Mô hình trồng dưa lưới của ông Nguyễn Hồng Quang (xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành) mang lại hiệu quả kinh tế cao
Mạnh dạn chuyển đổi
Sau nhiều năm trồng thanh long nhưng hiệu quả kinh tế không cao, ông Nguyễn Hồng Quang (xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành) tìm hiểu và chuyển đổi trồng dưa lưới trong nhà màng, ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt.
Sau khi nghiên cứu, học hỏi kỹ thuật, ông đầu tư gần 500 triệu đồng thi công 5 nhà màng với diện tích khoảng 0,5ha trên đất trồng thanh long kém hiệu quả. Ông Quang cho biết: “Dưa lưới sau khi trồng khoảng 75 ngày sẽ cho thu hoạch. Sau mỗi vụ thu hoạch thì ngưng khoảng 2 tuần để vệ sinh và có thể sản xuất liên tục 4 vụ/năm mà không phụ thuộc điều kiện thời tiết”. Ông Quang vừa mở rộng đầu tư thêm 1 nhà màng với diện tích 0,2ha, trồng xen canh giữa các giai đoạn phát triển của dưa lưới để có nguồn thu hoạch liên tiếp.
Nhờ chăm sóc đúng quy trình nên dưa lưới phát triển tốt. Mỗi trái dưa lưới đến kỳ thu hoạch nặng khoảng 2kg, năng suất ước đạt 6 tấn/0,1ha, giá bán từ 25.000-30.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, ông có lợi nhuận khoảng 40 triệu đồng/vụ/nhà màng. Tính tổng số vụ gieo trồng trong năm thì lợi nhuận khoảng 160 triệu đồng/0,1ha.
Ông Quang chia sẻ: “Chú trọng sản xuất sạch nên tôi sử dụng các chế phẩm sinh học từ tinh dầu sả để phòng trừ các loại sinh vật gây hại dưa lưới. Sau khi thu hoạch, tôi tận dụng dây, lá dưa lưới ủ thành phân hữu cơ để bón cho vườn cây thanh long. Bên cạnh đó, nhờ sự hướng dẫn của ngành Nông nghiệp huyện, dưa lưới được công nhận đạt chuẩn OCOP. Qua đó, giúp xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị dưa lưới”.
Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, từ năm 2022 đến nay, diện tích chuyển đổi cây trồng từ lúa, thanh long sang rau màu trên địa bàn huyện là 162ha và trồng cây lâu năm hơn 672ha.
Với mục tiêu gia tăng giá trị canh tác, từng bước cải thiện, nâng cao thu nhập cho nông dân, huyện Châu Thành tập trung lãnh đạo, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Bên cạnh những loại cây trồng chủ lực như thanh long, lúa, dưa hấu, huyện còn phát triển các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao như dưa lưới, đu đủ, mãng cầu,... Cùng với đó, Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông và nâng cấp kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân sản xuất theo hướng công nghệ cao, khép kín, có giá trị kinh tế lớn.
Những năm gần đây, nông dân huyện Vĩnh Hưng cũng mạnh dạn cải tạo vườn tạp và diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, thích ứng với thị trường như cam, bưởi, sầu riêng,...
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Hưng - Trần Văn Bằng thông tin: Huyện được tỉnh giao chỉ tiêu đến năm 2025 xây dựng vùng cây ăn trái với diện tích 2.250ha. Huyện phối hợp các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi những diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang những loại cây có hiệu quả kinh tế cao hơn. Đến nay, toàn huyện có trên 443ha cây ăn trái, chủ yếu là bưởi, sầu riêng, cam sành, xoài, ổi, mãng cầu, chanh,...
Đến thăm vườn cam sành gần 10ha, hơn 5 năm tuổi của anh Hà Quang Hà (xã Thái Trị, huyện Vĩnh Hưng), thấy từng chùm cam trĩu quả trên cành, ai cũng xuýt xoa. Đây là năm thứ 3 vườn cam cho trái. Những vụ thu hoạch trước, vườn cam của anh đều cho năng suất cao, trong đó, mùa đạt năng suất cao nhất gần 100 tấn/ha, giá bán trung bình từ 12.000-14.000 đồng/kg giúp anh có lợi nhuận hàng chục tỉ đồng.
Anh Hà cho biết: “Tôi thuê đất trồng cam đã hơn 5 năm. Theo tôi, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương rất phù hợp với loại cây này. Tuy nhiên, vấn đề giá và đầu ra còn khá khó khăn, chủ yếu phụ thuộc vào thương lái. Tôi đang tích cực phối hợp ngành chức năng để tìm đầu ra bền vững cho vườn cam của mình”.
Cần chuyển đổi đúng định hướng
Thông tin từ Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh, ước kết quả chuyển đổi cây trồng từ lúa sang cây trồng hàng năm và cây ăn trái trên địa bàn tỉnh năm 2023 khoảng 8.252ha, trong đó, chuyển đổi sang cây hàng năm khoảng 7.596ha, chủ yếu là dưa hấu 5.357ha, bắp 309ha, đậu phộng 245ha, cỏ voi 575ha, khoai mì 644ha, mè 465ha,... và chuyển đổi sang trồng cây lâu năm 656ha, chủ yếu là chanh (201ha), khóm (150ha), dừa (65ha), mai vàng (50ha), mít (120ha), sầu riêng (50ha), xoài (10ha),...
Nhìn chung, hiệu quả kinh tế từ các mô hình chuyển đổi sang trồng cây ăn trái như chanh, mít, sầu riêng,... đều có lợi nhuận cao, từ 20-150 triệu đồng/ha (tùy mô hình). Riêng mô hình trồng sầu riêng, nông dân có lợi nhuận cao hơn, từ 400-600 triệu đồng/ha do giá sầu riêng năm nay cao hơn những năm trước, dao động từ 65.000-90.000 đồng/kg.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền cho biết: Nhằm chuyển đổi cây trồng an toàn, hiệu quả, phù hợp với quy hoạch, ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo các địa phương vận động người dân chỉ chuyển đổi và phát triển các loại cây ăn trái theo đúng quy hoạch kết hợp phát triển hạ tầng tương ứng, bảo đảm tính thích nghi với điều kiện đất đai, nước tưới.
“Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp tỉnh cũng khuyến cáo nông dân tập trung duy trì mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, nâng cao hơn nữa chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị gia tăng, chuẩn hóa quy trình sản xuất từ lúc canh tác, thu hoạch đến chế biến, vận chuyển và phân phối. Ngoài ra, nông dân không nên tự ý chuyển đổi một cách ồ ạt vì sẽ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu; đồng thời, chất lượng, sản lượng không bảo đảm sẽ gây nhiều thiệt hại cho người trồng” - ông Nguyễn Thanh Truyền cho biết thêm./.
Bùi Tùng