Tiếng Việt | English

16/07/2015 - 20:43

Chuyển từ hình phạt tiền sang phạt tù bản chất là nhẹ hơn?

Những người nghèo không có khả năng nộp tiền thì họ sẽ bị gánh thêm tội không thi hành án nên phạt tù bản chất là nhẹ hơn.

 Một trong những nội dung mới của Dự thảo bộ luật Hình sự (sửa đổi) vừa được đưa ra lấy ý kiến nhân dân đó là nội dung chuyển đổi từ hình phạt tiền sang hình phạt tù có thời hạn với mục đích để tránh tình trạng người thi hành án chây ỳ không chịu thi hành bản án hình sự.

Có ý kiến cho rằng việc chuyển đổi này có vẻ như đang đi ngược lại với tinh thần của Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp, đó là giảm hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ đối với một số loại tội phạm.

Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự hành chính (Bộ Tư pháp)

Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự hành chính (Bộ Tư pháp), khẳng định chuyển từ hình phạt tiền sang hình phạt tù bản chất là nhẹ hơn. Vì lẽ, với những người nghèo, trường hợp bị phạt tiền nhưng họ không có khả năng nộp tiền thì họ sẽ bị gánh thêm tội không thi hành án. Nhưng nếu chuyển cho họ từ hình thức phạt tiền sang hình phạt tù sẽ nhẹ hơn với họ, vẫn đảm bảo họ phải chịu các biện pháp răn đe của pháp luật, đồng thời bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật.

“Không nên đặt vấn đề chuyển từ hình phạt tiền sang hình phạt tù là nặng hơn, bởi trong xét xử bắt buộc các cơ quan truy tố và tòa phải lựa chọn hình phạt đầu tiên là hình phạt tiền”, bà Thoa nói.

Theo bà Thoa, qua nghiên cứu kinh nghiệm của các nước thấy rằng họ cũng có những quy định rất rõ về việc áp dụng hình phạt tù thay cho hình phạt tiền cũng như các hình thức bồi hoàn, khắc phục khác bằng tiền. Khi áp dụng hình phạt tiền nhưng ấn định một thời gian cụ thể, anh không nộp được thì bị chuyển thành tù, sự chuyển đổi đó được tính theo ngày công lao động.

Bà Thoa cũng nêu rõ, việc đưa nội dung chuyển đổi từ hình phạt tiền sang hình phạt tù vào Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) không phải là học tập kinh nghiệm của thế giới. Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị cũng yêu cầu phải giảm hình phạt tù. Thực tế hiện nay hơn 80% các vụ án hình sự chủ yếu áp dụng hình phạt tù. “Mặc dù luật của ta quy định rất nhiều biện pháp, chế tài nhưng tòa án vẫn cứ thích áp dụng hình phạt tù”, bà Thoa nói.

Bà Thoa chia sẻ thêm, rõ ràng người đi tù về họ bị mất rất nhiều, áp dụng hình phạt tù là quá hà khắc. Nhưng nếu muốn giảm hình phạt tù, tăng các hình phạt khác như kiểu phạt tiền, cải tạo không giam giữ thì cần phải có tính khả thi.

Liên quan đến nội dung chuyển từ hình phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ sang hình phạt tù có thời hạn trong trường hợp người bị kết án không chấp hành án, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XII cho rằng đa số ý kiến của Ủy ban Tư pháp không tán thành với quy định này vì nó không phù hợp với mục tiêu giảm hình phạt tù theo định hướng cải cách tư pháp và khó bảo đảm tính khả thi. Bên cạnh đó, cơ chế, tỷ lệ chuyển từ hình phạt tiền thành hình phạt tù như dự thảo chưa bảo đảm sự thống nhất và tính hợp lý, sẽ khó bảo đảm tính công bằng.

Tuy nhiên cũng có ý kiến tán thành với nội dung này trong trường hợp người bị kết án không chấp hành án để bảo đảm hiệu lực và hiệu quả của loại hình phạt này. Luồng ý kiến này cho rằng, để bảo đảm tính khả thi, trước mắt chỉ nên quy định cho phép chuyển đổi từ hình phạt cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù./.

Thanh Hà/VOV.VN

Chia sẻ bài viết