Cô Nguyễn Thị Tuyết Hoa (bên phải) cùng đồng nghiệp
Tốt nghiệp Đại học Sư phạm năm 1986, cô Tuyết Hoa về Trường THPT Hậu Nghĩa - nơi cô từng học, công tác với nhiều bỡ ngỡ, chưa có kinh nghiệm trong giảng dạy và giáo dục học sinh (HS). Năm 1987, cô đảm nhận nhiệm vụ Bí thư Đoàn trường với những lo lắng không biết làm như thế nào cho tốt.
Đến năm 1992, cô được Ban Giám hiệu nhà trường tin tưởng giao nhiệm vụ Tổ trưởng chuyên môn Hóa học. Vì thế, cô vừa phải cố gắng hoàn thành công việc giảng dạy của mình, vừa phải bảo đảm công việc quản lý tổ chuyên môn nên thời gian đầu gặp nhiều khó khăn.
Cô Tuyết Hoa cho biết: "Sống phải biết đam mê và hết mình cho một mục tiêu, công việc mình yêu thích, như thế mới là sống tốt. Tôi luôn tự nhắc nhở mình sống xứng đáng với những gì thầy cô cho tôi hôm nay và ngọn lửa nhiệt huyết ấy tôi sẽ truyền dạy lại cho thế hệ mai sau. Là tổ trưởng chuyên môn, một tổ ghép môn, các thành viên trong tổ đa số là nữ, tuổi đời, tuổi nghề chênh lệch khá cao, vì thế những năm đầu, tổ của tôi cũng có những bất đồng, bất hòa trong cách nghĩ, cách làm, thậm chí có những xung đột trong chuyên môn. Tôi kiên trì học hỏi những kinh nghiệm trong giải quyết vấn đề từ thầy cô cũ của mình, đồng thời luôn gần gũi, tìm hiểu tâm tư, tình cảm, hoàn cảnh từng người và giải tỏa những mâu thuẫn không nên có. Dần dần mọi người cũng thấu hiểu nhau, đoàn kết, yêu thương, cùng chia sẻ những khó khăn trong mọi việc".
Hơn 25 năm làm tổ trưởng chuyên môn từ tổ ghép môn, tổ không ghép môn, cô Tuyết Hoa không ngừng học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp. Trong quản lý tổ, tùy theo nhiệm vụ, hoàn cảnh từng GV, cô sẽ bố trí công việc phù hợp. Qua những tiết dự giờ, cô cùng những thành viên trong tổ góp ý chân thành để rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân. Cô tự dặn mình phải là "chiếc cầu nối" của những sự yêu thương, thấu hiểu, vui vẻ, sẻ chia.
Ý thức được "Trường học nào có đội ngũ GV dạy giỏi thì nơi đó có nhiều HS giỏi" nên việc học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn được cô Tuyết Hoa đặt lên hàng đầu. Ở tuổi 40, cô tự học, tự ôn luyện và thi đậu vào lớp sau đại học. Mặc dù không được trợ cấp đi học theo tiêu chuẩn Nhà nước quy định nhưng với sự động viên của gia đình, bạn bè và nhất là hình ảnh những HS giỏi, nghèo, vượt khó đang chờ cô "khai sáng" đã thôi thúc cô nỗ lực, phấn đấu hoàn thành lớp học với tấm bằng Thạc sĩ năm 2010.
Một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng giảng dạy của trường phải kể đến phong trào mũi nhọn bồi dưỡng HS giỏi. Đó cũng là ước mơ, hoài bão của cô Tuyết Hoa từ khi mới vào nghề. Trong vòng 5 năm trở lại đây, Tổ chuyên môn Hóa học do cô làm Tổ trưởng có rất nhiều HS giỏi cấp tỉnh, có 3 HS vào đội tuyển của tỉnh dự thi cấp quốc gia môn Hóa học và nhiều HS đoạt giải cao trong các hội thi nghiên cứu khoa học - kỹ thuật cho HS cấp trung học. Tổ chuyên môn của cô nhiều năm liền là một trong những tổ được xếp vị trí đứng đầu để khen thưởng, có nhiều GV đạt Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở được xét nâng lương trước thời hạn như GV giỏi cấp tỉnh, GV sáng tạo,...
Với những cố gắng không ngừng, cô nhận được rất nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, ngành. Đặc biệt, năm 2018, cô được tuyên dương Nhà giáo tiêu biểu toàn quốc. Chia sẻ về việc được tuyên dương Nhà giáo tiêu biểu, cô Tuyết Hoa cho biết: "Tháng 11/2018, cô và cô Huỳnh Thị Huệ - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh chọn ra Hà Nội dự Lễ tri ân - tôn vinh những tấm gương nhà giáo tiêu biểu xuất sắc năm 2018. Đây là những GV không phải là Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, cũng không là nhà giáo ưu tú mà là những GV có cống hiến nhiều cho sự nghiệp giáo dục của tỉnh nhà hoặc có nhiều sáng kiến ứng dụng trong dạy học. Mỗi tỉnh chọn 2 GV theo đúng yêu cầu. Tổng cộng có 183 GV, giảng viên đại học trên cả nước được bình chọn tham dự. Cô may mắn nằm trong số đó. Khi cô nhận bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, được vào Đài Truyền hình Việt Nam (VTV3) xem trực tiếp chương trình về chủ đề Cống hiến và được gặp, nhận quà tặng của Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc, cô khóc nhiều lắm. Cô nghĩ, cô may mắn hơn quý thầy cô cùng trang lứa với mình, vì những thầy cô đó cũng cống hiến một cách thầm lặng nhưng có mấy ai nhớ đến và được vinh danh như cô đâu".
Với mọi người, cô Tuyết Hoa luôn yêu thương, rộng lượng. Nhưng với bản thân mình, cô rất nghiêm khắc, luôn lắng nghe ý kiến từ người khác, không bao giờ tự kiêu, tự mãn, tất cả vì HS thân yêu mà giảng dạy, vì lợi ích nhân dân, xã hội mà phục vụ. Nhiệt tình, đầy trách nhiệm và luôn năng nổ từ thời còn trẻ cho đến lúc sắp nghỉ hưu, nhưng mấy ai biết được, đằng sau sự thành đạt ấy, trong cô Tuyết Hoa vẫn "len lỏi" một nỗi buồn. Đó là hơn 20 năm kể từ sau ngày cưới, cô vẫn chưa có tin vui. Trong một lần trò chuyện cùng cô, cô buông tiếng thở dài: “Thôi thì coi như cô lận đận đường con cái!”.
Với sự nỗ lực, phấn đấu không mệt mỏi, đặc biệt là lòng tận tâm, nhiệt huyết với sự nghiệp "trồng người", cô Nguyễn Thị Tuyết Hoa xứng đáng là một GV tiêu biểu trong ngành giáo dục và là tấm gương sáng để các GV trẻ, HS noi theo./.
Song Hồng