Cán bộ kỹ thuật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra đo độ mặn tại đập ngăn mặn tạm thời trên sông Hàm Luông, xã Đông Sơn, thành phố Bến Tre. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Chiều 20/5, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia thông tin về tình hình xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long trong mùa khô 2019-2020.
Xu thế xâm nhập mặn từ ngày 21-31/5 tiếp tục giảm dần nhưng một số nơi vẫn còn ở mức cao, các địa phương trước khi lấy nước ngọt, tưới cho cây trồng, cây ăn trái cần kiểm tra chặt chẽ nồng độ mặn.
Từ ngày 21-25/5, khu vực Nam Bộ phổ biến ít mưa, ngày nắng, có nơi có nắng nóng; trong đó riêng ngày 23/5 khả năng về chiều tối có mưa dông tăng lên diện rải rác. Nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến khoảng 33-36 độ C, có nơi cao hơn.
Từ ngày 26-29/5 cường độ nắng giảm dần, về chiều tối và tối có mưa dông rải rác, tập trung nhiều trong các ngày 27-29/5, trong cơn dông dễ kèm theo hiện tượng cực đoan như lốc, sét và gió giật mạnh nguy hiểm.
Nhiệt độ cao nhất dao động trong ngưỡng 31-34 độ C. Từ ngày 30/5, mưa giảm, nhiệt độ sẽ có xu hướng tăng dần.
Mực nước các trạm trên dòng chính sông Mekong biến đổi chậm, ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,1-1,2m.
Mực nước trên sông Tiền và sông Hậu biến đổi chậm. Mực nước cao nhất tuần tại Tân Châu là 1,10m; tại Châu Đốc 1,25m, cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,2-0,25m.
Cụ thể, chiều sâu ranh mặn 1g/l có khả năng như sau: trên sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây 80-125km; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại 55-70km; sông Hàm Luông 65-75km; sông Hậu, Cổ Chiên 40-55km; sông Cái Lớn 45-55km.
Chiều sâu ranh mặn 4g/l có khả năng như sau sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây 70-120km; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại 42-52km; sông Hàm Luông 60-70km; sông Cổ Chiên, sông Hậu 30-42km; sông Cái Lớn 42-47km.
Mức độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ở cấp độ 1-2./.
Theo TTXVN