Chủ động phòng, chống
Trước tình hình độ mặn có khả năng xuất hiện sớm, các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh tích cực chỉ đạo phòng, chống triều cường và xâm nhập mặn (XNM) nhằm bảo đảm an toàn cho sản xuất và đời sống của người dân. Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn tỉnh, mực nước trên 2 sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây đang giảm, tuy nhiên, do biến đổi khí hậu nên những đợt triều cường sắp tới có khả năng lên cao. Tình hình khí tượng - thủy văn diễn biến phức tạp, đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương cần có kế hoạch ứng phó tình trạng khô hạn, XNM sớm và sâu ở khu vực tỉnh Long An trong các tháng đầu năm 2019, đặc biệt là tình trạng thiếu nước trong sinh hoạt, tưới phục vụ nông nghiệp và các ngành liên quan khác.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Đước - Nguyễn Hồng Chương cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn huyện có khoảng 12.500ha đất trồng (lúa và hoa màu) nằm trong khu vực bảo vệ của 2 tuyến đê bao là đê Vàm Cỏ và đê Rạch Cát. Thông thường, triều cường sẽ tác động đến huyện Cần Đước vào khoảng cuối tháng 9, đầu tháng 10 âm lịch. Hiện nay, mực nước có tăng nhẹ nhưng chưa gây ảnh hưởng hay thiệt hại đến sản xuất và sinh hoạt của người dân”.
Các địa phương chủ động phòng, chống triều cường, xâm nhập mặn
Bí thư Đảng ủy xã Phước Tuy - Nguyễn Thế Hùng thông tin: “Hiện nay, xã có 924ha đất nông nghiệp, chủ yếu trồng lúa, thanh long và rau màu, được bảo vệ bởi 5km đê bao Vàm Cỏ. Những năm gần đây, nhờ có tuyến đê bao này mà triều cường và XNM không còn ảnh hưởng nhiều đến sản xuất cũng như sinh hoạt của người dân”. Ông Lê Tấn Bé, ngụ ấp 1, xã Phước Tuy, nói: “Những năm trước chưa có đê bao, mỗi năm, gia đình tôi chỉ làm được 1 vụ lúa, chủ yếu là giống lúa dài ngày, năng suất đạt khoảng 2 tấn/ha. Từ khi có đê bao, mỗi năm, gia đình tôi làm được 2 vụ, năng suất đạt khoảng 8 tấn/ha, gấp 4 lần so với trước. Năm nay, mực nước thấp hơn so với cùng thời điểm năm trước, nhưng gia đình tôi chủ động gia cố lại các bờ bao quanh ruộng, nhằm bảo đảm an toàn cho 1,5ha lúa đang vào giai đoạn làm đòng”.
Phó Bí thư Đảng ủy xã Tân Lân - Nguyễn Văn Hoàng cho biết: “Trên địa bàn xã hiện có 1.201ha đất trồng lúa, 11,6ha trồng hoa màu và 4,6ha nuôi tôm nước ngọt được bảo vệ bởi 3,5km đê bao thuộc tuyến đê bao Rạch Cát. Ngoài ra, nhờ tuyến đê bao này mà việc ngăn mặn, trữ ngọt được bảo đảm để phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, tuyến đê cũng giúp việc vận chuyển và lưu thông nông sản được thuận tiện và dễ dàng hơn”.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Trụ - Đoàn Văn Hoàng thông tin: “Huyện có 7 xã và thị trấn giáp 2 sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây, hàng năm, các khu vực thấp, trũng thường xuyên chịu ảnh hưởng của triều cường từ giữa tháng 9 đến cuối tháng 11 âm lịch. Để chủ động ứng phó với triều cường và XNM, ở từng địa phương luôn có lực lượng tuần tra, kiểm soát các tuyến đê bao, các cửa cống đầu mối nhằm kịp thời xử lý khi xảy ra sự cố, bảo đảm an toàn cho sản xuất và đời sống của người dân”. Nhựt Ninh là xã có địa thế thấp, trũng của huyện Tân Trụ, đây cũng là vùng có diện tích nuôi tôm lớn nhất huyện, phần lớn diện tích đất sản xuất của người dân tiếp giáp sông Vàm Cỏ Tây. Anh Võ Thành Trung, ngụ ấp Nhựt Hòa, xã Nhựt Ninh, cho biết: “Gia đình tôi có 2 ao nuôi tôm, đều nằm trong khu vực đê bao. Những năm trước, khi chưa có đê bao, người dân chỉ thả nuôi được 1 đợt/năm nên thường nuôi tôm sú, hiệu quả kinh tế bếp bênh. Những năm gần đây, khi có đê bao, người dân chủ động hơn trong việc thả nuôi, hiệu quả kinh tế cao hơn, nông dân chúng tôi rất phấn khởi”.
“Các xã giáp sông Vàm Cỏ Tây như Đức Tân, Bình Tịnh, Bình Lãng, thị trấn Tân Trụ, người dân đều chủ động gia cố đê bao, bờ bao trên phần đất ở lẫn đất sản xuất. Ngoài ra, huyện còn tiến hành khảo sát, phối hợp các xã chủ động tôn cao những vị trí đê còn thấp nhằm tránh ảnh hưởng của triều cường” - ông Hoàng cho biết thêm.
Để sản xuất hiệu quả
Để người dân sản xuất đạt hiệu quả, Giám đốc Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng, đề nghị: “Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn các huyện phía Nam triển khai các biện pháp chủ động phòng, chống, ứng phó và giảm thiểu thiệt hại do triều cường và XNM gây ra, nhanh chóng lập kế hoạch kiểm tra, rà soát và chủ động gia cố sớm các tuyến đê bao. Đồng thời, lên kế hoạch vận hành các cống đầu mối sao cho hợp lý, bảo đảm phục vụ tốt việc ngăn mặn, trữ ngọt, bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất; thường xuyên kiểm tra, xử lý kịp thời các cửa cống bị rò rỉ, tránh mặn xâm nhập vào nội đồng và thường xuyên theo dõi chất lượng nước trong nội đồng, theo dõi tình hình XNM, xác định vùng thường xuyên thiếu nước để có hướng giải quyết về nguồn nước, trữ nước, phát huy công suất trạm bơm điện nhỏ và chuyển đổi cây trồng phù hợp; vớt, diệt lục bình trên các sông, rạch và kênh nội đồng để khơi thông dòng chảy, bảo đảm tưới, tiêu. Bên cạnh đó, tích cực vận động, nhắc nhở người dân thường xuyên thăm đồng và thông báo ngay cho chính quyền địa phương khi có sự cố xảy ra để kịp thời xử lý”./.
Huỳnh Phong - Bùi Tùng