Một góc Chợ Nổi Cái Răng - Ảnh: C.LIÊM
Trước đây, nếu chợ nổi Cái Răng nổi tiếng bởi kinh doanh lúa gạo, hàng tạp hóa thì nay nơi đây người ta buôn bán nhiều loại trái cây và nông sản Đồng bằng sông Cửu Long (theo mùa).
Chợ nổi hình thành và phát triển nhờ buôn bán trên ghe, thuyền và cũng sẽ đìu hiu khi dân thương hồ đua nhau bỏ ghe, thuyền như hiện nay để tìm đường mưu sinh khác.
Chợ nổi Cái Răng, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận vào năm 2016 và đến nay vẫn là điểm đến không thể thiếu với du khách khi đến với miền Tây Nam Bộ.
Theo ngành du lịch Cần Thơ, số lượng ghe tàu ở chợ nổi Cái Răng chỉ còn duy trì từ 250-300 ghe, tàu (còn một nửa so với trước)! Nếu cứ mỗi năm giảm vài chục ghe, tàu như hiện nay, tương lai chợ nổi này sẽ như thế nào vài năm sau nữa?
Giao thông trên bộ phát triển vượt bậc, nông sản nhà vườn Đồng bằng sông Cửu Long đã có thương lái đưa xe tới tận nơi chở. Cuộc sống của dân thương hồ ngày càng khó khăn.
Trong khi đó, khách du lịch ngày càng thất vọng khi chợ nổi thưa vắng người bán, thưa thớt hàng hóa. Nếu xem đây là chợ nổi phục vụ du lịch, để bán nông sản cho khách du lịch có lẽ cần được tổ chức với các dịch vụ du lịch hấp dẫn.
Cần Thơ đang xây dựng bờ kè gần khu vực chợ nổi Cái Răng, vô tình giảm giao tiếp tự nhiên, cô lập dân thương hồ chợ nổi với người dân trên bờ.
Nếu không tổ chức lại chợ nổi Cái Răng, chúng ta sẽ bỏ phí một địa điểm đắc địa cho du lịch Đồng bằng sông Cửu Long. Du lịch Cần Thơ và Đồng bằng sông Cửu Long sẽ kém hấp dẫn nếu chợ nổi Cái Răng ngày càng thưa vắng./.
Theo TTO