Tiếng Việt | English

04/01/2016 - 09:47

Chủ động phòng, chống các bệnh thường gặp

Năm 2015, tình hình dịch bệnh trong tỉnh giảm đáng kể và không có ổ dịch lớn xảy ra. Phóng viên (PV) có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Long An- Bác sĩ CKII Huỳnh Hữu Dũng về công tác phòng, chông dịch bệnh (PCDB) trong năm qua và những biện pháp, khuyến cáo của ngành trong năm 2016.

Cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng để phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là bệnh TCM

PV: Xin bác sĩ chia sẻ một số kết quả nổi bật trong công tác PCDB năm 2015?

- Bác sĩ Huỳnh Hữu Dũng: Ngành Y tế chủ động triển khai nhiều biện pháp PCDB, nhất là bệnh cúm A (H5N1), sốt xuất huyết (SXH), tay-chân-miệng (TCM). Công tác truyền thông giáo dục sức khỏe cho nhân dân được tăng cường và hoạt động hiệu quả. Qua đó, giúp người dân chủ động tham gia các hoạt động phòng bệnh như: Khai báo khi có dịch; thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường; đưa trẻ đi tiêm chủng phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch,...

Công tác giám sát, khoanh vùng và xử lý ổ dịch được thực hiện tích cực, kiên quyết không để dịch lây lan trong cộng đồng. Năm 2015, toàn tỉnh ghi nhận 2.626 ca mắc bệnh TCM - không ghi nhận ca tử vong, số ca mắc giảm 30,3% so với cùng kỳ năm 2014; ghi nhận 2.645 ca mắc bệnh SXH, tăng 63% so với cùng kỳ năm 2014, giảm 42% so với số ca mắc trung bình 5 năm (2006-2010); ghi nhận 74 ca sốt phát ban nghi sởi, không ghi nhận tử vong, số ca mắc giảm 4,9 lần so với cùng kỳ (2014: 366 ca); ghi nhận 6 ca bị viêm não vi-rút, trong đó có 1 ca tử vong, số ca mắc bằng so với cùng kỳ 2014, tử vong tăng 1 so với cùng kỳ; không ghi nhận bệnh cúm A (H5N1) ở người.

PV: Dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, năm 2016, ngành Y tế triển khai những hoạt động gì để chủ động PCDB hiệu quả, thưa bác sĩ?

- Bác sĩ Huỳnh Hữu Dũng: Tổ chức Y tế thế giới, cũng như Bộ Y tế đang cảnh báo sự quay trở lại của một số bệnh dịch cũ như lao, sốt rét, HIV. Nguyên nhân có thể do kháng thuốc, sự giao lưu, đi lại rộng mở giữa các quốc gia, sự biến đổi khí hậu,… Vấn đề đô thị hóa, gia tăng dân số, vệ sinh, ô nhiễm môi trường, an toàn thực phẩm,… còn nhiều bất cập. Tại Long An, ngành Y tế đặc biệt chú trọng 2 bệnh lưu hành thường xuyên là SXH và TCM. Ngoài ra, dịch cúm gia cầm trên người cũng là bệnh cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp để phòng tránh.

Năm 2016, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh xây dựng các kế hoạch phòng, chống theo từng tình huống dịch bệnh. Trong đó, đẩy mạnh các hoạt động giám sát, phát hiện sớm và xử lý ngay khi phát hiện ca bệnh đầu tiên; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông tuyên truyền kịp thời đến người dân về tình hình dịch bệnh cung như các khuyến cáo, biện pháp phòng bệnh.

Ngành Y tế sẽ tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp như: Chủ động sẵn sàng về thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện phòng chống dịch; đẩy mạnh giám sát, kiểm tra việc triển khai, thực hiện các hướng dẫn chuyên môn tại các địa phương.

Khi có dấu hiệu bị bệnh cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.

PV: Đối với các bệnh lưu hành hằng năm như SXH, TCM và bệnh cúm A (H5N1), xin bác sĩ chia sẻ một số khuyến cáo để người dân chủ động phòng, chống?
- Bác sĩ Huỳnh Hữu Dũng: Hiện tại, vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh TCM, SXH, bệnh cúm A. Vì vậy, mọi người nên thực hiện các biện pháp PCDB theo khuyến cáo của ngành Y tế. Đó là, thường xuyên rửa tay với xà phòng để loại trừ mầm bệnh, kể cả người chăm sóc trẻ và các bà mẹ cũng phải thường xuyên rửa tay bằng xà phòng để phòng bệnh cho trẻ, đặc biệt là bệnh TCM.

Ruồi, muỗi là loài trung gian truyền dịch bệnh SXH, tiêu chảy, viêm não Nhật Bản,... Vì vậy, chúng ta cần chú ý diệt ruồi, muỗi bằng cách phun thuốc diệt, khơi thông cống rãnh, bụi rậm quanh nhà, loại bỏ những vật dụng chứa nước không cần thiết như lu, khạp bể, vỏ xe, gáo dừa,… để không có nơi muỗi đẻ trứng. Phải mặc áo dài tay để tránh muỗi đốt, thực hiện ngủ mùng ban đêm và kể cả ban ngày.

Đối với bệnh cúm A, cần tăng cường vệ sinh ăn uống, chỉ ăn thịt, trứng và các sản phẩm khác của gia cầm được nấu chín kỹ; chỉ mua gia cầm và sản phẩm gia cầm rõ nguồn gốc và được kiểm dịch không bị bệnh; không ăn tiết canh, không làm thịt và ăn các loại gia cầm chết. Nếu có dấu hiệu như sốt cao trên 380C, ho, đau ngực, khó thở kèm theo đau đầu, đau cơ mệt mỏi sau khi tiếp xúc với gia cầm, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.

PV: Xin chân thành cảm ơn bác sĩ!

Ngọc Mận (thực hiện)

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích