Vụ lúa Đông Xuân 2017-2018 là vụ mùa chính, quyết định sản lượng lương thực trong năm. Nông dân kỳ vọng vụ mùa bội thu, cho năng suất, chất lượng tốt, mang lại thu nhập cao. Để vụ Đông Xuân 2017-2018 đạt hiệu quả, ngành nông nghiệp luôn đồng hành cùng nông dân, kịp thời theo dõi, khuyến cáo những giải pháp phòng trừ sâu, bệnh trên lúa.
Đến nay, toàn tỉnh xuống giống 191.113ha (kế hoạch 233.120ha), tập trung chủ yếu ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh. Tuy nhiên, theo thống kê của ngành chức năng, hiện nay, gần 2.000ha lúa Đông Xuân 2017-2018 nhiễm bệnh đạo ôn lá, trên 1.700ha bị ốc bươu vàng cắn phá, 725ha nhiễm rầy nâu, 380ha nhiễm bệnh cháy bìa lá, gần 250ha nhiễm bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá, 139ha bị chuột phá hại, 110ha bị sâu cuốn lá,... Đặc biệt, sâu năn xuất hiện rải rác ở các huyện: Thạnh Hóa, Tân Hưng và Vĩnh Hưng, gây lo lắng trong nông dân.
Trước tình hình sâu, bệnh diễn biến phức tạp, nhằm hạn chế thiệt hại, ngành chức năng và các địa phương cần tập trung tuyên truyền, khuyến cáo nông dân chủ động trong sản xuất để đạt hiệu quả cao. Ngành nông nghiệp cần cử cán bộ kỹ thuật “cùng nông dân ra đồng”, thường xuyên bám sát ruộng lúa, theo dõi tình hình sâu, bệnh gây hại, thời tiết, thủy văn, độ mặn để có biện pháp ứng phó kịp thời. Đồng thời tăng cường tập huấn, hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp khoa học - kỹ thuật vào sản xuất: “3 giảm - 3 tăng”, “1 phải - 5 giảm”, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), theo dõi sát các đợt rầy nâu di trú,... Các địa phương cần tuyên truyền, khuyến cáo nông dân thường xuyên thăm đồng, phát hiện dịch bệnh và có biện pháp phòng trừ hiệu quả, nơi chưa gieo sạ thì chỉ đạo xuống giống tập trung theo đúng lịch thời vụ, bảo đảm thời gian cách ly giữa 2 vụ lúa ít nhất 3 tuần, không được gieo sạ liên tục và sạ dày dễ làm sâu, bệnh xuất hiện gây hại, vận động nông dân nhổ và tiêu hủy khi thấy bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá xuất hiện trên cây lúa để tránh lây lan trên diện rộng. Khi xuất hiện sâu năn, nông dân cần kịp thời báo cáo tình hình cho chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp, sớm có biện pháp xử lý, phòng trừ để có một vụ mùa no ấm, góp phần đạt mục tiêu phát triển KT-XH năm 2018./.
Kim Quy