Tiếng Việt | English

30/03/2021 - 15:14

Có một làng mai ở Đồng Tháp Mười

Làng nghề trồng mai xã Tân Tây (làng mai) vừa được công nhận vào cuối năm 2020, càng khẳng định tiềm năng phát triển du lịch. Đến làng mai, du khách có thể đắm mình vào khung cảnh bình yên, ngắm những cội mai giá trị bằng cả một gia tài.

Làng nghề trồng mai xã Tân Tây vừa được công nhận vào cuối năm 2020 nhưng cây mai đã theo “ông tổ” làng nghề về vùng đất ấy từ hơn 15 năm trước

Làng nghề trồng mai xã Tân Tây vừa được công nhận vào cuối năm 2020 nhưng cây mai đã theo “ông tổ” làng nghề về vùng đất ấy từ hơn 15 năm trước

“Sự tích” làng mai

“Tân Tây rực ánh mai vàng, đem nguồn kinh tế xóm làng mừng vui 
Thôn trang rộn rã tiếng cười, nhớ Trần Văn Thống mọi người tôn vinh”.

Lời mở đầu của bản vọng cổ Rực ánh mai vàng do người dân làng mai Tân Tây đặt viết nhằm tôn vinh ông tổ nghề trồng mai Tân Tây. Đó là anh Trần Văn Thống. Cách đây khoảng 5 năm, chúng tôi gặp anh Thống khi vườn mai của anh bắt đầu cho hiệu quả kinh tế cao. Thấy người dân Tân Tây sống dựa vào cây lúa, củ khoai nhưng cuộc sống còn vất vả, anh Thống quyết tâm tìm một hướng đi khác ngoài những cây trồng truyền thống của quê nhà.

Đi nhiều nơi học hỏi, anh quyết định mang cây mai vàng về trồng thử. 1 liếp rồi 2 liếp mai dần bén rễ trên vùng đất cứ nghĩ chỉ thích hợp với lúa, khoai, cây tràm. Mày mò học kỹ thuật trồng, cách chăm sóc, uốn tỉa cây, vườn mai xanh lá, tốt tươi và những chậu mai của anh tạo nên tiếng tăm cho vùng đất Tân Tây. Từ thành công đó, anh Thống mạnh dạn chia sẻ với người dân về kỹ thuật trồng cây mai vàng. Anh trở thành người cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng cho đa số hộ trồng mai vào thời điểm đó. Cây mai bắt đầu phát triển mạnh, lúa, tràm dần nhường chỗ cho những vườn mai.

Giờ đây, đời sống người dân dần nâng lên từ trồng mai. Còn anh Thống thì đã ra đi do một tai biến bất ngờ trong sự tiếc thương của người dân làng mai. Tân Tây giờ có làng nghề trồng mai, và trong lòng người dân thì anh Thống đã trở thành ông tổ của nghề tự khi nào cũng không ai rõ.

Gốc mai 400 triệu đồng tại làng nghề trồng mai xã Tân Tây

Gốc mai 400 triệu đồng tại làng nghề trồng mai xã Tân Tây

Làng mai vàng "sinh vàng" ở Long An

Trưởng ban Đại diện làng nghề trồng mai vàng Tân Tây - Nguyễn Văn Hoàng cho biết: “Đất này thích hợp trồng cây mai, gốc mai trồng nhiều năm ngoài dáng đẹp còn có gốc vàng rực và da cây lên vân đẹp. Đó chính là đặc điểm nổi bật của làng nghề trồng mai Tân Tây”.

Đến làng nghề trồng mai Tân Tây, du khách sẽ được ngắm những cội mai nhiều năm tuổi, có giá từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Người dân Tân Tây vừa trồng, vừa học cách chăm sóc, tạo dáng cho cây để ngoài bán mai theo vườn, còn có thể bán từng cây nhằm nâng cao hơn nữa giá trị cây mai.

Làng nghề trồng mai Tân Tây được công nhận vào cuối năm 2020 nhưng cây mai đã theo “ông tổ” làng nghề về vùng đất này từ hơn 15 năm trước. Tân Tây đã có những vườn mai mà mỗi cội có giá hàng chục triệu đồng. Thêm nhiều năm nữa, những vườn mai Tân Tây sẽ càng tăng thêm giá trị.

Đến làng nghề trồng mai xã Tân Tây, du khách sẽ được ngắm những cội mai nhiều năm tuổi, có giá vài chục đến vài trăm triệu đồng

Theo phong tục của người Nam Bộ, cây mai là loại cây đem lại điều may mắn không thể thiếu trong dịp đầu năm mới. Nhiều người thích chụp ảnh cùng hoa mai vào dịp tết (ảnh minh họa)

Được biết, làng nghề trồng mai Tân Tây có dự kiến phát triển du lịch. Chủ tịch UBND xã Tân Tây - Nguyễn Văn Chẳn cho biết, xã có kế hoạch kêu gọi nhà đầu tư đầu tư khu du lịch sinh thái vào làng nghề trồng mai xã Tân Tây. Hiện tại, một số hộ dân bắt đầu đầu tư để đón khách với khu vực nghỉ ngơi giữa vườn mai, ao cá. Những sản vật dân dã của địa phương có thể được phục vụ nếu đặt trước. Tại làng mai, du khách có thể chọn mua một vài cây nếu thích hoặc học hỏi và tìm hiểu cách trồng, chăm sóc cây mai; đặc biệt là được tận mắt nhìn và chụp ảnh cùng những cội mai giá trị.

Làng nghề trồng mai xã Tân Tây nằm ven Quốc lộ 62, thuộc khu vực huyện Thạnh Hóa, nếu được đầu tư phát triển sẽ trở thành một điểm dừng chân thú vị cho du khách trên chuyến hành trình về với thiên nhiên vùng Đồng Tháp Mười. Không chỉ vậy, làng nghề còn nằm cạnh dòng sông, một gợi ý cho tuyến du lịch đường sông thật yên bình, thú vị./.

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết