Long An là một trong những tỉnh, thành ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long khai thác khá hiệu quả tiềm năng, lợi thế, chuyển dịch kinh tế theo hướng công nghiệp, xây dựng - thương mại, dịch vụ - nông, lâm, thủy sản. Với chủ trương thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư, tỉnh ban hành nhiều cơ chế thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cơ sở sản xuất, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh;... để mời gọi nhà đầu tư thuộc các thành phần kinh tế đến làm ăn trên đất Long An, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân,...
Từ yêu cầu trên, cần quy hoạch, xây dựng nhiều khu, cụm công nghiệp. Vì lẽ đó, nhiều hộ gia đình phải “hy sinh” mái nhà, ruộng vườn vốn gắn bó qua nhiều đời, tạo quỹ đất sạch để doanh nghiệp xây dựng công ty, xí nghiệp, các khu đô thị mới. Dù được nhận đền bù nhưng việc phải từ bỏ nơi sống quen thuộc, thay đổi tập quán sinh sống, nghề nghiệp, với nhiều người thì đó là một biến cố lớn. Tuy vậy, vì lợi ích chung, nhiều người dân đồng thuận với chủ trương giải tỏa, đền bù của tỉnh. Tuy nhiên, nơi ở mới của người dân bị giải tỏa - các khu tái định cư (TĐC), có được tốt hơn nơi ở cũ như chủ trương của Đảng, Nhà nước không? Người dân có an cư, lạc nghiệp trong môi trường sống mới không?
Cuộc sống của người dân trong không ít khu TĐC được dư luận, báo chí, các chương trình nghị sự của các cơ quan công quyền đề cập: Một số khu TĐC, người dân thật sự an cư, có việc làm ổn định, đời sống được cải thiện; nhưng ở nhiều khu TĐC, người dân phải sống trong nỗi ấm ức vì sự vô cảm của nhà đầu tư, kể cả những ngành, những người có trách nhiệm: Kết cấu hạ tầng vừa thiếu, vừa không đồng bộ; cỏ dại, bụi rậm um tùm; đường đi ngập nước; an ninh, trật tự xã hội không bảo đảm. Một số doanh nghiệp mang giấy quyền sử dụng đất thế chấp ngân hàng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân.
Chăm lo cho nhân dân an cư, lạc nghiệp là việc hệ trọng! Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân. Long An từng có chương trình an sinh vùng lũ tạo điều kiện cho người dân Đồng Tháp Mười ổn định cuộc sống; các chương trình xây tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, nhà đồng đội;... Đó là những chính sách ưu việt dành cho người có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ ổn định và vươn lên trong cuộc sống.
Với những người dân hy sinh quyền lợi cá nhân, gia đình, đồng thuận thực hiện chủ trương giải tỏa đất đai, ảnh hưởng đến vật kiến trúc, hoa màu,... vì sự phát triển của tỉnh thì càng phải tạo điều kiện để họ sớm an cư, lạc nghiệp. Đó là bằng chứng cụ thể về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người dân ở các khu TĐC./.
Kim Quy