Tiếng Việt | English

08/04/2017 - 13:52

Cho con “CÁI CHỮ” là cho cả tương lai

Hiếu học là truyền thống cao đẹp mà ông cha ta luôn gìn giữ, phát huy từ bao đời. Trong đó, gia đình có vai trò quan trọng trong việc định hướng, tác động để các thế hệ con cháu mai sau “yêu chữ, mến thầy”, trở thành người có kiến thức, giúp ích cho xã hội.


Chị Mai Thị Thanh Nga là tấm gương vì sự tận tụy với học trò, là người truyền “lửa” để con gái theo đuổi ước mơ trở thành cô giáo.

Chưa bao giờ quan niệm các con phải học thật giỏi để làm chức vụ này, nghề nghiệp kia, phải có “quyền cao, chức trọng”, với anh Nguyễn Văn Xuyến và chị Mai Thị Thanh Nga (ấp 4, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An), cho các con học là để có được “cái chữ”, tự lo cho bản thân.

Anh Xuyến hiện là Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Thạnh Đức, còn chị Nga là giáo viên Trường Mẫu giáo Thạnh Đức, huyện Bến Lức.

Từng theo nghiệp “gõ đầu trẻ” nhưng sớm phải rời xa phấn trắng, bảng đen vì miếng cơm, manh áo, anh Xuyến luôn mong muốn các con phải học tập thật giỏi, thay anh tiếp tục ước mơ đứng trên bục giảng vẫn còn dang dở. Với anh Xuyến, chị Nga, 2 con chính là niềm tự hào vì không chỉ học tốt mà còn rất chăm ngoan, hiếu thuận.

Con trai lớn Nguyễn Tiến Đạt vừa tốt nghiệp Đại học Ngân hàng, đang làm việc tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam (Chi nhánh Bến Lức). Con gái út Nguyễn Thị Hồng Nhung đang là sinh viên Trường Đại học Sài Gòn, ngành Sư phạm Mầm non.


Em Nguyễn Tiến Đạt và em gái Nguyễn Thị Hồng Nhung trong lễ tốt nghiệp đại học

Nhung chia sẻ: “Em rất thần tượng ba mẹ, dù đồng lương không bao nhiêu nhưng vẫn cố gắng nuôi 2 con học hành đến nơi, đến chốn. Vì vậy, mọi nỗ lực của chúng em là món quà tặng lại cho ba mẹ”.

Gia đình bà Nguyễn Thị Mai (ấp 7, xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) cũng là một điển hình về tấm gương hiếu học.

Bà Mai năm nay ngoài 80 tuổi, nửa cuộc đời phải đối mặt với bom đạn chiến tranh nhưng vẫn quyết tâm lo cho con ăn học.


Bà Nguyễn Thị Mai mong ước có nhiều sức khỏe để được thấy các cháu trưởng thành, gia đình hòa thuận, sum vầy.

Ngày còn trẻ, vợ chồng bà cưới nhau chưa được bao lâu, có được 2 người con thì ông đi tập kết ra Bắc rồi mất liên lạc. Một mình bà tần tảo nuôi 3 người con, trong đó, người con trai lớn là con của người em họ, bà xin về nuôi khi chỉ tròn 1 tháng tuổi.

Nhà nghèo, cuộc sống vất vả nhưng bà vẫn không quên nhiệm vụ với quê hương, đất nước, bà cùng cả gia đình đào hầm, nuôi giấu cán bộ cho đến ngày giải phóng miền Nam. 4 anh chị em của bà, ai cũng từng tham gia kháng chiến, phục vụ cách mạng, có người từng vào tù, bị địch bắt, bản thân bà cũng nhiều lần bị đánh đập vì bị địch phát hiện tiếp tế lương thực, thuốc men cho bộ đội.

Các con bà sinh ra trong chiến tranh, thấm thía được cảnh khổ cực của mẹ, hiểu được nỗi đau khi thiếu người đàn ông trụ cột trong gia đình nên ai cũng cố gắng học tập, nhất là người con trai út Nguyễn Văn Hiệp, hiện là Hiệu trưởng Trường THCS Tân Thạnh (huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An).

Giờ đây, đến thế hệ các cháu bà Mai, cả 4 người con gái của người con trai lớn Dương Ngọc Anh đều tốt nghiệp cao đẳng, đại học. Riêng cô con gái lớn Dương Thị Hồng Nga cùng chồng có trình độ thạc sĩ và đều là giảng viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM. Con gái lớn của thầy Nguyễn Văn Hiệp - em Nguyễn Lê Huỳnh Như đang là sinh viên năm cuối Trường Đại học Sài Gòn, ngành Sư phạm Tiếng Anh.

Tất cả mọi nỗ lực, phấn đấu của thế hệ trước đều vì “cây lành, trái ngọt” cho thế hệ sau. Ông bà, cha mẹ cả đời vất vả, chẳng có gì để lại cho con ngoài tri thức, lo cho con ăn học thành tài.

Ngày nay, con cháu thảo hiền, thành đạt nhưng vẫn luôn ghi nhớ công ơn người đi trước, nỗ lực hết mình, không chỉ vì danh dự của bản thân mà còn là niềm tự hào của gia đình, dòng họ./.

Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết