Tiếng Việt | English

18/03/2019 - 18:36

Chợ Dầu Giây mong muốn kết nối tiêu thụ nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ với Long An

Chiều 18/3, Sở Công Thương Long An có cuộc tiếp, làm việc với Sở Công Thương Đồng Nai, Ban Quản lý chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (chợ Dầu Giây) nhằm xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ vào chợ này.

Sở Công Thương Long An làm việc với Sở Công Thương Đồng Nai, Ban Quản lý chợ đầu mối Dầu Giây

Giám đốc Sở Công Thương Long An - Lê Minh Đức cho biết, Long An có nhiều ưu thế để sản xuất hàng hóa nông sản. Các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh gồm gạo, thanh long, chanh, khóm, chuối, rau ăn lá các loại. Đặc biệt, Long An còn có nhiều doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) làm ra nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng dùng làm vật dụng, trang trí hay quà tặng có giá trị. Việc kết nối tiêu thụ hàng hóa với chợ đầu mối Dầu Giây cũng như các tỉnh khác là mong muốn lớn nhất của Long An hiện nay nhằm giúp DN, HTX, nông dân sản xuất bền vững.

Chợ Dầu Giây nằm trên địa bàn huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, hoạt động từ cuối tháng 6/2017. Đây là công trình chợ đầu mối nông sản trọng điểm và lớn nhất tỉnh Đồng Nai, do Công ty cổ phần bất động sản Thống Nhất làm chủ đầu tư. Chợ có quy mô 55ha, hiện giai đoạn 1 hoàn thành và đưa vào sử dụng với diện tích 2ha. Phần diện tích còn lại đang được triển khai thực hiện.

Sau thời gian đi vào hoạt động, đến nay, chợ Dầu Giây có trên 200 điểm kinh doanh hoạt động, trung bình tiêu thụ 250 - 350 tấn sản phẩm/ngày đêm. Sản phẩm tiêu thụ chủ yếu là nông sản, trong đó có 1 phần hàng hóa đến từ Long An. Trong tương lai, chợ phát triển thêm các mặt hàng khác như thịt heo, gà, vịt và một số sản phẩm qua sơ chế, đóng gói. Chợ Dầu Giây đang phát triển theo hướng là một kênh phân phối nông sản có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đáng tin cậy của người dân.

Theo Ban Quản lý chợ Dầu Giây, việc tiêu thụ hàng hóa đến từ Long An chủ yếu qua thương lái nên chưa thật sự bền vững. Ban Quản lý chợ mong muốn thông qua buổi làm việc này sẽ là cơ sở để kết nối, tiêu thụ hàng nông sản của Long An. Ngược lại, hàng hóa từ các tỉnh miền Đông cũng sẽ được chợ Dầu Giây kết nối tiêu thụ tại Long An. Điều kiện để kết nối tiêu thụ là hàng phải đạt tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, có thể truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt, sản phẩm gạo, chuối, chanh không hạt, khóm, hàng thủ công mỹ nghệ của Long An được Ban Quản lý chợ quan tâm và mong sớm kết nối để đa dạng hóa mặt hàng tại đây.

Lãnh đạo Sở Công Thương Long An và Đồng Nai chứng kiến ký kết biên bản ghi nhớ tiêu thụ hàng hóa nông sản giữa Ban Quản lý chợ Dầu Giây và doanh nghiệp tại Long An

Tại cuộc làm việc, Ban Quản lý chợ Dầu Giây và một số DN, HTX trên địa bàn tỉnh Long An ký nhiều biên bản ghi nhớ về tiêu thụ hàng hóa. Đồng thời, lãnh đạo Sở Công Thương Đồng Nai, Ban Quản lý chợ Dầu Giây mời Sở Công Thương Long An, DN, HTX tại Long An sớm tham quan và tìm hiểu về hoạt động của chợ để đi đến ký kết hợp đồng thương mại với DN, tiểu thương tại chợ. 

Giám đốc Sở Công Thương Long An - Lê Minh Đức nhấn mạnh, với trách nhiệm của ngành, Sở Công Thương Long An sẽ sớm xúc tiến, hướng dẫn DN, HTX đến với chợ Dầu Giây thông qua nhiều hình thức để tiêu thụ hàng hóa. Kết nối này nhằm hỗ trợ DN, HTX và nông dân trên địa bàn tỉnh tăng cường tiêu thụ nông sản, hình thành chuỗi liên kết bền vững trong hoạt động sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn giữa nhà sản xuất và nhà tiêu thụ tại Đồng Nai cũng như với các tỉnh, thành khu vực Đông Nam bộ và các vùng miền trong cả nước./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết