1. Chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về KTNN
Kiểm toán nhà nước Việt Nam được thành lập theo Nghị định số 70/CP ngày 11/7/1994 của Chính phủ. Qua 24 năm xây dựng và phát triển, KTNN nhận được sự quan tâm của Đảng, nhà nước nhằm xây dựng KTNN thành công cụ hữu hiệu của Đảng, nhà nước trong kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Nhiều chính sách của Đảng, nhà nước về KTNN đã được ban hành điển hình như:
“...Xây dựng quy chế đảm bảo chi ngân sách tiết kiệm và có hiệu quả, nâng cao tỷ lệ chi cho đầu tư phát triển, kiềm chế bội chi. Thực hiện chế độ kiểm soát chi ngân sách và tài chính công thông qua kho bạc và Kiểm toán nhà nước, đặc biệt là những quy định về phân cấp ngân sách...” (Trích Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng CSVN).
“...Đề cao vai trò của cơ quan KTNN trong việc kiểm toán mọi cơ quan, tổ chức có sử dụng ngân sách nhà nước. Cơ quan Kiểm toán báo cáo kết quả kiểm toán cho Quốc hội, Chính phủ và công bố công khai cho dân biết...” (Trích Nghị quyết Trung ương lần thứ ba Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII).
“..Tăng thu và huy động mọi nguồn lực của đất nước dành cho đầu tư phát triển; chỉ đạo thực hiện Luật NSNN, tiến hành kiểm toán thu chi ngân sách, chấn chỉnh các hoạt động ngân hàng, khắc phục các hiện tượng tiêu cực...” (Trích Nghị quyết kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX).
“...Nâng cao hiệu quả pháp lý và chất lượng kiểm toán như một công cụ mạnh của nhà nước...” (trích Báo cáo của BCH Trung ương Đảng khóa VIII).
“...Xây dựng thể chế giám sát tài chính đồng bộ; hiện đại hóa công nghệ giám sát. Chuẩn mực hóa hệ thống kế toán, kiểm toán phù hợp với thông lệ quốc tế. Thực hiện kiểm toán bắt buộc đối với tất cả các cấp ngân sách, sác đơn vị sử dụng vốn, tài sản và ngân sách nhà nước...” (Trích báo cáo BCHTW Đảng khóa IX về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2006-2010 tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X).
“...Tăng cường công tác kiểm toán, thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng. Có cơ chế khuyến khích và bảo vệ những người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đồng thời kỷ luật nghiêm những người bao che, cố tình ngăn cản việc chống tham nhũng, lãng phí hoặc lợi dụng việc tố cáo tham nhũng để vu khống, làm hại người khác, gây mất đoàn kết nội bộ. Tôn vinh những tấm gương liêm chính. Tổng kết, đánh giá cơ chế và mô hình tổ chức cơ quan phòng, chống tham nhũng để có chủ trương, giải pháp phù hợp...” (Trích Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng).
“...Đổi mới cơ chế quản lý tài chính nhà nước, quản lý ngân sách nhà nước bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, tăng cường phân cấp, tăng quyền hạn đi đôi với đề cao trách nhiệm đối với các cấp ngân sách . Nâng cao hiệu quả và tính công khai, minh bạch trong sử dụng và quản lý ngân quỹ, ngân sách nhà nước, tạo chuyển biến rõ rệt trong kiểm soát, tăng cường công tác Kiểm toán nhà nước để góp phần ngăn chặn lãng phí, thất thoát, tham nhũng tiền và tài sản nhà nước...” (Trích Nghị quyết Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam kỳ họp tứ 9, khóa XI ngày 29/6/2006).
“...Coi trọng và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, rà soát để hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch khác, gắn quy hoạch đầu tư xây dựng cơ bản với các quy hoạch có liên quan. Tổng kết đánh giá toàn diện việc phân cấp quản lý đầu tư, mô hình tổ chức quản lý đầu tư xây dựng cơ bản để có sửa đổi cho phù hợp; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để kịp thời ngăn ngừa các sai phạm...” (Trích nghị quyết Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam kỳ họp tứ 4, khóa XII ngày 06/11/2008).
Ngày 19/4/2010, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 927/2010/UBTVQH12 về Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2020.
Theo đó, để bảo đảm yêu cầu phát triển trong thời kỳ công nghiệp hoá - hiện đại hoá và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, mục tiêu phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2020 là "Nâng cao năng lực hoạt động, hiệu lực pháp lý, chất lượng và hiệu quả hoạt động của Kiểm toán nhà nước như một công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong kiểm tra, giám sát quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; xây dựng Kiểm toán nhà nước có trình độ chuyên nghiệp cao, từng bước hiện đại, trở thành cơ quan kiểm tra tài chính công có trách nhiệm và uy tín, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, phù hợp với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế”.
Thực hiện Nghị quyết trên, ngày 09/10/2013, Tổng KTNN đã ban hành Kế hoạch chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2013-2017 với 08 mục đích và 29 mục tiêu chiến lược nhằm xác định rõ tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi, các hoạt động và các nguồn lực cần thiết để hiện thực hóa các nội dung chính trong Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020.
“...Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, phạm vi hoạt động, mối quan hệ công tác của Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan kiểm tra, thanh tra các cấp để không chồng chéo khi thực hiện nhiệm vụ...” (Trích Nghị quyết số 18-NQ-TW ngày 25/10/2017 Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu BCHTW khóa XII).
2. Hệ thống pháp luật Việt Nam về KTNN
Qua hơn 24 năm hoạt động Quốc hội, UBTV Quốc hội, Chính phủ, Tổng KTNN ban hành nhiều văn bản QPPL quy định về tổ chức và hoạt động cua KTNN, tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho hoạt động của KTNN.
2.1. Hiến pháp năm 2013
Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 được thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII ngày 28/11/2013 đã quy định địa vị pháp lý của Kiểm toán nhà nước và Tổng Kiểm toán nhà nước tại Điều 118, đánh dấu bước ngoặt trên chặng đường phát triển của KTNN với vị thế và vai trò ngày càng được nâng cao.
Điều 118
1. Kiểm toán nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
2. Tổng Kiểm toán nhà nước là người đứng đầu Kiểm toán nhà nước, do Quốc hội bầu. Nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán nhà nước do luật định. Tổng Kiểm toán nhà nước chịu trách nhiệm và báo cáo kết quả kiểm toán, báo cáo công tác trước Quốc hội; trong thời gian Quốc hội không họp, chịu trách nhiệm và báo cáo trước Ủy ban thường vụ Quốc hội.
3. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Kiểm toán nhà nước do luật định.
Đây là sự kiện chính trị - pháp lý trọng đại trong tiến trình xây dựng và phát triển Kiểm toán nhà nước. Lần đầu tiên, địa vị pháp lý của Kiểm toán nhà nước và Tổng Kiểm toán nhà nước được quy định trong Hiến pháp - đạo Luật cơ bản của Nhà nước, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho tổ chức và hoạt động của Kiểm toán nhà nước.
2.2. Luật KTNN
Để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về KTNN, ngày 24/6/2015 Quốc hội khoá XIII, kỳ họp thứ 9 đã thông qua Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015 có hiệu lực thi hành ngày 01/01/2016, Luật gồm 9 chương, 73 điều. Đây là một đạo Luật quan trọng trong hệ thống pháp luật của Nhà nước ta, là công cụ pháp lý để tăng cường kiểm tra, kiểm soát các nguồn lực tài chính nhà nước, đồng thời là cơ sở pháp lý quan trọng quy định một cách đầy đủ, toàn diện, có hệ thống về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và hoạt động của KTNN.
Để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về KTNN, khắc phục những bất cập trong thực tiễn hoạt động KTNN, Luật KTNN năm 2015 có nhiều điểm mới như: Quy định về chức năng của KTNN: KTNN có chức năng đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công (Điều 9); mở rộng phạm vi đối tượng kiểm toán của KTNN là việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán (Điều 4); quy định rõ về giá trị pháp lý của của Báo cáo kiểm toán tại Điều 7, trong đó quy định: Báo cáo kiểm toán của KTNN có giá trị bắt buộc phải thực hiện đối với đơn vị được kiểm toán, BCKT của KTNN là căn cứ để đơn vị được kiểm toán thực hiện quyền khiếu nại; Quy định Tổng KTNN do Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội (Điều 12); Bổ sung tiêu chuẩn bổ nhiệm vào các ngạch KTV nhà nước (Điều 23, 24, 25); quy định cụ thể thời hạn của một cuộc kiểm toán (Điều 30); quy định kiểm toán nhà nước độc lập trong xây dựng và thực hiện kế hoạch kiểm toán: KTNN quyết định kế hoạch kiểm toán hàng năm và bào cáo Quốc hội trước khi thực hiện; thực hiện nhiệm vụ kiểm toán theo yêu cầu, đề nghị của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; bổ sung đơn vị được kiểm toán là cơ quan quản lý nợ công, thực hiện kiểm toán đối với Doanh gnhieepj do nhà nước nắm giữ 50% vốn điều lệ trở xuống, khi cần thiết.
2.3. Các Luật có liên quan và các văn bản quy định chi tiêt thi hành Luật KTNN
Bên cạnh Luật KTNN, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật… cũng đã quy định nhiều nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN trong hệ thống các cơ quan kiểm tra, kiểm soát của Đảng và Nhà nước.
Trên cơ sở Luật KTNN năm 2015, cơ quan KTNN đã phối hợp tích cực với các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội xây dựng trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật KTNN. Ngày 29/12/2016 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 325/2016/UBTVQH14 quy định chế độ đối với cán bộ, công chức của Kiểm toán Nhà nước và thay thế Nghị quyết 1003/2006/NQ-UBTVQH11 ngày 03/3/2006, Nghị quyết 794/2009/NQ-UBTVQH12 ngày 22/6/2009, Nghị quyết 670a/2013/NQ-UBTVQH13 ngày 14/10/2013.
2.4. Hệ thống Chuẩn mực KTNN và các văn bản QPPL của KTNN
Trong phạm vi thẩm quyền, Tổng KTNN đã ban hành hơn 40 văn bản quy phạm pháp luật để quy định chi tiết hướng dẫn Luật KTNN, như: Hệ thống Chuẩn mực KTNN gồm (39 Chuẩn mực hướng dẫn chuyên môn và 01 danh mục thuật ngữ sử dụng trong Hệ thống chuẩn ực KTNN); Quy trình kiểm toán chung, các quy trình kiểm toán lĩnh vực ngân sách, doanh nghiệp nhà nước và đầu tư dự án; Quy chế tổ chức và hoạt động của đoàn kiểm toán; Hệ thống hồ sơ mẫu biểu kiểm toán; Quy chế tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ… làm cơ sở để quản lý, điều hành các hoạt động của ngành theo hướng minh bạch, công khai, chuyên nghiệp và chính quy hóa, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là nâng cao chất lượng kiểm toán và kiểm soát, quản lý đạo đức nghề nghiệp của Kiểm toán viên nhà nước. Hệ thống Chuẩn mực của KTNN được xây dựng và hoàn thiện theo hướng tuân thủ các chuẩn mực kiểm toán quốc tế của cơ quan Kiểm toán tối cao (ISSAIs)./.
Quyền Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Kiểm toán Nhà nước - Lê Anh Dũng