Tiếng Việt | English

11/01/2021 - 11:06

Chủ động ứng phó với hạn, xâm nhập mặn mùa khô 2020-2021

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn Quốc gia, hạn, mặn năm nay ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ không nghiêm trọng như mùa khô 2019-2020, tuy nhiên vẫn ở mức cao hơn trung bình nhiều năm và kéo dài từ tháng 01 đến tháng 5/2021.

Mặn xảy ra sớm

Theo dự báo, hiện tượng La Nina tiếp tục duy trì từ nay cho đến những tháng đầu năm 2021. Trong thời gian từ tháng 01 đến tháng 5/2021, lượng mưa trên các khu vực phổ biến ở mức trung bình nhiều năm và cao hơn trung bình nhiều năm, khả năng xuất hiện mưa trái mùa ở một số tỉnh thuộc khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long; dòng chảy trên các sông, suối phổ biến thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 10-30%.

Nhiều diện tích lúa Đông Xuân gieo sạ ngoài lịch thời vụ có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn

Theo các đơn vị khoa học trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tại Long An, khả năng xâm nhập mặn mùa khô 2020-2021 cụ thể như sau: Trên sông Vàm Cỏ, xâm nhập mặn bắt đầu ảnh hưởng đến khả năng lấy nước của các công trình thủy lợi từ tháng 02/2021. Ranh mặn 4g/l lớn nhất có khả năng xuất hiện trong tháng 3, 4/2021 với phạm vi: Trên sông Vàm Cỏ Đông và sông Vàm Cỏ Tây ở mức 100-110km, thấp hơn từ 15-20km so với năm 2020, thấp hơn từ 10-15km so với năm 2016. Từ tháng 5/2021, xâm nhập mặn có xu thế giảm dần.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Trụ - Đặng Văn Tây Lo, thời điểm này, độ mặn đã bắt đầu xuất hiện trên sông Vàm Cỏ Đông, độ mặn đo được tại Cống Nhựt Tảo ngày 05/01/2021 là 2,7g/l. Với độ mặn trên, ước tính nhiều diện tích lúa Đông Xuân (ĐX) 2020-2021 trên địa bàn đang có nguy cơ bị đe dọa xâm nhập mặn. Trước thực trạng trên, huyện đã có giải pháp giúp người dân chủ động ngăn mặn, trữ ngọt bảo vệ lúa, đủ nước tưới trồng cây ăn trái. Cụ thể, huyện đóng tất cả cống ngăn mặn ven sông Vàm Cỏ Đông và phân công cán bộ kỹ thuật thường xuyên theo dõi độ mặn ở các vùng giáp ranh và các tuyến kênh để kịp thời có giải pháp ứng phó. Ngoài ra, công tác nạo vét các tuyến kênh nội đồng để trữ nước và dẫn nước ngọt trong mùa khô cũng được huyện quan tâm thực hiện.

Hiểu rõ về tác hại của hạn, mặn, mùa này, ông Lê Thành Út (xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ) chủ động xuống giống sớm vụ ĐX để né hạn, mặn. Ông Út cho biết: “Sau 2 đợt bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn và thiệt hại không nhỏ, hơn ai hết, tôi hiểu tác hại của nó. Năm nay, sau khi thu hoạch vụ Hè Thu, tôi đã tranh thủ làm đất và xuống giống sớm vụ ĐX. Theo dự kiến, đến cuối tháng Chạp tôi sẽ thu hoạch lúa và không lo bị hạn, mặn ảnh hưởng”.

Vụ lúa ĐX 2020-2021, huyện Tân Trụ gieo sạ trên 3.000ha, trong đó có khoảng 700ha gieo sạ ngoài lịch thời vụ mà ngành Nông nghiệp tỉnh đã khuyến cáo. Hiện nay, độ mặn trên sông Vàm Cỏ Đông đã bắt đầu xuất hiện và tăng dần. Do đó, nguy cơ những diện tích lúa gieo sạ ngoài lịch này bị thiếu nước và thiệt hại là rất cao.

Tại huyện Cần Đước, độ mặn cũng đã xuất hiện từ ngày 30/10 Âm lịch. Hiện toàn bộ cống ngăn mặn trên địa bàn huyện đều đã được đóng lại để bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất. Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Cần Đước - Trần Anh Tuấn cho biết: “Năm nay, độ mặn trên sông Vàm Cỏ Đông xuất hiện sớm hơn khoảng nửa tháng so với hàng năm. Ngày 05/01/2021, độ mặn đo được tại Bà Nhờ là 10g/l, Đôi Ma là 3g/l. Hiện nay, các hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân chủ yếu sử dụng nguồn nước tích trữ trên kênh, mương nội đồng và nước mưa nên khi đến mùa khô, nhiệt độ tăng cao sẽ làm gia tăng sự bốc hơi nước và tăng nhu cầu nước cho cây trồng, vật nuôi,... Do đó, nguồn nước ngọt trên địa bàn huyện vẫn có khả năng bị thiếu hụt trong mùa khô 2020-2021, nhất là tại 8 xã vùng hạ”.

Nhiều diện tích lúa Đông Xuân gieo sạ ngoài lịch thời vụ có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn

Chủ động ứng phó

Với đặc điểm khí hậu 6 tháng mưa, 6 tháng hạn, người dân Cần Đước đã dần thích nghi và có giải pháp chuyển đổi sản xuất hiệu quả, bảo đảm thu nhập trong những tháng hạn, mặn. Anh Lê Hoàng Ân, ngụ xã Long Hựu Tây, huyện Cần Đước, chia sẻ: “Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này, tôi hiểu rõ về sự khắc nghiệt của hạn, mặn. Thông thường, ở Cần Đước sẽ có khoảng 6 tháng mùa khô. Lúc trước, tôi cũng giống nhiều người dân nơi đây là sẽ bỏ trống đất, cho đất nghỉ ngơi. 2 năm gần đây, tôi chuyển sang nuôi tôm vào mùa khô vì con tôm không bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn. Theo tôi, việc chuyển đổi này vừa tận dụng được đất sản xuất, vừa mang lại thu nhập khá trong các tháng mùa khô”.

Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Cần Đước - Nguyễn Hồng Chương thông tin, hàng năm, huyện đều cấp khoảng 12 tỉ đồng để thực hiện các công trình nạo vét kênh, mương nội đồng để tăng khả năng tích trữ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, ngay từ khi hạn, mặn 2019-2020 kết thúc, huyện tiến hành rà soát, đánh giá hiện trạng, tính hiệu quả của các công trình thủy lợi hiện hữu và đẩy nhanh tiến độ các công trình trữ ngọt, ngăn mặn đang thi công, bảo đảm hoàn thành trước mùa khô 2020-2021. Đồng thời, huyện tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động; cập nhật thường xuyên các bản tin dự báo về tình hình hạn, mặn để thông tin kịp thời, nâng cao nhận thức của cộng đồng, xã hội. Ngoài ra, huyện còn tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật về các giải pháp phòng, chống hạn, mặn trong sản xuất nông nghiệp và dân sinh”.

“Huyện có 3 cống đập chính: Đôi Ma, Bến Trể và Xóm Bồ có chức năng cung cấp nước ngọt, tưới, tiêu, rửa phèn vào mùa mưa, ngăn mặn xâm nhập trong mùa khô hạn. Nối liền 3 cống lớn này là tuyến đê bao dài gần 20km qua các xã: Long Cang, Phước Tuy, Tân Ân ven sông Vàm Cỏ Đông. Từ 3 cống lớn này, có trên 50km kênh thủy lợi nội đồng và hàng chục cống phụ khác tạo thành hệ thống thủy lợi nội đồng cung cấp nước sản xuất nông nghiệp cho toàn bộ 9 xã vùng thượng và thị trấn Cần Đước. Để chủ động nguồn nước, cán bộ kỹ thuật của huyện thường xuyên xuống địa bàn để kiểm tra, thông báo chất lượng nước trên sông và nội đồng, xây dựng lịch đóng, mở cống. Các cống đầu mối được triển khai về cho các xã, người dân biết để chủ động sản xuất, phòng, chống xâm nhập mặn vào đồng ruộng trong mùa khô. Bên cạnh đó, khuyến cáo người dân có kế hoạch dự trữ nước trong kênh, rạch, ao, mương phục vụ sản xuất” - ông Chương cho biết thêm./.

Để chủ động nguồn nước, cán bộ kỹ thuật của huyện thường xuyên xuống địa bàn để kiểm tra, thông báo chất lượng nước trên sông và nội đồng, xây dựng lịch đóng, mở cống. Các cống đầu mối được triển khai về cho các xã, người dân biết để chủ động sản xuất, phòng, chống xâm nhập mặn vào đồng ruộng trong mùa khô. Bên cạnh đó, khuyến cáo người dân có kế hoạch dự trữ nước trong kênh, rạch, ao, mương phục vụ sản xuất”.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Đước - Nguyễn Hồng Chương

 

Huyện đã có giải pháp giúp người dân chủ động ngăn mặn, trữ ngọt bảo vệ lúa, đủ nước tưới trồng cây ăn trái. Cụ thể, huyện đóng tất cả cống ngăn mặn ven sông Vàm Cỏ Đông và phân công cán bộ kỹ thuật thường xuyên theo dõi độ mặn ở các vùng giáp ranh và các tuyến kênh để kịp thời có giải pháp ứng phó. Ngoài ra, công tác nạo vét các tuyến kênh nội đồng để trữ nước và dẫn nước ngọt trong mùa khô cũng được huyện quan tâm thực hiện".

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Trụ -
Đặng Văn Tây Lo

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết