Tiếng Việt | English

03/06/2022 - 08:28

Chung tay bảo vệ trẻ em

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, nhiều địa phương trong tỉnh đã tổ chức Lễ phát động Tháng hành động Vì trẻ em năm 2022 với chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em”. Đây cũng là dịp các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và các hộ gia đình đánh giá lại công tác trẻ em và có nhiều hoạt động chăm lo cho trẻ em.

Thời gian qua, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống. Ở nhiều gia đình, chất lượng cuộc sống bị giảm sút do thu nhập giảm vì dịch bệnh. Cùng với đó, tình hình giá cả các loại hàng hóa, nhiên liệu, nguyên liệu, thực phẩm,... tăng cao tạo sức ép lên đời sống từng gia đình, nhất là công nhân, lao động. Điều này đã kéo giảm đi điều kiện, khả năng chăm lo cho trẻ em, làm tăng số trẻ em bị bỏ rơi, bạo hành. Đặc biệt, dịch bệnh đã làm cho nhiều trẻ em rơi vào hoàn cảnh mồ côi cha, mẹ, thiếu nơi nương tựa. Trong đợt dịch lần thứ 4, Long An là một trong những “tâm dịch” của cả nước, đã có 141 trẻ em phải mồ côi do Covid-19,...

Trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, chúng ta dễ dàng bắt gặp thông tin về trẻ em bị bạo hành, xâm hại tình dục, thương vong vì tai nạn giao thông, chết do đuối nước,... gây nhức nhối, bức xúc xã hội, làm đau lòng những người yêu trẻ.

Theo thống kê của Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), 3 tháng đầu năm 2022, cả nước có 147 trẻ bị xâm hại, tăng 30 em so với quí I-2021, trong đó có các trường hợp bị bạo lực, xâm hại tình dục, bắt cóc, mất tích hoặc bỏ rơi,...; Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã tiếp nhận hơn 202.000 cuộc gọi, tư vấn khoảng 10.600 ca (tăng hơn 45% so cùng kỳ năm 2021).

Điều đáng buồn, đáng lo là trẻ em bị xâm hại, bạo lực ngay chính trong gia đình mình, cộng đồng mình đang sinh sống, do chính những người thân yêu của mình hay láng giềng gây ra.

Bên cạnh đó, nhiều trẻ em ở độ tuổi học sinh, bị cha mẹ tạo áp lực tâm lý lớn bởi “bệnh thành tích” kỳ vọng con mình trở thành siêu nhân, đã gây ra những hệ lụy hết sức đau lòng.

Ngoài ra, đời sống khó khăn cũng khiến nhiều trẻ em ở gia đình nghèo sớm rời bỏ trường lớp, vào đời sớm, lao động sớm giúp gia đình có thêm thu nhập. Các em này rất dễ trở thành nạn nhân của tình trạng bạo hành và có một tương lai không thể tươi sáng. Sự thiếu quan tâm của gia đình cũng làm cho nhiều trẻ rơi vào tình trạng nghiện game, nghiện hút, rồi trộm cắp, vi phạm pháp luật,... Tương lai của các em nhuộm màu đen u ám.

Kỷ niệm Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 và tổ chức Tháng hành động Vì trẻ em hàng năm là dịp nhắc các cấp, ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị, các gia đình nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tăng cường công tác phối hợp “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em”. Hệ thống chính trị và toàn xã hội cần quan tâm, tích cực thực hiện các biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp để bảo vệ trẻ em; thúc đẩy phong trào toàn dân bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; tạo điều kiện để mọi trẻ em có một cuộc sống an toàn trong môi trường thân thiện, được chăm sóc, bảo đảm các quyền theo luật định.

Dịp này, các cấp, các ngành có thể vận động mạnh thường quân quan tâm giúp đỡ các em về mọi mặt như tặng nhà, quà, học bổng, phương tiện, dụng cụ học tập, chăm sóc sức khỏe, tổ chức các lớp dạy kỹ năng cho trẻ, nhất là kỹ năng phòng, chống đuối nước. Đặc biệt, xã hội nên dành sự quan tâm, tình yêu thương đối với trẻ em mồ côi do Covid-19,...

Các ngành chức năng nên tăng cường giáo dục, hướng dẫn phụ huynh và trẻ em xây dựng ngôi nhà an toàn, cộng đồng an toàn, xã hội an toàn cho trẻ. Cần nghiêm trị những người bạo hành, xâm hại trẻ em.

Dành tình cảm, sự quan tâm chăm sóc, giáo dục trẻ em là cách tốt nhất để phòng, chống bạo lực trẻ em. Trong đó, gia đình phải thực sự là mái nhà bình yên và yêu thương của trẻ. Và “hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em!”./.

Kim Quy

Chia sẻ bài viết