Tiếng Việt | English

26/03/2022 - 17:47

Chuyện về những phụ nữ khởi nghiệp thành công

Những năm gần đây, phong trào phụ nữ (PN) khởi nghiệp của tỉnh lan tỏa rộng khắp. Nhiều dự án khởi nghiệp thành công của chị em góp phần khẳng định thêm vị thế, tiềm năng của PN trong sự phát triển KT-XH và trở thành những tấm gương tiêu biểu.

Sử dụng hiệu quả vốn vay ưu đãi

Về ấp 3A, xã Phước Lợi, huyện Bến Lức, tỉnh Long An hỏi thăm gia đình bà Nguyễn Thị Mực ai cũng biết. Bà Mực là một trong những tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi và tích cực tham gia công tác xã hội. Tiếp chúng tôi là người PN dù đã 60 tuổi nhưng vẫn hăng say lao động. Đều đặn mỗi buổi sáng, bà Mực tự chạy xe máy chở trứng vịt đi bán cho các đại lý, cửa hàng tạp hóa.

Mỗi ngày, bà Nguyễn Thị Mực thu hoạch từ 800-900 trứng vịt. Sau khi trừ chi phí, bà thu được lợi nhuận khoảng 500.000 đồng/ngày

Bà Mực kể: “Trước đây, gia đình tôi rất eo hẹp, phải chạy ăn từng bữa. Vợ chồng tôi gắn bó với nghề nuôi vịt đẻ hơn 20 năm nay nhưng gặp không ít khó khăn. Có thời điểm nuôi vịt thua lỗ trắng tay, trong nhà chỉ còn vài chục ngàn đồng nhưng chúng tôi luôn động viên nhau cùng cố gắng vươn lên để các con được đi học, có việc làm ổn định”.

Với sự cần cù, ý chí quyết tâm làm giàu từ chăn nuôi vịt, năm 2018, bà Mực được hỗ trợ vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bến Lức. Với số tiền này, bà Mực mua được 1.000 con vịt đẻ và cải tạo chuồng nuôi vịt.

Tận dụng thời gian nhàn rỗi, bà Nguyễn Thị Mực may gia công để tăng thu nhập

Bà Mực chia sẻ: “Trước đây, do chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc nên việc nuôi vịt thường gặp thất bại. Sau khi tìm hiểu, học tập kinh nghiệm, tôi quyết định đầu tư mua tiếp vịt con giống. Nhờ rút kinh nghiệm từ đợt thất bại trước nên hiện nay việc chăm sóc đàn vịt dễ dàng hơn”.

Đến nay, mô hình chăn nuôi vịt đẻ của bà Mực phát triển khá hiệu quả. Với 1.000 con vịt đẻ, mỗi ngày bà Mực thu hoạch từ 800-900 trứng vịt. Sau khi trừ chi phí, bà thu được lợi nhuận khoảng 500.000 đồng/ngày. Tận dụng thời gian nhàn rỗi, bà Mực còn may gia công để tăng thu nhập, bình quân mỗi tháng bà kiếm thêm 4-5 triệu đồng. Nhờ đó, kinh tế gia đình bà được cải thiện, có điều kiện để nuôi 4 người con ăn học đến nơi, đến chốn. Ngoài ra, bà Mực còn tích cực làm công tác xã hội, đóng góp các phong trào do địa phương phát động. Năm qua, bà Mực tặng 100 phần quà, mỗi phần trị giá 250.000 đồng cho các hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã và nhiều hoạt động thiện nguyện khác.

Mạnh dạn chuyển đổi cây trồng

Đưa chúng tôi đi tham quan vườn gấc đang cho trái, bà Nguyễn Thị Bích Thủy (ấp Bình Cang, xã Bình Quới, huyện Châu Thành) hồ hởi kể về sự có mặt của trái gấc trên địa phương của mình. Được sự quan tâm, ủng hộ và tạo điều kiện của chính quyền địa phương, nhất là Hội Liên hiệp PN Việt Nam xã trong liên kết nguồn vốn nên bà Thủy có điều kiện thuận lợi để hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp từ cây gấc. Ý tưởng này giúp bà Thủy đoạt giải ba cuộc thi PN sáng tạo - khởi nghiệp do Hội Liên hiệp PN Việt Nam tỉnh tổ chức năm 2021.

Sau khi tham khảo, học hỏi kinh nghiệm, bà Nguyễn Thị Bích Thủy quyết định trồng gấc để phát triển kinh tế vì dễ trồng, vốn đầu tư ít nhưng có thể thu hoạch lâu dài

Bà Thủy cho biết: “Trước đây, tôi trồng thanh long ruột đỏ nhưng những năm trở lại đây, thị trường tiêu thụ và giá cả đầu ra của thanh long không ổn định nên quyết định chuyển đổi cây trồng. Sau khi được tạo điều kiện đi học tập kinh nghiệm tại nhiều địa phương, tôi quyết định chuyển 0,4ha đất trồng thanh long sang trồng gấc với số vốn đầu tư ban đầu khoảng 40 triệu đồng. Hiện vườn gấc của tôi trồng được gần 2 năm, bước đầu phát huy hiệu quả”.

So với trồng lúa và các loại cây khác thì cây gấc là loại cây lâu năm có những ưu thế vượt trội như ít bị rủi ro về thời tiết, dịch bệnh, không tốn nhiều diện tích trồng. Cây gấc cho trái quanh năm, thị trường tiêu thụ trong nước nên không bị áp lực về giá cả và quy trình bảo quản như các loại nông sản xuất khẩu khác.

Để tiết kiệm chi phí đầu tư ban đầu, bà Thủy tận dụng những trụ bêtông cũ từ quá trình trồng thanh long và sử dụng lưới để làm giàn. “Từ khi trồng đến thu hoạch trái là 6 tháng, thời gian thu hoạch trái kéo dài từ 1,5-2 năm. Sau đó, cắt bỏ dây chừa lại gốc tiếp tục chăm sóc sau 4 tháng sẽ cho thu hoạch trái tiếp và chu kỳ thu hoạch liên tục từ 10-15 năm. Cây gấc thường cho trái ổn định và năng suất tăng dần từ năm thứ 3 trở đi” - bà Thủy cho biết thêm.

Bằng sự nỗ lực, ý chí quyết tâm làm giàu của bản thân đã giúp nhiều phụ nữ khởi nghiệp thành công trên chính mảnh đất quê hương. Không chỉ làm kinh tế giỏi, họ còn gương mẫu thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tích cực đi đầu trong thực hiện các phong trào do địa phương phát động".

Bên cạnh đó, bà Thủy còn tận dụng diện tích đất phía dưới để canh tác thêm một số loại cây trồng phù hợp khác như quế, cải bẹ xanh, rau lang, hành,... mà không làm ảnh hưởng đến năng suất, hiệu quả của cây gấc. Hiện bà Thủy cùng 4 hộ trồng gấc khác trên địa bàn xã Bình Quới tham gia Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Tâm (xã Bình Tâm, TP.Tân An).

Trái gấc sau thu hoạch được hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp thu mua với giá cả tương đối ổn định, từ 10.000-15.000 đồng/kg, tùy từng thời điểm. Vào những thời điểm khó khăn nhất do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì sản phẩm vẫn được thương lái thu mua ổn định với giá 7.000 đồng/kg. Đặc biệt, dịp Tết Nguyên đán vừa qua, bà Thủy bán gấc với giá 27.000 đồng/kg. Nhờ đầu ra ổn định nên bà Thủy thu hồi vốn, lợi nhuận rất nhanh, đời sống vật chất và tinh thần gia đình được cải thiện.

Bằng sự nỗ lực, ý chí quyết tâm làm giàu của bản thân đã giúp nhiều PN khởi nghiệp thành công trên chính mảnh đất quê hương. Không chỉ làm kinh tế giỏi, họ còn gương mẫu thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tích cực đi đầu trong thực hiện các phong trào do địa phương phát động./.

Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết