Tiếng Việt | English

21/01/2019 - 23:55

Chuyên gia Italy: EVFTA mở đầu kỷ nguyên mới của hợp tác Việt Nam-EU

Các quan chức Italy cho rằng EVFTA giữa Việt Nam và 28 thành viên EU có thể đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới trong quan hệ thương mại giữa hai bên.

Sản xuất may mặc tại Công ty Far Eastern New Apparel Việt Nam-Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú, tỉnh Bình Phước. (Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN)

Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Turin, Italy, đồng thời là Giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Italy-Việt Nam, bà Sandra Scagliotti, và Chủ tịch Phòng Thương mại Italy–Việt Nam, ông Fulvio Albano, mới đây đã trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Italy về Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và những tác động tích cực của Hiệp định tới doanh nghiệp Italy. 

Về tác động của EVFTA đối với Việt Nam và châu Âu cũng như những lợi thế mà hiệp định này mang lại cho các doanh nghiệp của Italy, hai chuyên gia trên cho rằng EVFTA, hiệp định thương mại tự do "thế hệ mới" giữa Việt Nam và 28 thành viên Liên minh châu Âu (EU), có thể đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới trong quan hệ thương mại giữa hai bên. Các bước đàm phán và xem xét về mặt pháp lý đã được hoàn thành đối với Hiệp định thương mại tự do và Hiệp định về bảo hộ đầu tư. Hiệp định đã bước vào giai đoạn chờ Hội đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu ký kết và phê chuẩn.

Điều này dự kiến sẽ cho phép EVFTA có hiệu lực vào giữa năm 2019 và mở ra một giai đoạn mới trong việc nâng cao hiệu quả hợp tác và cùng nhau phát triển của hai nền kinh tế. Những lợi thế mà Hiệp định mang lại là rất lớn đối với cả Việt Nam và các nhà đầu tư của EU, trong đó có cả Italy. EVFTA được đánh giá là Hiệp định “cùng thắng” (Win-Win) cho cả hai bên và tạo ra hiệu ứng tích cực mạnh mẽ cho doanh nghiệp và cho các kế hoạch đầu tư dài hạn.

Trong thời gian qua, đã có nhiều cuộc hội thảo được tổ chức ở nhiều nước châu Âu để làm rõ tiềm năng to lớn của hiệp định này và tạo ra tác động nhất định lên Nghị viện châu Âu sớm phê chuẩn. Tại Pháp, dưới sự bảo trợ của Hội Hữu nghị Pháp-Việt Nam, một hội thảo được tổ chức gần đây đã quy tụ các chính trị gia, nhà sử học và chuyên gia về các vấn đề kinh tế, pháp lý. Tại Italy, kể từ tháng 11/2018, Trung tâm Khoa học và Văn hóa Italy-Việt Nam (Polo) đã chuẩn bị cho một loạt các hội thảo nhằm khẳng định tính ưu việt của thỏa thuận này mà qua đó sẽ tạo điều kiện trao đổi, hợp tác giữa Việt Nam và các nước châu Âu thông qua việc đơn giản hóa thủ tục hải quan đối với một số sản phẩm, công nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý và áp dụng các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường. 

Châu Âu không thể đánh giá thấp thực tế rằng Việt Nam là một nền kinh tế quan trọng ở Đông Nam Á. Nhờ sự ổn định chính trị và các chính sách mở cửa thu hút đầu tư, Việt Nam đã vươn lên trong bảng xếp hạng “kinh doanh” của Ngân hàng Thế giới (WB). Tỷ lệ đô thị hóa tại Việt Nam hiện đang tăng một cách nhanh chóng với số lượng người dân tại các thành phố vào năm 2015 chiếm tới 34% tổng dân số (con số này vào năm 1990 chỉ vào khoảng 19%) cho thấy tiềm năng to lớn của thị trường Việt Nam. 

Thương hiệu “Made in Italy” được đánh giá cao ở Việt Nam, và ngày nay, nhu cầu xây dựng và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, những lĩnh vực mà Italy có thế mạnh, đang phát triển mạnh mẽ và nhiều lĩnh vực khác cũng đang chiếm được sự quan tâm của các công ty Italy. Mặc dù Italy đi sau so với các nước châu Âu khác, song đây vẫn là những cơ hội mà Italy phải nắm bắt một cách tuyệt đối và phải nhanh chóng thực hiện. 

Theo nội dung của Hiệp định EVFTA, có tới trên 99% thuế quan đối với hàng hóa giao thương giữa Việt Nam và EU sẽ được dỡ bỏ. Đối với nội dung này, có ý kiến cho rằng, việc EU xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với một loạt các sản phẩm nông nghiệp, trong đó có các sản phẩm gạo và đường, sẽ khiến các nhà sản xuất lúa gạo Italy ở vào thế bất lợi. Tuy nhiên ý kiến này là không có cơ sở. EVFTA được xây dựng trên cơ sở có đi có lại, và chắc chắn sẽ không gây hại cho tình hình thị trường ở Italy hoặc ở các nước sản xuất gạo khác ở châu Âu. Trong tất cả các cuộc đàm phán đều có sự thống nhất của cả hai bên và mỗi bên đều có những lợi thế riêng trong xuất khẩu sản phẩm. Các nhà sản xuất của Italy nên nghĩ tới thị trường 90 triệu dân của Việt Nam. Đó là cơ hội chứ không phải là mối đe dọa. 

Đánh giá về cơ hội của các doanh nghiệp Italy trong EVFTA, ông Fulvio Albano nêu rõ Italy là một trong những quốc gia châu Âu đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam và luôn là một trong những đối tác chính của Việt Nam thông qua mối quan hệ hữu nghị và đối thoại cởi mở. Trong những năm gần đây, quan hệ song phương đã trải liên tục được đẩy mạnh. Với việc xóa bỏ 99% thuế quan đối với hàng hóa giao thương giữa hai bên, EVFTA sẽ tạo thuận lợi và mở ra một sân chơi bình đẳng cho các công ty châu Âu hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu và đầu tư.

Xưởng hàn khung xe ôtô tại Công ty TNHH Ford Việt Nam, tỉnh Hải Dương. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Đứng trước cơ hội mà EVFTA mạng lại, các doanh nghiệp Italy cần phải hành động nhanh chóng để nắm bắt cơ hội này vì khi thuế quan giảm dần cũng sẽ hấp dẫn các đối thủ châu Âu khác. Các công ty Italy cần hiện diện càng sớm càng tốt tại Việt Nam và thúc đẩy quảng bá sản phẩm trên thị trường mới này. Lợi thế cạnh tranh của “Made in Italy” là một thực tế, nhưng các doanh nghiệp Italy không được tự “ru ngủ” mình bằng ảo tưởng. Italy cần có các bước đi phù hợp để thu hẹp khoảng cách với các quốc gia châu Âu khác năng động hơn. 

Nhiều mặt hàng xuất khẩu chính của Italy như máy móc, thiết bị, hàng da, hóa dược phẩm, dệt may và thực phẩm… có thể được hưởng lợi rất nhiều từ hiệp định. Hơn nữa, các công ty lớn của Italy đều hài lòng với thị trường Việt Nam. Họ đã tăng dần đầu tư ban đầu và xác định lựa chọn Việt Nam là nơi sản xuất và là trung tâm cho các thị trường trong khu vực. 

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, Jean-Claude Juncker từng nhận định “các hiệp định thương mại và đầu tư với Việt Nam tạo ra một mô hình cho chính sách thương mại của châu Âu”. Rõ ràng lợi ích sẽ là chưa từng có đối với các doanh nghiệp và cho người tiêu dùng. Ngoài ra, EVFTA cũng sẽ có thể tăng cường hơn nữa quan hệ song phương Italy–Việt Nam./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết