Tiếng Việt | English

01/11/2021 - 11:27

Chiến công thầm lặng của lính cứu hỏa

Kịp thời có mặt ở hiện trường các vụ hỏa hoạn, sẵn sàng đối mặt với những hiểm nguy để bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân,... là công việc quen thuộc của những chiến sĩ cứu nạn, cứu hộ. Bất kể ngày, đêm, họ sẵn sàng lao vào hiểm nguy để cứu người, tài sản. Họ chính là những anh hùng giữa thời bình với bao chiến công thầm lặng.

Vượt qua “tử thần”

Một buổi tối cuối tháng 10/2019, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh nhận được tin chi viện của Đội Chữa cháy và CNCH khu vực Cần Giuộc về một vụ đuối nước tại xã Phước Lý, huyện Cần Giuộc. Vỏn vẹn vài thông tin, Ban Chỉ huy Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH chỉ đạo xuất 1 xe tải cùng 10 cán bộ, chiến sĩ (CBCS) đến hiện trường tổ chức tìm kiếm người bị nạn. Cùng đi đợt này có Trung sĩ Nguyễn Văn Cảm, người vừa về đơn vị. Đây được xem là nhiệm vụ đầu tiên của anh trong cuộc đời binh nghiệp.

Anh nhớ lại: “Nhận nhiệm vụ đầu tiên, cảm xúc của tôi thật khó tả! Còn nhớ khi tiếp cận hiện trường, mặt sông rộng khoảng 30m, phủ kín lục bình, trời tối đen như mực, nước sông bị ô nhiễm. Lúc đầu tôi hơi sợ, nhưng cảm giác đó nhanh chóng qua đi. Trời về đêm, nước sông càng lạnh. Trong cơn mưa, tôi cùng đồng đội chỉ biết lặn xuống và tìm kiếm bằng dây dưới lòng sông suốt nhiều giờ liền. Đến khoảng 22 giờ 30 phút, tôi cùng đồng đội tìm được thi thể nạn nhân”.

Hiện tại, sau 3 năm vào nghề, anh Cảm được đồng đội nhận xét, tính cách, lòng gan dạ của anh trong những trường hợp CNCH quả đúng như cái tên mà ba mẹ đặt cho. Những lúc như vậy, anh chỉ nói: “Khi nhận được tin báo CNCH, chúng tôi đều biết nạn nhân “lành ít, dữ nhiều”. Nhìn ánh mắt đỏ hoe của người thân nạn nhân, với tinh thần trách nhiệm, bằng mọi cách, chúng tôi phải tìm được thi thể nạn nhân”.

Đại úy Trần Anh Tuấn tham gia diễn tập chữa cháy tại chợ Tân An (Ảnh tư liệu)

“Khi có đám cháy, người người chạy ra, chúng tôi chạy vào” là lời chia sẻ của Đại úy Trần Anh Tuấn - Phó Đội trưởng Đội Công tác chữa cháy và CNCH, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH. Anh Tuấn quê ở xã Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ. Sau khi vào đơn vị, anh nhiều lần trực tiếp tham gia chữa cháy và CNCH các tai nạn trên sông nước, tai nạn giao thông, sập nhà, công trình, cháy công ty, xí nghiệp,... Đồng thời, trực tiếp tham gia tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ PCCC&CNCH cho lực lượng PCCC cơ sở,...

Buổi tối 09/4/2020, đơn vị của anh nhận tin báo cháy chi viện cho Đội Chữa cháy và CNCH khu vực Đức Hòa đang thực hiện nhiệm vụ tại một công ty trong Khu công nghiệp Hạnh Phúc, xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa. Sau khi nhận tin báo, đơn vị nhanh chóng điều CBCS cùng các phương tiện chữa cháy đến hiện trường vào khoảng 19 giờ 30 phút cùng ngày.

Anh Tuấn còn nhớ, trong đêm tối, hiện trường hỗn loạn, nhiều người hốt hoảng chạy ra khỏi đám cháy nhưng anh cùng đồng đội không ngại, nhanh chóng xông vào đám cháy. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, anh và đồng đội đã bảo vệ, ngăn đám cháy lan sang nhà xưởng xung quanh và một số phuy hóa chất, ước tính hạn chế thiệt hại về tài sản được nhiều tỉ đồng.

Cán bộ, chiến sĩ chữa cháy trong đêm

Trong mọi tình huống, sự bình tĩnh, lòng can đảm, gan dạ là yếu tố được đặt lên hàng đầu đối với chiến sĩ PCCC. Ở hầu hết vụ cháy, để chữa cháy cứu người, cứu tài sản, những người lính cứu hỏa phải đối mặt với nhiều hiểm nguy. Anh Tuấn kể, trong đơn vị có đồng đội từng bị bỏng khi tham gia chữa cháy, bây giờ sau nhiều năm, người đồng đội ấy đã chuyển sang làm nhiệm vụ khác. Chấp nhận làm lính cứu hỏa, việc bị thương ngoài da là hết sức bình thường.

Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, anh Tuấn còn là Bí thư Đoàn cơ sở. Anh năng nổ, nhiệt huyết, cùng các đoàn viên, thanh niên làm tốt công tác an sinh xã hội, nhất là những phần việc giúp dân, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, xây nhà đồng đội cho cán bộ, chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn,...

Thao trường đổ mồ hôi…

Đời lính cứu hỏa gắn liền với máy bơm, vòi,... Họ luôn cố gắng tập luyện với phương châm “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”. “Chúng tôi không sợ hiểm nguy khi đương đầu với khó khăn, gian khổ mà sợ mình đến không kịp lúc, sợ rằng nơi nào đó người dân đang gặp nguy hiểm, sợ khi xe chạy trên đường làm nhiệm vụ gặp phải sự cố”, CBCS Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH cho hay.

Lính cứu hỏa phải thường xuyên rèn luyện, diễn tập (Ảnh tư liệu)

Hành trang chiến đấu của các anh chỉ là chiếc mũ bảo hộ, bình dưỡng khí, dụng cụ hỗ trợ,... nhưng chiến công thì ngày một dày lên bởi những thành tích trong những trận chiến không mệt mỏi với “giặc lửa” và làm công tác CNCH.

Để có được những chiến công nói trên, các chiến sĩ CNCH đã trải qua quá trình luyện tập liên tục với áp lực cao. Đơn vị thường xuyên tập luyện đội hình, trong đó đưa ra những tình huống giả định thực tế cho CBCS tăng cường luyện tập với cường độ cao nhằm bảo đảm sẵn sàng chiến đấu. “Điều quan trọng đối với mỗi CBCS CNCH là sự tích lũy kỹ năng, kinh nghiệm từ luyện tập cũng như trong thực tế chiến đấu” - Thượng tá Trương Văn Vũ - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh, nói.

Thượng tá Trương Văn Vũ cho biết, nhiều năm qua, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả phòng ngừa về cháy, nổ. Công tác đào tạo nghiệp vụ PCCC và huấn luyện kỹ năng chiến đấu cho CBCS được đơn vị chú trọng nhằm đáp ứng nhiệm vụ đặc thù. Riêng lính chữa cháy chuyên nghiệp thường xuyên được đào tạo kỹ năng, chiến thuật chữa cháy, tập luyện các phương án chữa cháy và CNCH.

Theo Thượng tá Vũ, để trở thành lính cứu hỏa, CBCS phải trải qua quá trình rèn luyện hết sức nghiêm túc và vất vả. Ngày nào tiếng kẻng báo động cháy không rung lên là các anh được “bình yên”.

Trong mỗi vụ cháy, sự cố, những chiến sĩ CNCH luôn mang một chiếc mặt nạ phòng khói và bộ quần áo chuyên dụng kín mít. Trong cơn hoảng loạn, người bị nạn được các anh cứu sống cũng không thể thấy mặt, hỏi tên ân nhân của mình. Nhưng dù chiến công có lớn lao đến thế nào, chiến sĩ CNCH vẫn luôn lặng lẽ. Với họ, phần thưởng lớn nhất chính là sự bình yên ở mỗi căn nhà, công ty, góc phố./.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết