Tiếng Việt | English

04/10/2019 - 14:19

Chuyện về những người lính cứu hỏa

Dầm mình trong dòng nước lạnh, lặn lội đêm khuya trên sông nước tìm tung tích, thi thể nạn nhân; trèo lên những tòa nhà cao tầng; băng mình qua ngọn lửa để cứu người, tài sản;... là công việc của những người lính Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh Long An.

Để bảo đảm an toàn về người và tài sản khi xảy ra hỏa hoạn, lính cứu hỏa phải đối mặt với nhiều nguy hiểm

Để bảo đảm an toàn về người và tài sản khi xảy ra hỏa hoạn, lính cứu hỏa phải đối mặt với nhiều nguy hiểm. Ảnh: Công Toại

Vượt qua “tử thần”

Họ là những thanh niên trẻ. Tuổi đời vừa mười tám, đôi mươi, khi tham gia nghĩa vụ quân sự, nhiều thanh niên có nguyện vọng trở thành lính cứu hỏa với mong ước cống hiến sức mình cho Tổ quốc và nhân dân.

Sự bình tĩnh, lòng can đảm, gan dạ là yếu tố được đặt lên hàng đầu đối với chiến sĩ PCCC. Hầu hết các vụ cháy, để chữa cháy cứu người, cứu tài sản cho nhân dân, những người lính cứu hỏa phải đối mặt với nhiều hiểm nguy.

Chúng tôi gặp Đại úy Nguyễn Bảo Phúc - người từng bị thương khi cùng đồng đội làm nhiệm vụ cứu hỏa. Câu chuyện xảy ra cách đây hơn 10 năm nhưng với anh, đó mãi là kỷ niệm trong cuộc đời làm lính cứu hỏa. Anh nhớ lại: “Nhận được tin báo cháy, khi đó khoảng 4 giờ, ngày 08-3-2008, tôi cùng đồng đội tức tốc đến Công ty TNHH Chung Shing Textile, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức để làm nhiệm vụ. Lửa bốc lên ngùn ngụt do cháy nguyên liệu bông, sợi thành phẩm của công ty. Với ý nghĩ dập tắt nhanh đám cháy, cứu được tài sản của nhân dân, chúng tôi làm việc với tinh thần thần tốc. Nhưng sau hơn 1 giờ dập lửa, tôi bị bỏng ở chân, được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Long An. Khoảng 4 tháng điều trị, tôi mới dần hồi phục”.

Anh Phúc kể, năm 2004, anh đi nghĩa vụ quân sự và được phân công về Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh. Những năm tháng rèn luyện cho anh ấn tượng đẹp về những người được nhân dân yêu mến, gọi là người hùng. Từ đó, anh cố gắng tập luyện và nuôi ước mơ trở thành người lính cứu hỏa. Đến nay, qua 15 năm công tác trong ngành PCCC&CNCH, anh Phúc cho rằng, để gắn bó với công việc này, yêu nghề vẫn chưa đủ mà phải có tài năng, nhiệt huyết và lòng can đảm. 

Hành trang tác chiến của các anh chỉ là chiếc mũ bảo hộ, bình dưỡng khí, dụng cụ hỗ trợ, đồng phục giản đơn,… nhưng trong những trận chiến không mệt mỏi với “giặc lửa” và làm công tác CNCH, các anh lập được nhiều chiến công, thành tích. 

Cháy, nổ để lại nhiều hậu quả, vì vậy người người, nhà nhà cần làm tốt công tác phòng cháy, chữa cháy

Cháy, nổ để lại nhiều hậu quả, vì vậy người người, nhà nhà cần làm tốt công tác phòng cháy, chữa cháy

Đôi bạn Châu Chí Cường và Võ Quang Trường sinh ra và lớn lên tại huyện Tân Hưng, trở thành đồng đội khi cùng tham gia nghĩa vụ quân sự tại Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh. Tại đây, đôi bạn được trang bị kiến thức, kỹ năng về PCCC&CNCH. Đặc biệt, hai anh sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ khi có trường hợp cháy, nổ và CNCH xảy ra, trong đó có việc cứu người bị đuối nước xảy ra tại huyện Đức Huệ cách nay gần 1 năm. Anh Trường chia sẻ: “Lúc đó là khuya 27 tết, khi đang trực, chúng tôi được chỉ huy điều động chi viện Đội PCCC&CNCH khu vực Đức Hòa tìm kiếm thi thể người đàn ông bị rớt sông thuộc huyện Đức Huệ. 0 giờ, chúng tôi có mặt cùng đồng đội. Chạy vỏ lãi gần 5 phút đến khu vực người bị nạn, nhìn dòng nước chảy xiết, anh em vội nhảy xuống! Với sự hỗ trợ của đồ nghiệp vụ, chúng tôi lặn đến 3 giờ sáng, sau đó Cường vớt được xác nạn nhân”. 

Trời càng về khuya, nước càng lạnh, phải lặn liên tục đến vài giờ đồng hồ để hỗ trợ tìm kiếm, Cường và Trường người ướt sũng, tay chân lạnh cóng. Thế nhưng, hai anh cho rằng, lúc đó mình cứ nhớ mãi ánh mắt hy vọng của người thân gia đình nạn nhân. Họ đặt trọn niềm tin vào mình nên chẳng nghĩ gì ngoài việc phải tìm cho được thi thể nạn nhân.

Tổ chức diễn tập, hội thao về phòng cháy, chữa cháy để nâng cao kỹ năng và ý thức phòng ngừa cháy, nổ

Tổ chức diễn tập, hội thao về phòng cháy, chữa cháy để nâng cao kỹ năng và ý thức phòng ngừa cháy, nổ

Bảo vệ tài sản và tính mạng của người dân là trên hết

Đời lính cứu hỏa gắn liền với máy bơm, lăng, vòi,... Họ luôn cố gắng tập luyện với phương châm “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”. “Chúng tôi không sợ hiểm nguy, khó khăn, gian khổ mà chỉ sợ đến không kịp lúc, sợ rằng nơi nào đó người dân đang gặp nguy hiểm, sợ khi xe chạy trên đường làm nhiệm vụ gặp phải trở ngại” - cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH chia sẻ. Vì lẽ đó, đối với bất cứ trường hợp nào xảy ra, những người lính cứu hỏa cũng phải dặn lòng “Cứu tính mạng và tài sản của nhân dân là trên hết”.

Thượng tá Trương Văn Vũ - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh cho biết, những chiến sĩ trực tiếp làm công việc chữa cháy của phòng hầu hết ở độ tuổi thanh niên. Đây là lực lượng nòng cốt, có vai trò quan trọng trong công tác PCCC. Vì vậy, nhiều năm qua, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh thực hiện nhiều biện pháp nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả phòng ngừa về cháy, nổ. Công tác đào tạo nghiệp vụ PCCC và huấn luyện kỹ năng chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ được đơn vị chú trọng nhằm đáp ứng nhiệm vụ đặc thù này. Riêng lính chữa cháy chuyên nghiệp thường xuyên được đào tạo kỹ năng, chiến thuật chữa cháy, tập luyện các phương án chữa cháy và CNCH.

Thường xuyên trang bị kiến thức, kỹ năng cho các đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở để ứng phó với những tình huống cháy, nổ

Theo Thượng tá Trương Văn Vũ, để trở thành lính cứu hỏa, cán bộ, chiến sĩ phải trải qua quá trình rèn luyện hết sức nghiêm túc và vất vả. Ngày nào tiếng kẻng báo động cháy không rung lên là các anh được “bình yên”. Thời gian qua, nhờ làm tốt công tác phòng ngừa, trên địa bàn tỉnh không có cháy lớn xảy ra. Tuy nhiên, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh đề nghị các tổ chức, doanh nghiệp, người dân không nên chủ quan, lơ là với “bà hỏa”. Thời gian tới, để bảo đảm an toàn PCCC, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đề nghị lãnh đạo cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn. Trong đó, chủ doanh nghiệp phải tự tổ chức kiểm tra theo chế độ thường xuyên, định kỳ và đột xuất công tác PCCC về điều kiện an toàn PCCC; chú ý đến các điều kiện chống cháy lan, cháy lớn trong kiến trúc, kết cấu xây dựng công trình và bố trí mặt bằng; bảo đảm các điều kiện chống cháy lan, cháy lớn trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh; trang bị đầy đủ các phương tiện PCCC theo quy định;...

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức” - Những cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH là những người được tôi luyện qua quá trình đầy khó khăn, nguy hiểm. Khi có sự cố cháy, nổ xảy ra, họ đều cố gắng giữ những tài sản còn sót lại cho nhân dân, dù là nhỏ nhất và ưu tiên cứu người. Đó không chỉ là nhiệm vụ mà còn là cái tâm của những người lính cứu hỏa./. 

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết