Tiếng Việt | English

07/06/2023 - 08:45

Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Sự phát triển mạnh mẽ của Internet và các thiết bị thông minh đã mở ra nhiều cơ hội để trẻ em học tập, giải trí và tìm hiểu thế giới khi có thể dễ dàng tìm kiếm, tiếp cận những thông tin hữu ích. Bên cạnh những lợi ích thiết thực, vẫn còn đó những tác động tiêu cực từ các thông tin xấu, độc lan truyền trên mạng; các nguy cơ tiềm ẩn hay “cạm bẫy” khó nhận biết do trẻ em chưa có đủ kỹ năng để tự bảo vệ mình khi tham gia hoạt động trên không gian mạng. Do đó, việc tạo ra môi trường mạng lành mạnh, trang bị kỹ năng số để trẻ em nhận biết và sử dụng Internet an toàn là vô cùng cần thiết.

Để bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ ngày càng nhiều trên không gian mạng, Quốc hội đã ban hành Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, Luật Trẻ em năm 2016, Luật An ninh mạng năm 2018,… Gần đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 830/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025”, với những mục tiêu chung, nhiệm vụ và trách nhiệm cụ thể của từng bộ, ngành, hướng tới bảo vệ trẻ em khỏi các tác động tiêu cực từ không gian mạng.

Theo báo cáo của UNICEF công bố ngày 03/8/2022, 82% trẻ em Việt Nam trong độ tuổi 12-13 có sử dụng Internet và con số này tăng lên 93% đối với trẻ từ 14-15 tuổi. Điều này cho thấy mức độ tham gia các hoạt động trên không gian mạng của trẻ em ở Việt Nam là rất lớn.

Việc sử dụng, tham gia các hoạt động trên Internet gia tăng khiến trẻ em phải đối mặt với nhiều “cạm bẫy”, rủi ro, phổ biến như tiếp cận với thông tin độc hại (bạo lực, khiêu dâm, ma túy, các hành vi tiêu cực,…) làm lệch lạc suy nghĩ, lối sống, sự phát triển; bị phát tán thông tin riêng tư, gây ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống của trẻ; bị bắt nạt trực tuyến dưới nhiều hình thức khác nhau; sử dụng quá mức, trở nên nghiện Internet dẫn đến rơi vào cuộc sống không thực tế, bị ám ảnh bởi những hình ảnh trong game, gây ảnh hưởng sức khỏe, tinh thần và rất khó để cai nghiện;...

Theo số liệu của Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2022, Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em (Tổng đài 111) đã ghi nhận gần 370.000 cuộc gọi đến, với gần 28.000 cuộc gọi được lập hồ sơ và trên 1.500 ca can thiệp hỗ trợ. Trong số này, có 419 cuộc gọi báo cáo về hoạt động xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Cục Trẻ em đã 21 lần can thiệp xử lý những trường hợp này. Có thể thấy, đây là những con số báo động khẩn về vấn đề bảo vệ trẻ em trước những thông tin độc hại trên không gian mạng hiện nay.

Hầu hết trẻ em chưa được trang bị đầy đủ kiến thức để tự bảo vệ mình trên môi trường mạng. Do đó, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của trẻ về sử dụng Internet và mạng xã hội an toàn có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Các trường học, cơ sở bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ em cần định kỳ tổ chức chương trình tuyên truyền, giáo dục kiến thức, kỹ năng cần thiết cho trẻ em để tham gia môi trường mạng an toàn. Đặc biệt, giải pháp quan trọng nhất là tăng cường vai trò của gia đình và trường học trong việc huấn luyện, giám sát, hướng dẫn trẻ em sử dụng mạng an toàn; biết cách sử dụng các tiện ích, ứng dụng cũng như nhận biết những thông tin, đường link, video độc hại, không phù hợp. Hơn ai hết, cha mẹ chính là những người “gác cổng”, “lá chắn” cho trẻ nên cần chủ động tìm hiểu, áp dụng các giải pháp về công nghệ để kiểm soát thông tin cá nhân của trẻ, giúp các em hoạt động lành mạnh trên môi trường mạng.

Tháng hành động Vì trẻ em năm nay có chủ đề “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em” với các hoạt động, chương trình hành động cụ thể của các cấp, các ngành, địa phương và toàn xã hội nhằm tiếp tục xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh để thực hiện đầy đủ các quyền trẻ em và bảo đảm trẻ em được phát triển toàn diện. Hy vọng, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong việc tuyên truyền, giáo dục sẽ giúp trẻ em nâng cao nhận thức về sử dụng mạng an toàn, từ đó các em có thể tự nhận biết và phân biệt để bảo vệ chính mình trên môi trường mạng./.

Thanh Tuyền

Chia sẻ bài viết