Trẻ em mồ côi tại Cơ sở bảo trợ xã hội Mái ấm An Lạc được tạo không gian vui chơi, đọc sách
Quan tâm chăm lo cho trẻ em mồ côi
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh Long An có 365.106 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm 18% tổng dân số. Trong đó, có 2.789 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, 12.426 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, 625 trẻ em có hoàn cảnh khác (bị tai nạn, thương tích). Hiện nay, tỉnh có 176 trẻ em là người di cư tự do từ Campuchia về Việt Nam sinh sống trên địa bàn; có 1.488 trẻ em mồ côi, trong đó, có 152 trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ sống với người thân, 1 trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ được chăm sóc thay thế, 141 trẻ mồ côi do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đang sống cùng người thân, còn lại 1.194 trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ.
Toàn tỉnh có 5 cơ sở trợ giúp xã hội chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó, có 1 cơ sở công lập là Trung tâm Công tác xã hội tỉnh có 12 trẻ và 4 cơ sở ngoài công lập, gồm: Cơ sở Bảo trợ xã hội Mái ấm An Lạc (huyện Cần Giuộc) có 53 trẻ, Trung tâm Chăm sóc nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em mồ côi huyện Cần Giuộc (Trung tâm Phoenix) có 13 trẻ, Cơ sở Bảo trợ xã hội chăm sóc trẻ em mồ côi Thanh Bình (huyện Cần Giuộc) có 10 trẻ, Mái ấm Tâm Đức (huyện Đức Hòa) có 14 trẻ.
Không thân thích, máu mủ ruột rà nhưng thời gian qua, hàng trăm trẻ em kém may mắn, bị người thân bỏ rơi được các trung tâm bảo trợ xã hội nhận nuôi dưỡng, bảo bọc. Các mái ấm này đã giúp những đứa trẻ bất hạnh cảm nhận được tình yêu thương trong ngôi nhà chung, sống vui vẻ, quên dần tuổi thơ bất hạnh.
Tọa lạc trong khuôn viên chùa Pháp Tánh (xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc), Cơ sở Bảo trợ xã hội Mái ấm An Lạc là nơi nuôi dưỡng 53 trẻ mồ côi, cơ nhỡ từ 1-11 tuổi. Mỗi em là một số phận, hoàn cảnh khác nhau được đưa vào cơ sở để chăm sóc, dưỡng nuôi.
Vừa cất tiếng khóc chào đời, em Trần Tường An đã bị bỏ rơi, được Mái ấm An Lạc cưu mang, nuôi nấng, dạy bảo. Đến nay, An chuẩn bị lên lớp 5. Em sống hòa đồng, chăm chỉ học tập và biết yêu thương, giúp đỡ các em nhỏ có hoàn cảnh như mình.
Em An chia sẻ: “Con được các “mẹ” ở cơ sở nuôi dưỡng, cho ăn no, cho học hành. Đây là ngôi nhà của con. Con luôn được các “mẹ” nhắc nhở phải cố gắng học hành để sau này có một cái nghề nuôi sống bản thân và sống có ích cho xã hội”.
Phó Giám đốc Cơ sở Bảo trợ xã hội Mái ấm An Lạc - Trần Thị Lũy cho biết: “Phần lớn trẻ em ở mái ấm đều bị bỏ rơi khi vừa được 1 ngày tuổi, sau khi nhận nuôi, cơ sở làm khai sinh, đặt tên. Sau đó, mái ấm phối hợp các bệnh viện khám sàng lọc bệnh tật để có phương án chăm sóc phù hợp với từng trường hợp cụ thể. Với những trẻ có khả năng học tập, cơ sở phối hợp các trường trên địa bàn để các cháu được đi học. Hiện mái ấm có 20 em đang đi học. Để các em sống trong môi trường an toàn, lành mạnh và phát triển toàn diện, vào các ngày lễ, tết, cơ sở đều tổ chức các hoạt động vui chơi, tổ chức cho các em đi siêu thị, tham quan, du lịch,... nhằm tạo cho các em một gia đình ấm áp, tràn đầy yêu thương”.
Các cấp, các ngành cùng vào cuộc
Huyện Cần Đước hiện có 38.128 trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó, có 14.702 trẻ em dưới 6 tuổi, có 328 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo Luật Trẻ em 2016, tập trung vào 3 nhóm đối tượng chính là trẻ em mồ côi, trẻ em thuộc diện khuyết tật và trẻ em mắc bệnh nan y.
Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cần Đước - Lê Hoàng Vũ thông tin, 6 tháng đầu năm 2023, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em được các cấp, các ngành trong huyện quan tâm, thực hiện hiệu quả, bảo đảm đầy đủ các quyền cơ bản của trẻ em; đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động chăm lo cho trẻ em nghèo. Theo đó, Phòng tiếp nhận và tổ chức trao 1.700 phần quà cho trẻ em với tổng kinh phí khoảng 1 tỉ đồng.
Đoàn Thanh niên xã Long Sơn, huyện Cần Đước tặng quà cho trẻ em nghèo
“Thời gian qua, các đoàn thể trên địa bàn huyện tập trung huy động các nguồn lực xã hội và tổ chức nhiều mô hình nhằm hỗ trợ trẻ em, học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Qua đó, góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của huyện trong tình hình mới” - ông Lê Hoàng Vũ thông tin thêm.
Bí thư Đoàn xã Long Sơn, huyện Cần Đước - Nguyễn Huỳnh Trung Hòa cho biết, thời gian qua, Đoàn xã thực hiện nhiều mô hình như Cà phê Đoàn, Bong bóng yêu thương,... nhằm gây quỹ hỗ trợ, chia sẻ với học sinh nghèo đang gặp khó khăn trên địa bàn xã. Theo đó, đoàn viên, thanh niên của xã tổ chức bán bong bóng, cà phê,... sau đó, tổng hợp lại số tiền thu được để tặng quà cho các em.
Đoàn Thanh niên xã Long Sơn, huyện Cần Đước thực hiện mô hình Cà phê Đoàn gây quỹ giúp trẻ em nghèo
“Những phần quà tuy có giá trị không lớn nhưng góp phần tiếp sức cho các em vượt qua khó khăn, phấn đấu học tập để có tương lai tươi sáng hơn” - anh Hòa chia sẻ.
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp mà hoạt động huy động nguồn lực thực hiện các chương tình hỗ trợ, bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh ngày càng hiệu quả. Công tác giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho trẻ em cũng được cải thiện đáng kể; đời sống văn hóa, tinh thần, vui chơi, giải trí, phúc lợi xã hội và các quyền dành cho trẻ em ngày càng được nâng lên./.
Bùi Tùng