Trưởng khoa BNN, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Long An - Thạc sĩ Nguyễn Hoài Duyên, cho biết: “BNN là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đối với NLĐ. Hiện Nhà nước quy định có 34 BNN được hưởng bảo hiểm xã hội, trong đó có 7 bệnh thuộc nhóm bụi phổi, 10 bệnh thuộc nhóm nhiễm độc, 6 bệnh thuộc nhóm yếu tố vật lý, 5 bệnh thuộc nhóm bệnh da, 5 bệnh thuộc nhóm nhiễm khuẩn, 1 bệnh thuộc nhóm ung thư. Có nhiều nguyên nhân gây BNN như ảnh hưởng bởi các yếu tố có hại không được kiểm soát tốt trong quá trình lao động (vật lý, hoá học, sinh học,…) tác động trực tiếp đến NLĐ.
Ngoài ra còn do người sử dụng lao động chưa thực sự quan tâm đến việc trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, CSSK cho NLĐ và cuối cùng là yếu tố chủ quan của NLĐ trong việc không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân để bảo vệ sức khỏe chính mình”.
Việc chăm lo, cải thiện điều kiện làm việc, chăm sóc sức khỏe góp phần ngăn ngừa nguy cơ gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động
Các BNN có khả năng xảy ra với NLĐ trên địa bàn tỉnh: Bệnh bụi phổi, nhiễm độc nghề nghiệp, bệnh do yếu tố vật lý, bệnh da, nhiễm khuẩn. Hiện toàn tỉnh có khoảng 500 (10%) doanh nghiệp thực hiện giám sát môi tường lao động định kỳ và có tổ chức khám BNN cho 4.000 lao động (<2%)/năm. Nhằm bảo đảm quyền lợi của NLĐ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thường xuyên phối hợp Sở Y tế và các ngành chức năng phổ biến, hướng dẫn cho người sử dụng lao động và NLĐ thực hiện tốt ATVSLĐ, CSSK và phòng, chống BNN. Qua công tác tuyên truyền, vận động, nhiều công ty, doanh nghiệp quan tâm, cải thiện môi trường làm việc, chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa BNN cho NLĐ.
Theo Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Giày Elite Việt Nam (xã Long Cang, huyện Cần Đước) - Nguyễn Thị Phương Dung, bên cạnh nâng cao thu nhập, công ty rất chú trọng việc CSSK cho NLĐ. Từ đầu năm 2022 đến nay, công ty tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ với chi phí gần 103 triệu đồng; tổ chức khám BNN cho NLĐ làm công việc nặng nhọc, độc hại với chi phí gần 61,5 triệu đồng; đồng thời phối hợp Ban nữ công tổ chức khám phụ khoa cho lao động nữ. Ngoài ra, công ty còn trang bị đầy đủ trang phục bảo hộ lao động cho công nhân; khu vực nhà ăn được xây dụng khang trang, sạch sẽ, các suất ăn bảo đảm an toàn thực phẩm.
Sức khỏe của NLĐ là một trong những yếu tố quyết định đến năng suất làm việc và hiệu quả hoạt động của các công ty, doanh nghiệp. Việc chăm lo, cải thiện điều kiện làm việc, CSSK NLĐ góp phần ngăn ngừa nguy cơ gây tai nạn lao động, BNN. Vì vậy, cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, tăng cường công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ, thanh, kiểm tra và xử lý các vi phạm. Song song đó, mỗi NLĐ cần trang bị kiến thức, tự bảo vệ sức khỏe và có yêu cầu chính đáng về các chế độ, bảo hộ lao động khi làm việc trong môi trường có nguy cơ mắc BNN./.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Hoài Duyên, để phát hiện sớm và hạn chế thấp BNN cần giám sát định kỳ, đầy đủ và đúng thực trạng môi trường lao động để có giải pháp cải thiện, tạo môi trường làm việc tốt hơn. Đây là nội dung rất quan trọng trong việc định hướng cần khám loại bệnh nào cho NLĐ và là tiêu chí quan trọng để giải quyết chế độ BNN cho NLĐ nếu không may mắc phải.
Đồng thời, tổ chức khám sức khỏe trước khi bố trí việc làm, khám phát hiện BNN cho NLĐ theo Thông tư 28/2016/TT-BYT, ngày 30/6/2016 của Bộ Y tế và theo quy định tại Điều 21, Luật ATVSLĐ năm 2015: “Hàng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất một lần cho NLĐ; đối với NLĐ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, NLĐ là người khuyết tật, NLĐ chưa thành niên, NLĐ cao tuổi được khám sức khỏe ít nhất 6 tháng một lần”.
Trang bị đầy đủ và hướng dẫn, kiểm tra việc sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân của NLĐ. Doanh nghiệp cần tăng cường tổ chức huấn luyện ATVSLĐ theo Nghị định 44/2016/ NĐ-CP để NLĐ nhận thức được các mối nguy hại và tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân.
|
Huỳnh Hương