Tiếng Việt | English

10/01/2022 - 14:33

Chia sẻ khó khăn, tiếp sức doanh nghiệp phục hồi sau dịch

Long An luôn đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) vượt khó, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh sau
đại dịch.

Thích ứng an toàn, linh hoạt

Long An chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 theo đúng tinh thần chỉ đạo từ cấp trên. Tỉnh chỉ đạo, yêu cầu không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch; đồng thời, chủ động thực hiện các giải pháp, biện pháp để khôi phục, phát triển KT - XH địa phương.

Tỉnh luôn đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó (Trong ảnh: Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được (hàng đầu, bìa trái) thăm, làm việc, động viên các doanh nghiệp khôi phục sản xuất sau dịch)

Dù gặp nhiều khó khăn nhưng khi tỉnh mở cửa, thiết lập trạng thái “bình thường mới”, các DN tập trung thực hiện các biện pháp, giải pháp, vừa chủ động tái sản xuất, tìm kiếm thị trường, khôi phục hoạt động, vừa phòng, chống dịch, nỗ lực cùng tỉnh thực hiện “mục tiêu kép” đã đề ra.

Là DN FDI, hoạt động tại địa bàn huyện Bến Lức nhiều năm qua, Công ty (Cty) TNHH Vina Eco Board nỗ lực khắc phục các khó khăn để duy trì, ổn định sản xuất ngay sau khi tỉnh chủ động “mở cửa” trở lại đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo đại diện Cty, Cty chủ động phối hợp địa phương trong công tác phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, Cty sắp xếp, bố trí nhân sự, đưa phương án phục hồi, tìm kiếm thị trường, đơn hàng để ổn định sản xuất; đồng thời, nghiên cứu, ứng dụng và có kế hoạch đầu tư thêm trang thiết bị để chủ động thích ứng với tình hình mới.

Phó Giám đốc Sản xuất Cty TNHH MTV Semitec Electronic Việt Nam (huyện Cần Giuộc) - Quách Đăng Trung đánh giá công tác phòng, chống dịch của tỉnh, chủ động mở cửa sản xuất, góp phần giúp DN sớm ổn định hoạt động. Cty chủ động kết nối với các đối tác, tìm kiếm thị trường, tranh thủ hợp đồng, có phương án đón người lao động trở lại làm việc, thực hiện “y tế tại chỗ” và phối hợp địa phương trong phòng, chống dịch.

Sau đợt dịch này, Cty sẽ chuyển đổi dần mô hình sản xuất phù hợp theo hướng tự động hóa, ít phụ thuộc vào nhân sự và cải thiện, đầu tư một số máy móc phục vụ; đồng thời, khảo sát lại thị trường, mở rộng quy mô sản xuất (tùy thuộc vào tình hình cụ thể).

Luôn đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi

Xuyên suốt trong quá trình hoạt động của các DN, tỉnh luôn đồng hành, kịp thời hỗ trợ, chia sẻ, xem khó khăn của DN là khó khăn của tỉnh để từ đó tìm biện pháp, giải pháp tháo gỡ. Minh chứng, khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, tỉnh chủ động tạo điều kiện thuận lợi để DN duy trì hoạt động.

Tỉnh tổ chức phương án “3 tại chỗ” ngay lúc dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp; gặp gỡ, nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng của DN; ưu tiên tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho công nhân. Long An cũng là một trong những địa phương sớm mở cửa, khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh để chia sẻ khó khăn với DN. Các chủ trương, chính sách từ cấp trên được tỉnh cụ thể hóa đến từng DN nắm bắt, thực hiện, bảo đảm quyền lợi của DN cũng như người lao động,...

Doanh nghiệp chủ động các phương án để thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả

Mặt khác, lãnh đạo tỉnh thường xuyên gặp gỡ, đối thoại để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho DN khi tái hoạt động và chỉ đạo các sở, ngành, địa phương hỗ trợ DN vượt khó sau dịch. Theo Giám đốc Cty TNHH Năng lượng Mặt Trời Đỏ (huyện Đức Hòa) - Diệp Bảo Cánh, thời gian qua, DN bị ảnh hưởng rất lớn nhưng chính sự quan tâm, đồng hành, hỗ trợ của lãnh đạo địa phương là nguồn động viên, khích lệ, tiếp thêm động lực để DN nỗ lực vượt khó.

Hiện nay, mọi hoạt động gần như trở lại bình thường, Cty chủ động phương án sản xuất và chống dịch. Cty kiến nghị địa phương tập trung đẩy mạnh liên kết vùng, đầu tư thêm để hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao,... nhằm chuyển sang giai đoạn mới thích ứng an toàn, linh hoạt.

Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh đặt ra mục tiêu “đến năm 2025, giữ vững vị trí dẫn đầu Vùng Đồng bằng sông Cửu Long và phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”. Để cụ thể hóa mục tiêu, tỉnh khẩn trương hoàn thành Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong quá trình phát triển, Đảng bộ và chính quyền tỉnh quán triệt xuyên suốt trong tư tưởng, hành động ngay từ đầu nhiệm kỳ về quan điểm “xem DN là nguồn lực, động lực của phát triển, xem người dân và DN là đối tượng phục vụ”. Tỉnh khẳng định cam kết “luôn đồng hành cùng DN, xem khó khăn của DN là khó khăn của tỉnh, thành công của DN là thành công của tỉnh”; “chính quyền Long An và cộng đồng DN đã, đang và sẽ mãi đồng hành, gắn kết chặt chẽ với nhau”.

Thời gian tới, tỉnh cam kết siết chặt kỷ cương, tính minh bạch và thường xuyên kiểm tra, giám sát, nhất là trong khâu hỗ trợ giải quyết kịp thời, nhanh chóng những khó khăn, vướng mắc của DN để tạo điều kiện phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được khẳng định, lãnh đạo tỉnh luôn thẳng thắn, lắng nghe, cầu thị, ghi nhận những ý kiến đóng góp của DN vì sự phát triển của Long An. Trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, DN luôn là nguồn lực, động lực phát triển, Long An luôn đồng hành, hỗ trợ DN. Bên cạnh đó, ông đề nghị DN thường xuyên phản ánh để khắc phục tồn tại, hạn chế, giải quyết khó khăn trong sản xuất, kinh doanh cũng như phòng, chống dịch.

Bí thư Tỉnh ủy cũng chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tập trung tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để DN tái sản xuất, phục hồi hoạt động sau dịch, góp phần vào sự phát triển KT - XH địa phương./.

“Trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, doanh nghiệp luôn là nguồn lực, động lực phát triển, Long An luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp”.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được

Châu Sơn

Chia sẻ bài viết