1. Vai trò của chất béo đối với sức khỏe tim mạch
Cơ thể chúng ta cần chất béo từ thực phẩm để hoạt động. Tuy nhiên, không phải tất cả các chất béo trong thực phẩm đều giống nhau và có một số chất béo có lợi và một số không có lợi cho sức khỏe.
Thực phẩm chứa chất béo lành mạnh tốt cho sức khỏe là chất béo không bão hòa giúp giảm cholesterol xấu, thúc đẩy sức khỏe tim mạch. Trong khi đó, hai loại chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa là chất béo không tốt, nếu ăn quá nhiều có thể làm tăng nồng độ cholesterol trong máu, đặc biệt là cholesterol xấu, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến tim mạch và các vấn đề sức khỏe khác.
Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe tim mạch, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên chúng ta cần có một chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm nhiều loại trái cây và rau quả, ngũ cốc nguyên hạt, chất béo lành mạnh, tránh sử dụng chất béo chuyển hóa và hạn chế sử dụng chất béo bão hòa.
Chế độ ăn uống lành mạnh giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch.
Theo ThS. BS Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia, các loại chất béo lành mạnh là những chất béo tốt cho sức khỏe, bao gồm chất béo không bão hòa đơn và không bão hòa đa sẽ giúp cải thiện mức cholesterol trong máu. c cũng là lựa chọn lành mạnh cho trái tim.
Các chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa sẽ làm tăng cholesterol xấu trong máu, thúc đẩy các mảng xơ vữa mạch vành và tăng nguy cơ thiếu máu cơ tim. Do đó, cần hạn chế tối đa chất béo bão hòa và không ăn các thức ăn có chứa chất béo chuyển hóa.
2. Nên ăn thực phẩm chứa chất béo không bão hòa
Chất béo không bão hòa bao gồm chất béo không bão hòa đơn và chất béo không bão hòa đa, là những loại chất béo lành mạnh tốt cho cơ thể và mang lại nhiều lợi ích cho hệ tim mạch.
Chất béo không bão hòa đơn có nhiều trong các loại dầu như: dầu hạt cải, dầu ô liu, bơ, đậu phộng; Các loại đậu (đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ, đậu Hà Lan), các loại hạt...
Chất béo không bão hòa đa có trong dầu thực vật như dầu ngô, hướng dương; Các loại hạt như vừng, hạt hướng dương, ngô, đậu nành; Các loại đậu, các loại hạt và hạt giống cũng chứa nhiều chất béo tốt.
Axit béo omega-3 được chứng minh là có lợi cho sức khỏe tim mạch bằng cách hạn chế tình trạng viêm trong mạch máu, làm giảm nhịp tim bất thường và giảm mức độ chất béo trung tính trong máu.
Tiêu thụ chất béo này có thể giúp làm giảm mức cholesterol toàn phần cho cơ thể. Axit béo omega-3 cũng có thể làm giảm nguy cơ viêm hoặc suy tim nếu bạn có nguy cơ bị bệnh tim.
Nguồn cung cấp axit béo omega-3 tốt nhất là cá béo như: cá hồi, cá thu, cá ngừ, cá trích, cá mòi, cá cơm...
Nguồn cung cấp axit béo omega-3 tốt nhất là cá béo.
3. Tránh sử dụng chất béo chuyển hóa và hạn chế sử dụng chất béo bão hòa
Chất béo bão hòa: Hầu hết chất béo bão hòa là chất béo động vật được tìm thấy trong các loại thịt và các sản phẩm từ sữa. Nguồn chất béo bão hòa bao gồm: Mỡ bò, mỡ lợn, da gà; Sản phẩm từ sữa như bơ, phô mai, kem; Các loại dầu dừa, dầu cọ...
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tiêu thụ nhiều chất béo bão hòa có thể làm tăng cholesterol xấu (LDL). Mức LDL cao có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Bạn càng ăn nhiều chất béo bão hòa thì dường như bạn càng có nhiều LDL trong cơ thể. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng không phải tất cả LDL đều xấu.
Loại thực phẩm chứa chất béo bão hòa cũng có ảnh hưởng khác nhau đến sức khỏe tim mạch. Nghiên cứu cho thấy, tiêu thụ các sản phẩm từ sữa có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Đồng thời, ăn nhiều thịt chế biến sẵn trong chế độ ăn uống có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Vì vậy, sử dụng chất béo từ các sản phẩm sữa được coi là một lựa chọn an toàn và nên tránh các loại thịt đã qua chế biến.
Chất béo chuyển hóa: Chất béo chuyển hóa là một loại axit béo có hại được tìm thấy nhiều trong các loại thực phẩm chế biến sẵn. Nếu chúng ta thường xuyên ăn loại chất béo này thì sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch bởi cấu trúc hóa học của chất béo chuyển hóa có khả năng làm tăng cholesterol xấu và làm giảm lượng cholesterol tốt.
Hầu hết chất béo chuyển hóa là nhân tạo và được tìm thấy trong thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm chiên, thức ăn nhanh, các loại đồ nướng, bánh ngọt… Chất béo chuyển hóa cũng được tìm thấy một lượng nhỏ trong các thực phẩm làm từ sữa, thịt động vật...
Chất béo chuyển hóa được tìm thấy trong thực phẩm chiên, chế biến sẵn.
Tuy nhiên, chất béo chuyển hóa tự nhiên không đáng lo ngại bằng chất béo chuyển hóa nhân tạo. Chúng được tạo nên bởi mỡ và dầu qua tinh chế, xuất hiện trong thực phẩm chế biến thông qua cách sử dụng dầu thực vật được hydro hóa hoặc hydro hóa một phần (chiên ngập dầu, nướng....).
Để tránh chất béo chuyển hóa và hạn chế chất béo bão hòa thì cách tốt nhất là cần thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, ưu tiên các chất béo lành mạnh, tăng cường ăn rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt… thay vì những thực phẩm chế biến sẵn và đồ ăn nhanh./.
Theo Sức khỏe và Đời sống