợi nhuận

Anh Hậu trải lòng: “Cách đây 4 năm, tôi có thu nhập, việc làm ổn định trong lĩnh vực kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, tôi nhận thấy, thú chơi lan rừng đang phát triển ở nhiều lứa tuổi khác nhau; đồng thời, đặc điểm lan rừng lâu tàn, giá trị kinh tế tăng theo thời gian. Do đó, tôi mạnh dạn đầu tư mua cây giống và trồng thử nghiệm trên diện tích 6.000m2. Và chỉ sau 1 năm, tôi đã có lãi trên diện tích này. Song, để tìm mua giống lan rừng rất khó; đồng thời, với mong muốn bảo tồn giống lan rừng Việt Nam, tôi đã đầu tư nhà nuôi cấy mô lan rừng để tự nhân giống. Do chưa có kinh nghiệm nên khi mô cấy ra bị nhiễm bệnh, không trồng được. Lúc đó, nhiều người khuyên tôi bỏ cuộc. Nhưng với quan niệm “thất bại chỗ nào đứng lên chỗ đó”, tôi đã tìm tòi, học hỏi và đi đến thành công như ngày hôm nay”.

Hiện nay, anh Hậu “sở hữu” 13 vườn lan rừng và 3 nhà nuôi cấy mô, với diện tích 2ha. Tất cả các vườn lan được anh Hậu thiết kế rất hiện đại như trên trồng lan, dưới nuôi cá thương phẩm, hai bên vườn trồng rau thủy canh hồi lưu; đồng thời, bố trí hệ thống phun sương tự động. Nhờ thiết kế này, 13 vườn lan của anh Hậu chỉ cần 2 người chăm sóc, bình quân mỗi vườn chăm sóc 1 giờ. Hơn hết, cách làm này còn giúp anh Hậu tiết kiệm nước tưới, đem về nguồn dinh dưỡng cho cây lan, nhất là có thu nhập từ nuôi cá thương phẩm và trồng rau thủy canh hồi lưu. Cụ thể, nước từ ao nuôi cá sẽ được anh Hậu cho lọc qua hệ thống rau thủy canh hồi lưu, sau đó dùng nước này để tưới cho lan.

Chưa dừng ở đó, vườn lan của anh Hậu còn trồng theo dạng khí canh trụ đứng. Mô hình này giúp anh Hậu tiết kiệm được diện tích đất và tạo điều kiện thuận lợi cho cây con phát triển. Cụ thể, chỉ với 30m2 trồng lan theo mô hình khí canh trụ đứng thì tương đương 500m2 đất ở ngoài và hạn chế được sâu, bệnh, ít tốn chi phí, công chăm sóc.

Nuôi cấy mô lan rừng góp phần bảo tồn nhiều giống lan rừng quý hiếm Việt Nam

Nhờ cách trồng sáng tạo, hàng năm, anh Hậu có thu nhập hàng tỉ đồng từ việc nuôi cá thương phẩm, trồng rau thủy canh hồi lưu, nuôi cấy mô và trồng lan. Được biết, bình quân mỗi năm, 13 vườn lan của anh Hậu cho ra thị trường 600.000 cây con nhưng vẫn không đủ cung cấp cho thị trường. Anh Hậu cho biết: “Vườn lan của tôi có rất nhiều thương lái từ khắp mọi miền đất nước đến đặt hàng, từ đó đầu ra ổn định. Dự kiến thời gian tới, tôi sẽ mở rộng thêm 1ha lan. Ngoài ra, với những nhà vườn nào có nhu cầu học hỏi kỹ thuật nuôi cấy mô và trồng lan rừng, tôi cũng sẵn sàng giúp đỡ và chia sẻ kinh nghiệm”.

Việc trồng lan, nuôi cấy mô của anh Hậu không chỉ mở ra hướng đi mới cho ngành Nông nghiệp tỉnh mà còn góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Theo đó, hiện nay, các vườn lan của anh Hậu giải quyết việc làm thường xuyên cho 15 lao động, với mức lương trên 5 triệu đồng/tháng. Chị Đỗ Thị Trường An, ngụ ấp Lũy, xã Phước Lại, bộc bạch: “Tôi làm việc ở vườn lan của anh Hậu được gần 5 tháng. Trước đây, tôi đi làm công nhân nhưng lớn tuổi nên công ty cho nghỉ việc. Chia sẻ với hoàn cảnh gia đình, anh Hậu cho tôi vào làm việc. Nhờ vậy, tôi có thu nhập trang trải cuộc sống và có thời gian chăm sóc gia đình”.

Bằng sự nỗ lực, không ngại khó, ngại khổ và tâm huyết, anh Hậu vinh dự là 1 trong 2 thanh niên tiêu biểu của tỉnh được tuyên dương và nhận giải thưởng Lương Định Của của Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh trao tặng năm 2020 cho thanh niên nông thôn có thành tích đặc biệt xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ, phát triển ngành nghề, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới, có đóng góp tích cực vào hoạt động Đoàn, Hội ở địa phương và đơn vị. Đây chính là một phần thưởng xứng đáng, góp phần động viên anh Hậu tiếp tục có nhiều đóng góp cho quê hương, dân tộc trên hành trình lập thân, lập nghiệp./.

Kim Ngọc

Chia sẻ bài viết