Việc trang bị đầy đủ các kiến thức phòng ngừa, phát hiện sớm các triệu chứng, áp dụng các biện pháp cách ly và điều trị theo triệu chứng cho trẻ em và người lớn rất cần thiết.
Yếu tố dịch tễ:
Tổ chức Y tế Thế giới WHO thông báo ở Guinea xích đạo xảy ra đợt bùng phát bệnh do virus Marburg đầu tiên, sau khi có một mẫu xét nghiệm dương tính. 9 trường hợp tử vong và 16 trường hợp nghi ngờ cũng có liên quan đến vụ dịch.
Trước đây đã có những đợt bùng phát lẻ tẻ của virus trên khắp châu Phi cận Sahara, và ở du khách chủ yếu trở về từ các nước châu Phi. Bệnh do virus Marburg ảnh hưởng đến cả người và động vật linh trưởng, do virus RNA độc nhất về mặt di truyền thuộc họ filovirus (cùng họ với vi rút Ebola) gây ra.
Trường hợp mắc bệnh do virus Marburg đầu tiên được biết đến ở người được báo cáo vào năm 1967 tại Marburg và Frankfurt, Đức và ở Belgrade, Nam Tư (nay là Serbia), khi các nhân viên phòng thí nghiệm xử lý khỉ xanh châu Phi nhập khẩu từ Uganda bị bệnh, theo sau là một số nhân viên chăm sóc sức khỏe và các thành viên trong gia đình, tổng số 31 trường hợp.
Sau đó, các đợt bùng phát lớn hơn gồm 154 trường hợp ở Cộng hòa Dân chủ Congo năm 1998 - 2000 và 252 trường hợp ở Angola năm 2004 - 2005. Ngoài ra, 15 trường hợp xảy ra ở Uganda trong năm 2012. Năm 2008, một du khách Mỹ trở về từ Uganda đã phát bệnh 4 ngày sau đó.
Trước khi bùng phát ở Guinea Xích Đạo, các trường hợp gần đây nhất là một trường hợp được xác nhận ở Guinea vào tháng 8 năm 2021 và hai trường hợp được báo cáo ở Ghana vào năm 2022.
Quá trình lây truyền:
Vật chủ chứa virus Marburg là Rousettus aegyptiacus, loài dơi ăn quả châu Phi, một loài dơi sống trong hang được tìm thấy trên khắp Châu Phi. Dơi ăn quả không có dấu hiệu nhiễm bệnh. Hiện tại vẫn chưa biết liệu các loài khác có chứa virus hay không.
Virus Marburg được truyền sang người trực tiếp từ dơi ăn quả, qua các loài linh trưởng không phải người bị nhiễm bệnh đã tiếp xúc với chất dịch cơ thể và từ người bị nhiễm bệnh hoặc những người đã chết vì căn bệnh này. Virus lây lan qua tiếp xúc với máu hoặc chất dịch cơ thể (nước tiểu, nước bọt, mồ hôi, phân, chất nôn, sữa mẹ, nước ối và tinh dịch) qua da hoặc niêm mạc.
Các đồ vật và bề mặt bị nhiễm bẩn từ người bệnh cũng có khả năng lây nhiễm. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh CDC (Centers for Disease Control and Prevention) thời gian ủ bệnh từ 2 đến 21 ngày, tỷ lệ tử vong là 23% đến 90%.
Triệu chứng:
Các triệu chứng của bệnh xuất hiện đột ngột gồm: Sốt, ớn lạnh, nhức đầu, đau cơ. Vào khoảng ngày thứ 5 có thể xuất hiện ban dát sẩn, nổi rõ nhất trên thân. Các triệu chứng khác có thể gặp vào ngày thứ 3 như buồn nôn, nôn, đau ngực, đau họng, đau bụng và tiêu chảy và triệu chứng nghiêm trọng gồm vàng da, viêm tụy, sụt cân, mê sảng, sốc, suy gan, xuất huyết ồ ạt và rối loạn chức năng đa cơ quan.
Điều trị:
Không có vắc-xin hoặc phương pháp điều trị kháng virus nào được phê duyệt. Điều trị hỗ trợ nên được sử dụng trong bệnh viện, bao gồm cân bằng nước và điện giải, duy trì tình trạng oxy và huyết áp, thay thế các yếu tố đông máu và máu bị mất, và điều trị nhiễm trùng.
Một loạt các phương pháp điều trị tiềm năng, bao gồm các sản phẩm máu, liệu pháp miễn dịch và liệu pháp điều trị bằng thuốc, cũng như các loại vắc-xin tiềm năng có dữ liệu giai đoạn I đang được đánh giá bởi hiệp hội vắc-xin virus Marburg (MARVAC).
Biện pháp phòng ngừa nhiễm virus Marburg được chuyên gia khuyến cáo như sau:
- Tránh tiếp xúc hoặc đến nơi cư trú của loài dơi ăn quả châu Phi, động vật hoang dã bị nhiễm virus như: khỉ, linh dương rừng, loài gặm nhấm,…
- Không ăn thịt của động vật hoang dã.
- Nấu chín kỹ thực phẩm trước khi ăn, nhất là các loại thịt.
- Phát hiện sớm và cách ly nhanh chóng hệ thống các ca bệnh.
- Truy vết kịp thời những người có tiếp xúc với người nhiễm Marburg và giám sát chặt chẽ những người có nguy cơ cao nhiễm bệnh.
- Hạn chế tiếp xúc với người nghi nhiễm hoặc bị nhiễm virus Marburg.
- Tự bảo vệ bằng cách mặc áo bảo hộ, đeo găng tay, khẩu trang, mắt kính, rửa tay thường xuyên,… nếu tiếp xúc với người bệnh.
- Thận trọng với các chất thải như máu, bãi nôn, nước bọt, nước tiểu, phân,…hoặc bất cứ đồ vật nào của người bệnh.
- Nam giới sau khi khỏi bệnh cần đợi ít nhất 12 tháng mới nên quan hệ tình dục an toàn, trừ khi xét nghiệm tinh dịch của người đã khỏi bệnh cho kết quả âm tính trong 2 lần khác nhau.
- Các cơ sở y tế thực hiện đánh giá nguy cơ phơi nhiễm theo quy định để có biện pháp xử trí phù hợp./.
DSCKII. Võ Văn Hải - BSCKII. Nguyễn Phi Hùng, Trường Đại Học Văn Hiến Khoa Y Dược