Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) ngày 22/1 cảnh báo 3 biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện ở Anh, Nam Phi và Brazil gây nguy cơ cao ở châu Âu và có thể gây ra nhiều ca mắc, nhập viện và tử vong do Covid-19.
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Walthamstow, đông bắc London, Anh, ngày 15/12/2020. Ảnh: AFP.
3 biến thể đặc biệt nguy hiểm của SARS-CoV-2
“Chúng ta thấy rằng tình hình dịch bệnh đang diễn biến xấu đi ở những khu vực có nhiều biến thể dễ lây lan của virus. Sự gia tăng số ca mắc sẽ dẫn tới việc ngày càng có nhiều ca nhập viện và ca tử vong ở mọi nhóm tuổi”, ông Andrea Ammon, giám đốc của ECDC cho biết.
Qua việc đánh giá các rủi ro, ECDC khuyến nghị các thành viên trong Liên minh châu Âu nên “củng cố hệ thống y tế để chuẩn bị cho các tình huống nghiêm trọng hơn”.
Bản đánh giá của ECDC nhận định, giống như các loại virus khác, SARS-CoV-2 liên tục thay đổi trong quá trình tiến hóa và thích nghi, vì thế việc xuất hiện các biến thể của virus này trên thế giới là điều dễ nhận thấy.
Trong bản đánh giá, ECDC đặc biệt quan tâm đến 3 biến thể mới là VOC 202012/01, 501Y.V2 và P.1. Các biến thể này đang gây ra nhiều lo ngại vì làm gia tăng khả năng lây nhiễm và khiến tình hình dịch bệnh tại những nơi chúng xuất hiện diễn biến nghiêm trọng hơn.
VOC 202012/01 đã nổi lên là mối quan tâm hàng đầu tại khu vực niềm nam nước Anh vào tháng 12/2020, sau khi ca nhiễm đầu tiên được xác định vào tháng 9/2020. Kể từ thời điểm đó, VOC 202012/01 đã trở thành biến chủng “thống trị” tại Anh. Đặc trưng của biến chủng này là khả năng lây lan nhanh trên người, làm tăng tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh Covid-19, nhập viện và gây áp lực đối với hệ thống y tế của Anh. Kể từ đầu tháng 1/2021, Anh đã ghi nhận số ca tử vong do Covid-19 cao kỷ lục kể từ khi dịch bệnh xảy ra tại quốc gia này. Ngoài Anh, VOC 202012/01 cũng được phát hiện tại Ireland và Đan Mạch.
Biến thể 501Y.V2 lần đầu tiên được xác định ở Nam Phi vào tháng 12/2020 và hiện đã trở thành biến thể phổ biến nhất tại khu vực này. Kết quả nghiên cứu cho thấy, 501Y.V2 cũng có khả năng lây nhiễm cao. Tuy vậy, không rõ 501Y.V2 có khiến các ca bệnh trở nên nghiêm trọng hơn hay không. Tính đến ngày 19/1/2021, 501Y.V2 đã được ghi nhận ở 10 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu.
Biến thể P.1 cho đến nay chủ yếu được ghi nhận ở Brazil, và ở một số du khách Brazil tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Manaus, thủ phủ của bang Amazonas thuộc Brazil, hiện đang ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng vọt, gây quá tải hệ thống y tế của bang này.
Các nước EU nỗ lực tìm biện pháp kiểm soát
ECDC đánh giá, tần suất xuất hiện và lây nhiễm của các biến thể virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng các nước châu Âu là rất cao. Do đó, cơ quan này khuyến nghị các quốc gia trong khu vực cần theo dõi chặt chẽ tốc độ lây lan và mức độ nghiêm trọng của các ca bệnh để đánh giá sự lưu hành và ảnh hưởng của các biến thể. ECDC cho rằng các nước cũng cần, tăng cường xét nghiệm, chẩn đoán, chuẩn bị thêm nhiều phòng thí nghiệm để thực hiện sàng lọc các ca bệnh và đẩy mạnh chiến dịch tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19
Để kiểm soát quá trình thâm nhập và lây lan của các biến thể, ECDC khuyến cáo người dân nên hạn chế đi lại, đề nghị các nước siết chặt việc kiểm tra và sàng lọc khách du lịch, đặc biệt là đối với những người đến từ các khu vực có tỷ lệ mắc biến thể mới cao hơn.
Hiện tại, nhiều quốc gia trong Liên minh châu Âu đã tăng cường các biện pháp kiểm soát chẳng hạn như áp đặt lệnh giới nghiêm chặt chẽ hơn, yêu cầu đeo khẩu trang nơi công cộng.
Thủ tướng Áo Sebastian Kurz khẳng định: “Chúng ta cần phải thực hiện mọi biện pháp để ngăn chặn sự xuất hiện của các biến thể mới như biến thể ở Brazil. Chúng ta cần có những quy đinh rõ ràng và thống nhất ở các khu vực biên giới, cũng như trong lĩnh vực du lịch”. Ông Kurz kêu gọi Cơ quan Dược phẩm châu Âu đẩy nhanh tiến độ làm việc để vaccine của AstraZeneca có thể nhanh chóng được phê duyệt và phân phối.
Theo khuyến nghị của ECDC, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo đã đề xuất một lệnh cấm tạm thời đối với việc đi lại không cần thiết vào tháng 2/2021.
Ủy ban châu Âu cho biết tình hình y tế đang ở thời điểm quan trọng và hối thúc các nước thành viên đẩy mạnh tốc độ tiêm chủng, để đảm bảo rằng ít nhất 80% số người trên 80 tuổi được tiêm vaccine ngừa Covid-19 vào tháng 3/2021 và 70% số người trưởng thành được tiêm vào cuối mùa hè này.
Các nước thành viên EU ngày 21/1 đã nhất trí về một quy chuẩn chung cho việc sử dụng phương pháp xét nghiệm nhanh để phát hiện kháng nguyên SARS-CoV-2, và các nước trên toàn khối cũng đồng ý công nhận kết quả xét nghiệm PCR của nhau để tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển của người dân, truy vết virus và điều trị.
Trong một tuyên bố, Hội đồng châu Âu khẳng định: “Đây là một công cụ trung tâm góp phần làm giảm thiểu sự lây lan của virus và khiến thị trường nội bộ hoạt động dễ dàng hơn”.
Các nhà lãnh đạo EU cũng thảo luận về sự gián đoạn trong việc cung cấp vaccine ngừa Covid-19 sau khi tập đoàn Pfizer tuần trước thông báo cắt giảm tạm thời việc chuyển giao vaccine này. EU đã ký sáu hợp đồng mua hơn 2 tỷ liều vaccine, nhưng đến thời điểm hiện tại chỉ có vaccine của Pfizer-BioNTech và Moderna được phê chuẩn sử dụng./.
Theo VOV.VN (BĐT tổng hợp)