Tiếng Việt | English

10/11/2016 - 15:30

Chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp: Góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất

Nhằm tạo động lực giúp người dân nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp cùng với các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp - nông thôn của Trung ương, Long An xây dựng và ban hành nhiều nghị quyết hỗ trợ phát triển sản xuất nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, lao động, từ đó thúc đẩy kinh tế phát triển. Tuy nhiên, qua kiểm tra việc thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp cho thấy, ngành nông nghiệp đang đối mặt với một số khó khăn, bất cập,... cần được tập trung giải quyết.


Đoàn giám sát đi thực tế nắm tình hình đầu tư xây dựng ao lắng trong nuôi tôm

Các chương trình hỗ trợ

Thời gian qua, Chính phủ và bộ, ngành Trung ương có nhiều cơ chế, chính sách quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp được tỉnh cụ thể hóa và tổ chức thực hiện như: Chính sách khuyến khích phát triển hợp tác liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn; Chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh (hỗ trợ giống cây trồng khôi phục vùng bị thiên tai từ năm 2011 đến nay trên 26,318 tỉ đồng, hỗ trợ giống thủy sản trên 3 tỉ đồng); Chính sách hỗ trợ giống cây trồng để chuyển đổi từ đất trồng lúa sang cây trồng khác đạt hiệu quả hơn (tổng kinh phí trên 7,248 tỉ đồng); Chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ; Chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm (tổng kinh phí hỗ trợ tiêu hủy gia súc, gia cầm từ năm 2010 trên 3 tỉ đồng); Chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh,...

Ngoài ra, tỉnh cũng ban hành một số chính sách hỗ trợ đặc thù tại địa phương: Chính sách khuyến khích phát triển nuôi thủy sản trên địa bàn các huyện vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM); Chính sách hỗ trợ mô hình đầu tư xây dựng ao lắng trong nuôi tôm nước lợ.

Các chính sách này góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển khá toàn diện, hình thành vùng sản xuất nông sản tập trung như: Vùng lúa chất lượng cao vùng ĐTM, vùng rau thực phẩm ở Cần Đước, Cần Giuộc; vùng chanh Bến Lức, Đức Huệ; vùng thanh long Châu Thành; nuôi thủy sản nước lợ vùng hạ; nuôi thủy sản nước ngọt vùng ĐTM; bò sữa Đức Hòa;...

Thực hiện Nghị quyết số 54/2012/NQ-HĐND, ngày 13/7/2012 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển nuôi thủy sản trên địa bàn ĐTM, tình hình nuôi thủy sản ở các huyện vùng ĐTM chuyển biến tích cực: Năm 2014, diện tích thả nuôi 3.000ha với sản lượng đạt 14.750 tấn; năm 2015, diện tích thả nuôi tăng 3.500ha, sản lượng đạt 30.150 tấn. Chính sách góp phần giảm chi phí mua con giống, chi phí nuôi, tăng lợi nhuận, thu nhập cho hộ nuôi.

Từ năm 2014 đến nay, tổng kinh phí hỗ trợ các huyện trên 25,115 tỉ đồng. Ông Châu Văn Hồng (ấp 1, xã Tân Thành, huyện Tân Thạnh) - người có nhiều năm kinh nghiệm nuôi ếch cho biết: Những năm gần đây, việc nuôi trồng thủy sản của người dân vùng ĐTM mang lại nhiều hiệu quả. Tôi mong rằng, thời gian tới ngoài các chính sách hỗ trợ, các ngành cần chuyển giao khoa học - kỹ thuật để người dân nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả cao.

Thực hiện Nghị quyết số 174/2014/NQ-HĐND, ngày 11-12-2014 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ mô hình đầu tư xây dựng ao lắng trong nuôi tôm nước lợ, đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp nhận 11 hồ sơ của huyện Cần Giuộc với tổng kinh phí đề nghị hỗ trợ 397,9 triệu đồng; 4 hồ sơ của huyện Tân Trụ với tổng kinh phí đề nghị 389,598 triệu đồng.

Bên cạnh đó, một số nghị quyết được triển khai thực hiện hiệu quả: Nghị quyết số 164/2014/NQ-HĐND, ngày 10-12-2014 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng tiến bộ công nghệ; Nghị quyết số 200/2015/NQ-HĐND, ngày 15-7-2015 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ vắc-xin phòng bệnh heo tai xanh; Nghị quyết số 259/2016/NQ-HĐND, ngày 26-4-2016 của HĐND tỉnh về chính sách ưu đãi, mức hỗ trợ khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn giai đoạn 2016-2020.


Phó Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Thanh Cang tham quan mô hình nuôi ếch tại Tân Thạnh

"Con đường tất yếu của các hộ nông dân là liên kết, hợp tác với nhau trong quy trình sản xuất - tiêu thụ sản phẩm để sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng, hiệu quả và tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Từ đó, phải học tập để nâng cao trình độ khoa học - công nghệ, thông tin và trình độ sản xuất. Chính sách đầu tư, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp phải triệt để gắn với quy hoạch phát triển nông nghiệp. Các ngành cần hỗ trợ và tạo điều kiện để phát triển nhanh, hiệu quả và vững chắc kinh tế hợp tác. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn."

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Thanh Cang

Còn nhiều khó khăn

Bên cạnh những thuận lợi, sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay cũng đang tiềm ẩn những rủi ro rất lớn. Vấn đề đầu ra cho nông sản đang là một khó khăn rất lớn cho sản xuất nông nghiệp; điều dễ nhận thấy nhất đó là hiện tượng được mùa - rớt giá, được giá - mất mùa thường xuyên xảy ra. Vấn đề liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ hàng hóa nông sản của nông dân còn nhiều bất cập trong thực tế; sự liên kết 4 nhà vẫn chưa tìm được tiếng nói chung; điều dễ nhận thấy nhất là, có rất ít hợp đồng được ký kết giữa nông dân với doanh nghiệp trong việc sản xuất, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp và hợp đồng thường bị phá vỡ khi thị trường có những biến động bất lợi cho 1 trong 2 phía. Đa số các doanh nghiệp còn ngần ngại đầu tư vào nông nghiệp vì rủi ro cao.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng, các chính sách triển khai chưa đều khắp, một số vùng sâu, vùng xa, nông dân chưa nắm bắt được nên hạn chế trong thực hiện. Một số chính sách triển khai thực hiện còn nhiều khó khăn, vướng mắc: Hồ sơ, thủ tục, quy trình xét hỗ trợ chưa được đơn giản; sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ, lẻ; liên kết hợp tác hóa nông nghiệp - nông thôn thấp; liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ còn nhiều bất cập; chính sách ưu đãi, hỗ trợ chưa đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư, đặc biệt vào lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn do tỷ suất lợi nhuận không cao, thời gian dài, rủi ro cao, biến động thị trường đầu vào, đầu ra,... khó tiếp cận nguồn vốn và gói hỗ trợ tín dụng Nhà nước. Một số địa phương chưa chủ động, tích cực triển khai thực hiện các chính sách Nhà nước.

Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh do Phó Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Thanh Cang làm Trưởng đoàn có những cuộc khảo sát và làm việc với các địa phương: Tân Trụ, Cần Giuộc, Tân Thạnh. Theo ông Nguyễn Thanh Cang, để nâng cao hiệu quả trong việc thực hiện các chính sách, địa phương cần tập trung tuyên truyền, vận động để nông dân nhận thức được rằng: Con đường tất yếu của các hộ nông dân là liên kết, hợp tác với nhau trong quy trình sản xuất - tiêu thụ sản phẩm để sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng, hiệu quả và tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Từ đó, phải học tập để nâng cao trình độ khoa học - công nghệ, thông tin và trình độ sản xuất. Chính sách đầu tư, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp phải triệt để gắn với quy hoạch phát triển nông nghiệp. Các ngành cần hỗ trợ và tạo điều kiện để phát triển nhanh, hiệu quả và vững chắc kinh tế hợp tác. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn, đây là hướng đi rất thích hợp cần tập trung tuyên truyền, vận động và có thể xem đây là hình mẫu trong thực hiện “liên kết 4 nhà” để nhân rộng đối với các cây trồng, vật nuôi mà địa phương có lợi thế. Ngành chức năng cần đẩy mạnh việc nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, quy trình sản xuất,... cho doanh nghiệp và nông dân nhằm nâng cao chất lượng và giá trị nông sản./.

Hải Phong

Chia sẻ bài viết