Người dân khi bị chó, mèo cắn cần đến các cơ sở y tế để khám, tư vấn và tiêm vắc-xin phòng bệnh dại nhằm giảm thiểu tối đa các trường hợp tử vong do bệnh dại
Cảnh giác với bệnh dại
Thời tiết nắng nóng là môi trường thuận lợi để bệnh dại bùng phát mạnh. Trong khi đó, thói quen nuôi chó, mèo thả rông vẫn còn, việc tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho vật nuôi chưa được nhiều người quan tâm. Vì vậy, mỗi khi mùa nắng nóng đến là nỗi lo về bệnh dại cũng gia tăng.
Qua số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, số người bị phơi nhiễm đến tư vấn và tiêm vắc-xin phòng bệnh dại hàng năm đều tăng. Trong tháng 02/2024, toàn tỉnh có gần 2.000 người đến tiêm vắc-xin phòng bệnh dại và huyết thanh kháng dại.
Bệnh dại nguy hiểm, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được. Người dân khi bị chó, mèo cắn cần sơ cứu đúng cách và đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm vắc-xin phòng bệnh dại kịp thời. Chia sẻ với chúng tôi, anh Trần Minh Trung (xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) cho biết: “Trong lúc tắm cho chó nuôi ở nhà thì tôi bị chó cắn vào chân. Nhận thấy sự nguy hiểm của bệnh dại do chó, mèo cắn nên tôi đi tiêm ngừa ngay lập tức để phòng bệnh”.
Để phòng, chống bệnh dại trong cộng đồng, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo các gia đình nuôi chó, mèo phải tiêm vắc-xin phòng bệnh dại đầy đủ và nhắc lại hàng năm cho chó, mèo theo khuyến cáo của ngành Thú y; nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh - bác sĩ Chuyên khoa (BS CK) II Huỳnh Hữu Dũng thông tin: “Ngay từ đầu năm, ngành Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp ngành Thú y triển khai các biện pháp phòng ngừa bệnh dại trên đàn gia súc và trên người, trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về sự nguy hiểm của bệnh dại. Bên cạnh đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ vắc-xin phòng bệnh dại tiêm cho người dân trong tỉnh và một số tỉnh lân cận”.
Bảo vệ sức khỏe mùa nắng nóng
Các cơ sở y tế tiếp nhận nhiều trẻ em đến khám, chữa bệnh với các bệnh chủ yếu về đường hô hấp, đường tiêu hóa, tay - chân - miệng, bệnh về da,…
Khi thời tiết nắng nóng, các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, siêu vi,... dễ bùng phát, tấn công và gây bệnh. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo những ngày nhiệt độ lên cao, người dân nên chú ý bảo vệ sức khỏe, nhất là với đối tượng có sức đề kháng yếu - trẻ em và người cao tuổi. Thời gian qua, ngành Y tế tỉnh chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác khám, chữa bệnh, phòng tránh bệnh truyền nhiễm trong mùa nắng nóng, góp phần chăm sóc tốt sức khỏe cho người dân.
Cũng như mọi năm, cứ vào mùa nắng nóng, các cơ sở y tế tiếp nhận nhiều trẻ em đến khám, chữa bệnh với các bệnh chủ yếu về đường hô hấp, đường tiêu hóa, tay - chân - miệng, bệnh về da,... Số lượng bệnh nhi đến khám vào thời điểm này cũng tăng so với những tháng trước. Đưa con đến khám tại Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Long An, chị Trần Thị Anh Thư (xã Hướng Thọ Phú, TP.Tân An) cho biết: “Do thời tiết nắng nóng nên gia đình tôi thường xuyên sử dụng quạt, máy lạnh, cộng thêm chủ quan để máy lạnh ở nhiệt độ thấp nên con của tôi bị sốt cao. Đưa con đi khám thì BS kết luận cháu bị viêm phế quản. Trong quá trình khám bệnh, BS hướng dẫn tôi cách chăm sóc trẻ như chế độ dinh dưỡng, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường sống”.
Đối với người cao tuổi, những ngày nắng nóng gay gắt như hiện nay cũng dễ mắc các bệnh như cảm cúm, huyết áp cao, các bệnh về đường hô hấp trên như viêm mũi, họng, viêm xoang, nặng hơn là viêm phế quản, viêm phổi. Theo BS CKI Trần Hiếu Thảo (Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Đa khoa Vạn An), thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, đặc biệt là người cao tuổi mắc các bệnh mãn tính như tăng huyết áp, tim mạch, tiểu đường; trẻ em có thể bị sốt cao, co giật; phụ nữ mang thai, công nhân, nông dân dễ bị say nắng, say nóng, rối loạn thân nhiệt, dễ bị ngất do sốc nhiệt,...
Trong những ngày thời tiết nắng nóng, để bảo đảm sức khỏe cho trẻ, cha mẹ tránh đưa trẻ ra ngoài khi nhiệt độ ngoài trời quá cao, tránh để trẻ bị thay đổi nhiệt độ đột ngột, nhất là thời điểm từ 10-16 giờ. Cha mẹ nên chú ý đến không gian sống của gia đình, nhà cửa phải thoáng mát. Ngoài ra, cần cho trẻ mặc quần áo chất mát, thấm mồ hôi, uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây mát để tăng sức đề kháng.
Cùng với đó, cha mẹ cần chủ động tiêm đầy đủ và đúng lịch các loại vắc-xin phòng bệnh, giúp bảo vệ sức khỏe cho con em mình một cách tốt nhất. Khi phát hiện cơ thể trẻ có những dấu hiệu bất thường, cần đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn kịp thời, phòng tránh những biến chứng xảy ra”.
BS CKI Võ Kim Ngân Hà (Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Vạn An)
|
Để chủ động phòng bệnh mùa nắng nóng, BS CKI Trần Hiếu Thảo khuyến cáo: “Người dân nên hạn chế ra đường khi trời nắng nóng gay gắt, nếu ra đường phải đội nón, mặc quần áo dài, đeo kính, khẩu trang chống nắng; uống nhiều nước. Khi dùng máy điều hòa không nên để nhiệt độ quá thấp, bởi sự chênh lệch nhiệt độ trong phòng điều hòa với bên ngoài cao làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người ra, vào phòng, nhất là đối với những người có tiền sử bệnh huyết áp, tim mạch. Bên cạnh đó, người dân cần thực hiện chế độ ăn chín, uống chín, bảo đảm an toàn thực phẩm, tăng cường bổ sung chất dinh dưỡng, giữ gìn vệ sinh nhà cửa và cá nhân sạch sẽ”./.
Tôi đưa con đi khám bệnh, được BS kết luận là viêm họng. BS cho biết sự thay đổi thời tiết đột ngột khiến cơ thể trẻ không kịp thích nghi nên dẫn đến các bệnh đường hô hấp. Ngoài ra còn do việc ăn các thực phẩm lạnh, sử dụng điều hòa với nhiệt độ không đúng cách cũng khiến trẻ mắc bệnh. Được sự tư vấn của BS, tôi biết thêm kiến thức để chăm sóc con như có chế độ ăn phù hợp, đủ dinh dưỡng và nhất là cho con ăn trái cây tươi, uống nước ép để tăng sức đề kháng, phòng, chống các bệnh”.
Anh Thạch Ro Tha (xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa)
|
Huỳnh Hương