Thời gian gần đây, mưa lớn kết hợp triều cường làm cho mực nước lên nhanh, lũ đổ về vùng Đồng Tháp Mười sớm hơn mọi năm. Một số diện tích sản xuất lúa Hè Thu ở vùng trũng huyện đầu nguồn Tân Hưng bị ngập, ảnh hưởng bởi lũ. Một số nơi, nông dân phải thu hoạch lúa chạy lũ, năng suất, chất lượng giảm, bị thương lái ép giá. Chính quyền và người dân địa phương tăng cường gia cố đê bao, bơm rút nước, tăng thêm chi phí sản xuất. Trước tình hình trên, các cấp, các ngành chức năng trong tỉnh và các địa phương vùng Đồng Tháp Mười tích cực, chủ động ứng phó với lũ, lụt.
Trước hết, ngành chuyên môn cần cập nhật và thường xuyên dự báo tình hình thời tiết, thủy văn để người dân chủ động ứng phó. Mặt khác, chính quyền cùng người dân tích cực gia cố hệ thống đê bao, bờ bao, nhất là ở vùng trũng, đê yếu và thấp. Những diện tích lúa có khả năng thu hoạch sớm thì khẩn trương thu hoạch, vận chuyển đến lò sấy, nơi bảo quản. Những diện tích gần thu hoạch thì tích cực gia cố bờ bao, bơm rút nước để bảo vệ. Nơi lúa bị ngập thì nhanh chóng huy động phương tiện, lực lượng bộ đội, công an, dân quân, nhân công thu hoạch.
Bên cạnh ruộng lúa, người dân cần quan tâm đến các ao nuôi trồng thủy sản, chủ động biện pháp, phương tiện bảo vệ thích hợp, tránh thất thoát, thiệt hại. Ngoài ra, các hộ gia đình, nhất là những ngôi nhà ở đồng trống, nhà tạm bợ cần gia cố, chằng néo chắc chắn để tránh gió lốc, giông bão. Nơi nước ngập sâu, chính quyền, gia đình cần quan tâm bảo vệ trẻ em trước nguy cơ đuối nước. Về lâu dài, các cấp chính quyền, ngành chức năng cần quan tâm xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đê bao, đê bao lửng, các trạm bơm điện; khuyến cáo, tuyên truyền người dân gieo sạ tập trung, né lũ,...
Các cấp, các ngành và người dân cần chủ động ứng phó với lũ, lụt, biến lũ, lụt thành cơ hội phục vụ lợi ích con người./.
Kim Quy