Tiếng Việt | English

22/11/2016 - 16:21

Chính sách hỗ trợ nông nghiệp góp phần hình thành các vùng sản xuất nông sản tập trung

Ngày 22/11, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Long An - Nguyễn Thanh Cang chủ trì buổi làm việc thông qua kết quả giám sát việc thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh (từ năm 2010-2016). Cùng làm việc có các Ban HĐND tỉnh và lãnh đạo một số ngành, đoàn thể tỉnh.


Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng có ý kiến tại cuộc họp

Trong thời gian qua, tỉnh triển khai kịp thời việc hỗ trợ theo quy định của Trung ương và tình hình thực tế địa phương để người dân khôi phục, phát triển sản xuất khi gặp thiên tai, dịch bệnh. Nhất là các chính sách hỗ trợ về giống cây trồng, giống thủy sản, tiêu hủy gia súc, gia cầm bị dịch bệnh, chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng cây màu, khắc phục ảnh hưởng của hạn và xâm nhập mặn,... với kinh phí hàng chục tỉ đồng, tạo sự đồng thuận lớn trong nhân dân.

 Đối với việc thực hiện các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các ngành chức năng liên quan và địa phương tổ chức triển khai hỗ trợ nuôi thuỷ sản trên địa bàn các huyện vùng Đồng Tháp Mười từ năm 2014 đến nay trên 25 tỉ đồng. Qua đó, tình hình nuôi thủy sản nơi đây chuyển biến tích cực, tăng về diện tích, sản lượng, góp phần giảm chi phí con giống, tăng lợi nhuận, thu nhập, cải thiện đời sống nông dân.

Đến cuối tháng 10/2016, tỉnh tiếp nhận 15 hồ sơ đề nghị hỗ trợ mô hình đầu tư xây dựng ao lắng trong nuôi tôm nước lợ với tổng kinh phí trên 780 triệu đồng. Hiện nay, các cơ quan chức năng của tỉnh đã thẩm định, hướng dẫn địa phương hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định. Về chính sách chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng tiến bộ công nghệ (lĩnh vực sản xuất nông nghiệp), tỉnh đã triển khai và áp dụng các thành tựu khoa học và tiến bộ kỹ thuật vào lĩnh vực nông nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất. Ngoài ra, tỉnh còn thực hiện chính sách hỗ trợ vắc xin phòng bệnh heo tai xanh.


Đoàn cán bộ lãnh đạo tỉnh, một số ngành, địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã tỉnh Long An học tập kinh nghiệm xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh Lâm Đồng ngày 19/8/2016

Với chính sách ưu đãi, hỗ trợ khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã triển khai 115 cánh đồng lớn với diện tích gần 30.000 ha, thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia. Các chính sách hỗ trợ xây dựng cánh đồng lớn phát huy hiệu quả, tạo cầu nối và sự liên kết khá chặt chẽ giữa doanh nghiệp (cung ứng vật tư đầu vào, bao tiêu sản phẩm đầu ra) và nông dân trong sản xuất, tiêu thụ nông sản. Người dân được hỗ trợ một phần chi phí sản xuất, giảm chi phí giống, giảm lượng phân bón, được hỗ trợ, tư vấn kỹ thụật sản xuất,... từ đó, lợi nhuận trong cánh đồng lớn cao hơn bên ngoài từ 1,5 đến 3 triệu đồng/ha.

Việc thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương và địa phương góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển khá toàn diện, hình thành các vùng sản xuất nông sản tập trung như: Vùng lúa chất lượng cao, vùng rau thực phẩm, vùng chanh, vùng thanh long, vùng nuôi thủy sản nước lợ, vùng nuôi thủy sản nước ngọt, từ đó, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân.


Sản xuất trong cánh đồng lớn giúp người dân giảm chi phí, tăng lợi nhuận. Ảnh: Quang Nguyên

Tuy nhiên, qua kết quả giám sát cho thấy, việc thực hiện các chương trình sản xuất chưa đồng đều, chưa khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương; một số chính sách chưa thật sự đi vào cuộc sống, còn bộc lộ một số bất cập; giá cả đầu vào, đầu ra trong sản xuất chưa ổn định, thiếu bền vững,…

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Thanh Cang đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan, các địa phương có giải pháp tháo gỡ khó khăn; đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp của Trung ương và địa phương, góp phần thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển; sớm sơ kết đánh giá hiệu quả, kinh nghiệm thực tiễn trong thực hiện các cơ chế, chính sách. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, thu hoạch, sau thu hoạch; xây dựng cánh đồng lớn gắn với liên kết 4 nhà, trọng tâm là thực hiện hiệu quả Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo Nghị quyết Đại hội lần thứ X Đảng bộ tỉnh./.

Hùng Dũng 

Chia sẻ bài viết