Tiếng Việt | English

21/07/2021 - 08:37

Chống dịch, chống cả “vi-rút” kỳ thị

Chỉ trong 10 ngày (từ 10 đến 20/7), toàn tỉnh ghi nhận thêm 1.218 ca bệnh trong cộng đồng, nâng tổng số ca bệnh trên địa bàn tỉnh là 1.907 ca nhiễm (có 824 ca được cấp mã số, 1.083 ca đang chờ cấp mã số), trong đó có 1.891 ca nhiễm trong cộng đồng và 16 ca nhập cảnh (tính đến 6 giờ ngày 20/7).

Tại cuộc họp của Chính phủ với Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra vào ngày 19/7, Bộ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Thanh Long nhận định: Trong 5/7 ngày tới, tình hình dịch bệnh tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam diễn biến phức tạp, số bệnh nhân bị nặng có thể gia tăng.

Chúng ta đang bước vào giai đoạn quyết liệt chống dịch. Bộ Y tế đã điều động, hỗ trợ TP.HCM và các tỉnh trong khu vực hơn 6.400 người và hơn 9.000 người đang sẵn sàng chi viện thêm. Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, mọi người không tránh khỏi lo lắng, trong đó một số người có hành động thái quá, tỏ ra kỳ thị, làm tổn thương đến các trường hợp nhiễm, nghi nhiễm, cách ly và thậm chí người nhà họ cũng bị kỳ thị.

Vừa rồi, một số khu vực ở TP.Tân An bị phong tỏa tạm thời vì có liên quan đến các ca nhiễm. Mục đích của phong tỏa nhằm kịp thời khoanh vùng, theo dõi, cách ly những trường hợp có tiếp xúc với ca nhiễm. Người dân sinh sống trong khu vực phong tỏa được kiểm tra sức khỏe thường xuyên, khi có dấu hiệu bất thường sẽ được đưa ly cách ly tập trung. Đây là việc bình thường trong phòng, chống dịch nhưng một số người chưa hiểu rõ nên có thái độ kỳ thị, thậm chí khi có việc ra ngoài còn đi đường vòng, tránh đi ngang khu vực phong tỏa.

Có trường hợp, gia đình có người nhiễm Covid-19 được cách ly và điều trị kịp thời, những người trong gia đình cũng đã thực hiện xong việc cách ly và test đủ 3 lần với kết quả âm tính nhưng người dân sống xung quanh vẫn ngại tiếp xúc và có thái độ làm tổn thương đến các thành viên trong gia đình đó.

Nguyên nhân của sự kỳ thị chính là việc chưa nắm rõ những thông tin về vi-rút SARS-CoV-2 và từ cách nhìn của chúng ta về dịch bệnh. Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - chuyên gia dịch tễ học, nguyên Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM, không ai có thể bị lây vi-rút SARS-CoV-2 nếu không tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. Nhiều người hoang mang không biết mình có nhiễm Covid-19 hay không, mình có là F1, F2 không và tự đến các cơ sở y tế test nhanh. Chính điều này sẽ gây mất trật tự trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội và khi ra khỏi nhà, đến các cơ sở y tế để test lại làm tăng nguy cơ lây nhiễm khi có tiếp xúc với người khác. Nói về vấn đề này, bác sĩ Trương Hữu Khanh đề xuất chính quyền khuyến khích người dân tự test nhanh tại nhà như một số nước trên thế giới đã làm.

Nêu cao ý thức trong phòng, chống dịch trong lúc này là điều cần thiết nhưng chống dịch phải chống luôn cả “vi-rút” kỳ thị. Trong lúc dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, rất có thể chúng ta sẽ trở thành F1, F2, thậm chí là F0... Do đó, mỗi người cần hiểu đúng về dịch bệnh và cách phòng, chống để có thái độ ứng xử phù hợp, tránh việc có thái độ kỳ thị, làm tổn thương đến người khác bởi chống dịch đã khó khăn lắm rồi, kỳ thị sẽ làm tình hình càng khó khăn hơn./.

Tâm An

Chia sẻ bài viết