Tiếng Việt | English

19/06/2020 - 14:00

Chuyện đời, chuyện nghề của những nữ nhà báo

Chọn theo nghề báo là chọn một công việc áp lực, vất vả và có phần nguy hiểm. Sẽ có những thời điểm, nhiều gia đình được quây quần bên nhau thì những nữ nhà báo lại đang cùng đồng nghiệp trên hành trình làm nhiệm vụ. Điều đó đòi hỏi người làm báo, đặc biệt là nữ nhà báo phải có một “hậu phương” vững chắc hoặc là một tình yêu nghề cháy bỏng để theo đuổi công việc của mình.

Đã “say nghề” thì nắng, mưa không còn là vấn đề đáng kể với nữ phóng viên (Trong ảnh: Nhà báo Thanh Thủy trong một lần tác nghiệp)
Đã “say nghề” thì nắng, mưa không còn là vấn đề đáng kể với nữ phóng viên (Trong ảnh: Nhà báo Thanh Thủy trong một lần tác nghiệp)

1.  Nở nụ cười tươi, nhà báo Thanh Thủy (Đài Phát thanh - Truyền hình Long An) cho biết: “Mọi người thường nghĩ, phụ nữ chọn nghề báo thì vất vả, thiệt thòi nhưng tôi lại thấy mình may mắn, bởi được sống với nghề yêu thích, có một gia đình trọn vẹn”. Mỗi ngày, sau khi kết thúc công việc, chị luôn tranh thủ về nhà sớm nhất có thể, bởi “hoàng tử bé” đang đợi ở nhà. Mỗi ngày nghe tiếng con bập bẹ, chị như được “sạc” đầy năng lượng. Buổi tối, trước khi ngủ, hai mẹ con lại gọi video cho cha, cả gia đình gặp nhau qua thiết bị công nghệ. Chị Thủy kể, vì con chưa đến tuổi tới trường nên chị đưa con về ngoại sống tạm, nhờ bà chăm sóc để chị an tâm đi làm. Ông xã vẫn ở nhà, một tuần đôi lần sắp xếp thời gian về ngoại thăm hai mẹ con. 

Yêu nghề báo đã lâu nên chị chọn học ngành báo chí và về làm việc tại Đài Phát thanh - Truyền hình Long An. Được làm công việc mình yêu thích là niềm hạnh phúc của chị. Do đó, những vất vả trong nghề, chị xem như “gia vị” cho cuộc sống thêm thú vị. Là nhà báo, việc đi nhiều, viết nhiều là điều không thể nào tránh khỏi. Những chuyến về Đồng Tháp Mười, miền biên giới,… trở thành quen thuộc. Bất kể nhân vật ở vùng sâu, vùng xa hay biên giới, chị và ê kíp đều sẵn sàng “xách máy lên và đi”. Những chuyến đi sớm, về trễ cũng không còn xa lạ, lắm lúc nghĩ đến con, chị có chút chạnh lòng. 

Với chị Thủy, được sống cùng công việc mình yêu thích là một niềm hạnh phúc. Hiểu được tính chất công việc của vợ, chồng chị luôn tạo mọi điều kiện cho vợ được theo đuổi đam mê. Những ngày chị mang thai, thấy vợ vẫn có những chuyến đi xa, dù xót nhưng chồng chị chưa một lần ngăn cản, chỉ nhẹ nhàng nhắc chị nên cẩn thận trong quá trình tác nghiệp. Chị Thủy chia sẻ: “Tôi nhận được sự hỗ trợ không chỉ từ phía gia đình mà còn từ lãnh đạo đơn vị và đồng nghiệp. Những ngày tôi mang thai, anh chị em trong đơn vị đã hỗ trợ, gồng gánh công việc. Nhờ vậy, tôi mới có thể hoàn thành nhiệm vụ và có điều kiện chăm sóc sức khỏe”.

Trở lại công việc sau thời gian nghỉ hậu sản, chị thường tranh thủ làm việc không nghỉ trưa để có thể về với con sớm hơn một chút vào buổi chiều. Những ngày “trái gió, trở trời”, con bệnh là thời điểm khó khăn nhất của bà mẹ trẻ. Đó là tâm sự và cảm nhận chung của những nữ nhà báo, trong quá trình nỗ lực cân bằng cuộc sống và công việc.

Nhà báo buộc phải đến cơ sở thu thập tư liệu (Trong ảnh: Nhà báo Ngọc Mận trong một lần đi tác nghiệp)

Nhà báo buộc phải đến cơ sở thu thập tư liệu (Trong ảnh: Nhà báo Ngọc Mận trong một lần đi tác nghiệp)

2.  Nhìn lại 10 năm làm báo của mình, nhà báo Ngọc Mận (Báo Long An) gọi đó là “hành trình thử thách lòng yêu nghề”. Với chị, đó là khoảng thời gian hết sức khó khăn khi con còn quá nhỏ, gia đình đơn chiếc. Chồng thường có những chuyến công tác xa nhà, cha mẹ ruột đã mất, còn cha mẹ chồng ở xa, một mình chị “cân” cả gia đình và công việc. 

Mỗi lần đi công tác, dù quãng đường xa đến mấy, chị cũng không dám dừng nghỉ chân, bữa trưa ăn qua quýt và vội vã để công việc hoàn thành sớm, kịp giờ về đón con. Tư liệu thu thập được chỉ có thể xử lý vào buổi tối, khi con đã ngủ. Chị kể: “Tôi có thuê người giữ con để an tâm đi làm. Hôm nào về trễ, tôi gọi điện thoại nhờ bà chăm con thêm vài tiếng nhưng lòng thì như lửa đốt. Vì sáng nào tạm biệt mẹ, con cũng dặn “mẹ nhớ về sớm đón con nhe””.

Ngày đi, đêm viết, những chuyến công tác xa với nắng gió, mưa mùa là điều không thể tránh khỏi đối với người chọn làm nghề báo. Nhà báo buộc phải đến cơ sở thu thập tư liệu. Đó là một công việc được đánh giá vất vả, có phần nguy hiểm, cũng là khó khăn với nữ nhà báo khi phải rong ruổi khắp các chặng đường. Nhưng khi đã “say nghề” thì nắng, mưa không còn là vấn đề đáng kể.

Có những ví von rằng, nghề báo là nghề nghiệp mang tính “bào mòn nhan sắc” rất cao. Nhưng đã chọn nghề và lỡ yêu nghề thì với các nữ nhà báo, những điều đó trở nên bình thường. Nghề nghiệp nào cũng có đặc thù riêng với những vất vả và khó khăn nhất định nhưng bên cạnh cũng có những niềm vui và lợi thế riêng. Những nữ nhà báo cũng vậy, họ quyết định chọn và yêu nghề nghĩa là chấp nhận tất cả những khó khăn, vất vả của nghề khi “cân” cả gia đình và công việc./.

Phương Phương

Chia sẻ bài viết