Tiếng Việt | English

26/09/2016 - 14:37

Chủ động phòng, chống dịch bệnh đối với gia súc, gia cầm

Mặc dù tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ở địa bàn được chủ động phòng, chống, kiểm soát an toàn nhưng không vì vậy mà người chăn nuôi chủ quan trong công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt trong mùa mưa.


Tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Long An, tổng đàn gia súc với số lượng hơn 350.000 con; trong đó, khoảng 250.000 con heo, hơn 100.000 con trâu, bò và khoảng 7 triệu con gia cầm. Tình hình dịch bệnh trên địa bàn ổn định, không xảy ra dịch bệnh, công tác phòng, chống dịch bệnh được ngành Thú y tỉnh thực hiện tốt. Hàng tháng, ngành Thú y triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nhằm bảo đảm an toàn cho đàn gia súc, gia cầm của người dân.

Song song đó, người dân thực hiện việc tiêm phòng để bảo vệ vật nuôi, phối hợp ngành chức năng khi có nghi ngờ về dịch bệnh để chủ động khống chế, không để dịch bệnh xảy ra và tránh lây lan trên diện rộng.

Tại huyện Tân Thạnh, ngay sau khi ngành Thú y tỉnh triển khai kế hoạch, Trạm Thú y huyện đưa ra các phương pháp để thực hiện trong thời gian sớm nhất. Trạm thực hiện tiêm phòng cúm gia cầm (miễn phí khoảng 65.000 liều theo kế hoạch của tỉnh, thu phí hơn 40.000 liều), tiêm phòng dại gần 6.000 liều (tháng 8). Hiện nay, đang triển khai tiêm phòng bệnh lở mồm long móng, dịch tai xanh trên heo cho tổng đàn gia súc trên địa bàn. Ngoài ra, với nguồn kinh phí của huyện, Trạm Thú y huyện còn tổ chức tiêm phòng miễn phí 2.000 liều vắc-xin tai xanh trên heo và 1.000 liều vắc-xin lở mồm long móng trên trâu, bò toàn huyện.

Trưởng trạm Thú y huyện Tân Thạnh - Nguyễn Hoàng Ẩn thông tin: “Trạm luôn thực hiện tuyên truyền lưu động để người dân nắm bắt tình hình, chủ động phòng, chống dịch bệnh, tiếp tục thực hiện việc tiêm phòng và tăng cường giám sát, kiểm tra việc tiêm phòng. Ngoài ra, luôn kiểm tra, kiểm dịch lúc vận chuyển gia súc, gia cầm qua địa bàn và tại các lò giết mổ trong huyện”.


Phun thuốc khử trùng chuồng trại

"Mùa mưa, mầm mống dịch bệnh có cơ hội phát triển nên dễ xảy ra dịch bệnh như lở mồm long móng trên súc, dịch tai xanh trên heo, cúm gia cầm trên gà, vịt. Chính vì vậy, ngành Thú y khuyến cáo người chăn nuôi thực hiện tốt việc tiêm phòng, chủ động phối hợp với ngành để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đàn vật nuôi."

Trưởng phòng Dịch tễ, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh - Nguyễn Văn Cường

Ông Nguyễn Văn Thành, ngụ ấp Bắc Đông, xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh cho biết: “Gia đình nuôi trang trại khoảng 2.000 con heo, tôi luôn chủ động thực hiện việc tiêm phòng để phòng, chống dịch bệnh. Ngoài việc tiêm phòng miễn phí theo kế hoạch, gia đình còn thực hiện tiêm phòng riêng để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đàn heo. Phối hợp với Thú y huyện trong việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh”.

Còn ông Phạm Văn Đức, ngụ ấp Bình Trị 1, xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành chia sẻ: “Mình phải luôn chủ động phối hợp với Thú y để phòng, chống dịch bệnh, tiêm đầy đủ các loại vắc-xin theo kế hoạch mà Thú y xã triển khai. Hiện nay, gia đình nuôi khoảng 2.000 con gà lấy thịt nên cần phải bảo đảm an toàn tuyệt đối”.

Theo Trưởng phòng Dịch tễ, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh - Nguyễn Văn Cường, để chủ động phòng, chống dịch bệnh trong mùa mưa và giai đoạn tết sắp tới, ngoài việc tăng cường tuyên truyền, giám sát thực hiện phòng, chống dịch bệnh, Chi cục hiện đang triển khai tiêm phòng miễn phí vắc-xin lở mồm long móng trên trâu, bò cho 6 huyện biên giới với khoảng 20.000 liều, đến nay, thực hiện trên 80%; triển khai tiếp tục khoảng 20.000 liều vắc-xin lở mồm long móng trên trâu, bò, dê của 2 huyện Đức Hòa và Châu Thành (trong đó, Đức Hòa 13.500 liều, Châu Thành 6.500 liều), 12.000 liều vắc-xin lở mồm long móng cho bò sữa (bò cái) trên địa bàn toàn tỉnh. Tiến hành tiêm miễn phí vắc-xin tai xanh trên đàn heo toàn tỉnh (quy mô hộ chăn nuôi dưới 50 con) khoảng 170.000 liều; đồng thời, bắt buộc tiêm phòng thu phí đối với những hộ có quy mô tổng đàn lớn hơn 50 con.

Bên cạnh đó, trong tháng 11, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh sẽ tổ chức tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm miễn phí trên đàn vịt toàn địa bàn tỉnh (quy mô tổng đàn vịt 2.000 con trở xuống) và thực hiện tiêm phòng bắt buộc thu phí với quy mô trên 2.000 con vì đây là thời điểm dễ phát sinh dịch cúm nên tiêm phòng vào tháng 11 để khống chế dịch bệnh, bảo đảm an toàn trong giai đoạn cuối năm. Đối với gà, chúng tôi tiến hành tiêm phòng thu phí cùng thời điểm trên - ông Cường cho biết thêm./.

Lực Nguyễn

Chia sẻ bài viết