Tiếng Việt | English

20/01/2018 - 21:48

Chuyện người “yêu” gỗ

Một gốc cây cổ thụ sần sùi hay mảnh gỗ vụn, qua bàn tay của những nghệ nhân điêu khắc gỗ có thể trở thành những tác phẩm nghệ thuật được nhiều người yêu thích.

Bạc tóc với nghề!

Chúng tôi đến gặp nghệ nhân Tư Phi (Trần Văn Phi) ở xã Nhơn Thạnh Trung, TP.Tân An. Ông Tư Phi là lớp nghệ nhân điêu khắc gỗ đầu tiên được công nhận tại Long An. Căn nhà cấp 4 ngổn ngang những gốc cây lớn với nhiều hình thù khác nhau, trong đó, tác phẩm “Cá chép hóa rồng” đang trong giai đoạn hoàn tất. Một số thợ điêu khắc đang tất bật với công việc. Ông Tư Phi hết hướng dẫn người này lại chỉ dạy người kia. Với kinh nghiệm hơn 40 năm, ông trải qua bao thăng trầm của nghề khắc nghiệt và kén người theo đuổi này. Nghệ nhân Tư Phi kể: “Tôi bắt đầu học lớp điêu khắc gỗ từ năm 1979. Lúc đó, lớp tôi có 50 người nhưng đến bây giờ, số người theo nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì đam mê, yêu nghề, mà chắc cũng vì có duyên với nghề nên suốt 40 năm qua, tôi chưa bao giờ bỏ cái dùi, cái đục”.

40 năm là một hành trình không phải ngắn. Để tồn tại đã khó, khẳng định mình trong giới làm nghề càng khó hơn. Giờ đây, nhắc đến nghệ nhân điêu khắc gỗ Tư Phi, người trong giới hầu như ai cũng biết. Từ một khúc gỗ sần sùi, xấu xí, qua bàn tay, khối óc của nghệ nhân bỗng hóa thành những tác phẩm nghệ thuật. Có thể đó là bộ chân bàn hội tụ 12 con giáp, cũng có thể là 9 con cá chép đang tìm kiếm cơ hội hóa rồng hay bộ tứ linh (long, lân, quy, phụng),... Để biến những vật thể vô tri ấy thành những tác phẩm “có hồn” làm say lòng người ngắm, không chỉ đòi hỏi sự khéo léo của nghệ nhân mà còn phải có “mắt nhìn” và khả năng ước đoán chính xác. “Nghệ nhân phải nhìn được dáng cây thích hợp thể hiện nội dung gì để tư vấn cho người chơi gỗ. Nếu không, tác phẩm làm ra sẽ không đạt vì không thể hiện được “cái thần” tự nhiên của gỗ” - nghệ nhân Tư Phi chia sẻ. Nhìn tác phẩm “Cá chép hóa rồng”, ông nói: “Tác phẩm này phải mất mấy tháng mới có thể hoàn thành. Để làm nên một tác phẩm, có khi phải suy nghĩ đến... bạc đầu! Tất cả các sáng tác trên gỗ đều là duy nhất vì không cây gỗ nào giống cây gỗ nào!”.

Dù đầu tư 2 máy chạm khắc tự động CNC nhưng nghệ nhân Võ Văn Út (1 trong 2 nghệ nhân của tỉnh được đề cử Nghệ nhân ưu tú) vẫn miệt mài học hỏi và sáng tác mỗi ngày. (Trong ảnh : Anh Út bên tác phẩm Hoa lan –  tác phẩm đòi hỏi độ tỉ mỉ và tinh xảo cao)

Dù đầu tư 2 máy chạm khắc tự động CNC nhưng nghệ nhân Võ Văn Út (1 trong 2 nghệ nhân của tỉnh được đề cử Nghệ nhân ưu tú) vẫn miệt mài học hỏi và sáng tác mỗi ngày. (Trong ảnh : Anh Út bên tác phẩm Hoa lan –  tác phẩm đòi hỏi độ tỉ mỉ và tinh xảo cao)

Đó cũng là nhận xét của nghệ nhân Võ Văn Út, ngụ xã Phước Lợi, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Bằng tất cả niềm đam mê dành cho nghệ thuật điêu khắc, anh Út không ngừng học hỏi, đào sâu trong lĩnh vực mình theo đuổi. Và để nâng cao tay nghề, nét chạm ngày càng tinh xảo, điều quan trọng nhất với anh Út là sự sáng tạo không ngừng.

Dù đầu tư 2 máy chạm khắc tự động CNC nhưng nghệ nhân Võ Văn Út vẫn miệt mài học hỏi và sáng tác mỗi ngày. Anh chia sẻ: “Máy có thể hỗ trợ tạo ra hàng loạt sản phẩm và rút ngắn được thời gian thực hiện. Tuy nhiên, với những chi tiết khó, máy không thể làm thay con người”. Dùng máy CNC hỗ trợ chạm khắc tượng phục vụ việc kinh doanh, nhưng anh Út vẫn duy trì việc chỉnh sửa, hoàn tất sản phẩm bằng tay sao cho chỉn chu nhất trước khi giao lại khách hàng. Bên cạnh đó, anh còn chăm chỉ sáng tác tượng và tác phẩm mới đều đặn. 2 công việc: Sản xuất tượng và điêu khắc gỗ song song, không thể tách rời. Anh còn tích cực tham gia các cuộc thi sáng tác trong và ngoài tỉnh, xem đó là cơ hội rèn nghề.

Dù đầu tư 2 máy chạm khắc tự động CNC nhưng nghệ nhân Võ Văn Út (1 trong 2 nghệ nhân của tỉnh được đề cử Nghệ nhân ưu tú) vẫn miệt mài học hỏi và sáng tác mỗi ngày (Trong ảnh: Anh Út sáng tác tác phẩm Di lặc kéo bao - tác phẩm mà máy CNC không thể làm được)

Dù đầu tư 2 máy chạm khắc tự động CNC nhưng nghệ nhân Võ Văn Út (1 trong 2 nghệ nhân của tỉnh được đề cử Nghệ nhân ưu tú) vẫn miệt mài học hỏi và sáng tác mỗi ngày (Trong ảnh: Anh Út sáng tác tác phẩm Di lặc kéo bao - tác phẩm mà máy CNC không thể làm được)

Trăn trở giữ nghề

Anh Út nhớ, có thời điểm, gỗ mỹ nghệ bị cấm xuất khẩu, những người làm nghề điêu khắc một phen điêu đứng vì không làm sao tìm được đầu ra. Rồi vì cơm áo gạo tiền, không ít người phải “bỏ rơi” nghề! Như anh Út cũng từng lao đao mấy bận vì nghề. Có ai nghĩ rằng, một nghệ nhân lại có ngày phải chở từng tác phẩm từ nhà lên TP.HCM bán lẻ như... bán rau ngoài chợ!

Nói về vất vả của nghề, anh Nguyễn Văn Thới - nghệ nhân điêu khắc gỗ ở xã Nhơn Thạnh Trung, TP.Tân An, kể: “Thời điểm đó, biết bao nhiêu thợ điêu khắc bỏ nghề về làm ruộng. Còn tôi, có lẽ còn “nợ” nghề nên mới bám trụ được đến bây giờ. Cũng 30 năm rồi!”. Trong 30 năm đó, không ít thăng trầm, khi hợp đồng sản xuất hàng lưu niệm được bảo đảm, thợ làm việc ở xưởng của nghệ nhân Nguyễn Văn Thới có đến vài chục người. Từ khi có biến cố, hợp đồng không còn nhiều thì thợ cũng bỏ đi!

Điêu khắc gỗ là cách gọi chung cho người “kể chuyện” qua những khúc gỗ vô tri. Từ một gốc cây bình dị đến mảnh gỗ vụn, qua bàn tay của nghệ nhân đều có thể khoác lên mình một dung mạo mới mang nhiều ý nghĩa. Cùng là nghệ nhân điêu khắc gỗ nhưng mỗi người có một chọn lựa và hướng đi riêng với nghề. Nghệ nhân Tư Phi theo đuổi sáng tác những tác phẩm lớn trên các gốc, thân gỗ to, tùy vào thế tự nhiên của gỗ mà sáng tác, đa phần đều dựa vào sự khéo léo và sáng tạo của nghệ nhân. Nghệ nhân Võ Văn Út lại định hướng cho mình những tác phẩm mang tính hiện đại, vóc dáng tác phẩm nhỏ, gọn, chú trọng chi tiết tinh xảo, mỏng manh, ứng dụng kỹ thuật và máy móc hiện đại để hỗ trợ. Nghệ nhân Trần Văn Thới lại muốn phát triển nghề theo hướng ghép gỗ thành các sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch. Mỗi người một lựa chọn nhưng đều đối diện với những thăng trầm của nghề điêu khắc gỗ.

Giờ đây, không tìm được đối tác tiêu thụ các sản phẩm trong kho, nghệ nhân Trần Văn Thới chỉ còn cách “nằm im chờ đợi”

Giờ đây, không tìm được đối tác tiêu thụ các sản phẩm trong kho, nghệ nhân Trần Văn Thới chỉ còn cách “nằm im chờ đợi”

Để chứng minh điều đó, nghệ nhân Nguyễn Văn Thới giới thiệu cho chúng tôi kho sản phẩm của anh. Đó là một căn phòng nhỏ với những tác phẩm điêu khắc gỗ. Hầu như tất cả nhân vật hoạt hình của Disney đều có mặt ở đây với nhiều hình thức khác nhau: Móc khóa, đèn trang trí, tượng trang trí,... Bên cạnh là hàng loạt bức tượng nhỏ. Đó đều là tác phẩm của chính anh và những cộng sự thời hoàng kim. Giờ đây, không tìm được đối tác tiêu thụ các sản phẩm trên nên tất cả chỉ còn cách “nằm im chờ đợi”. Anh Thới vẫn đang ấp ủ cho mình kế hoạch vực dậy một ngành nghề truyền thống, kết hợp cũ và mới, nghệ thuật và du lịch để những người thợ yêu nghề có thể yên tâm trở lại với nghề nhưng đó vẫn là câu chuyện của một hành trình dài nỗ lực.

Thiếu vốn đầu tư, thiếu thợ yêu nghề là những khó khăn lớn nhất mà những người điêu khắc gỗ đang đối diện. Nhằm duy trì và phát triển các ngành nghề thủ công mỹ nghệ, Sở Công Thương có nhiều chính sách hỗ trợ các nghệ nhân: Hỗ trợ nghệ nhân truyền nghề, hỗ trợ kinh phí mua sắm máy móc hiện đại, tạo điều kiện giao lưu, trưng bày sản phẩm,... Tuy nhiên, để nghề điêu khắc gỗ tiếp tục phát triển một cách mạnh mẽ, có lẽ cần nhiều hơn nữa các chính sách hỗ trợ cũng như nỗ lực vượt bậc của người làm nghề!

Phương Phương

Chia sẻ bài viết