Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ngày 3-2 đã công bố Văn bản 525 về các chủ trương tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy năm 2016. Văn bản đã nêu một số thay đổi quan trọng của kỳ thi, trong đó đáng chú ý nhất là những thay đổi về cụm thi.
Theo đó, mỗi tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương tổ chức: Cụm thi cho thí sinh (TS) dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ do trường ĐH chủ trì, phối hợp với sở GD-ĐT (gọi tắt là cụm thi ĐH); cụm thi cho TS dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT do sở GD-ĐT chủ trì, phối hợp với trường ĐH (gọi tắt là cụm thi tốt nghiệp). Tùy tình hình cụ thể của địa phương, có thể chỉ tổ chức cụm thi ĐH.
Cụm thi năm 2015 phân bổ không đồng đều
Kỳ thi THPT quốc gia 2015 được tổ chức tại 99 cụm thi (gồm 38 cụm thi liên tỉnh do các trường ĐH chủ trì và 61 cụm thi tỉnh do sở GD-ĐT chủ trì). Toàn quốc có 1.005.626 TS đăng ký dự thi; trong đó, 728.830 TS thi tại cụm thi do trường ĐH chủ trì (chiếm hơn 72%) và 276.796 TS thi tại cụm thi do sở GD-ĐT chủ trì (chiếm gần 28%); huy động gần 100.000 cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ và giáo viên các trường THPT tham gia.
Chấm thi THPT quốc gia 2015 tại cụm thi Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM Ảnh: Tấn Thạnh
Cụm thi tỉnh: Cả nước có 3 địa phương không tổ chức cụm thi tại địa phương (TP HCM, Đà Nẵng và tỉnh Bình Dương), tuy nhiên, chỉ Bình Dương mới thực sự là tỉnh duy nhất không có cụm thi nào trên địa bàn tỉnh vì ở TP HCM và Đà Nẵng đều có cụm thi do các trường ĐH chủ trì. Quy mô TS của các cụm thi địa phương khá nhỏ: phân nửa số cụm thi địa phương (30/61 cụm) có số TS dưới 4.000, cả nước chỉ có 4 cụm thi địa phương có trên 10.000 TS, đông nhất là cụm thi Thanh Hóa (gần 16.000 TS).
Cụm thi liên tỉnh: 38 cụm thi liên tỉnh do các trường ĐH chủ trì được tổ chức ở 23 tỉnh, thành phố. Trong 38 cụm thi này, chỉ duy nhất có Trường ĐH Nông Lâm TP HCM không có cơ sở chính (chỉ có phân hiệu) trên địa bàn được phân công chủ trì cụm thi. Quy mô của các cụm thi liên tỉnh do các trường ĐH chủ trì lớn hơn nhiều, bình quân có 20.000 TS/cụm thi; chỉ có 2 cụm có số TS dưới 10.000, có 4 cụm thi có trên 30.000 TS. Hà Nội và TP HCM đều có 8 cụm thi và cũng là các địa phương tập trung đông TS nhất: TP HCM gần 160.000 TS và Hà Nội gần 130.000 TS.
Cân nhắc mở rộng các cụm thi
Với tinh thần của văn bản mà Bộ GD-ĐT vừa công bố, số cụm thi ĐH thay vì là 38 ở năm 2015 sẽ tăng lên chí ít là 64 (chưa kể các địa phương có đông TS như Hà Nội, TP HCM... sẽ phải có nhiều hơn 2 cụm). Giả sử các địa phương như TP HCM, Đà Nẵng và Bình Dương tiếp tục không tổ chức cụm thi địa phương như năm 2015 thì số cụm thi tốt nghiệp cũng đã là 61. Như vậy, nếu các tỉnh vẫn giữ cụm thi tốt nghiệp mà không “sáp nhập” vào cụm thi ĐH thì dự kiến số cụm thi THPT quốc gia 2016 lên đến ít nhất là 125 cụm thay vì 99 cụm như năm 2015.
Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là tình huống “học sinh học cùng lớp nay ngồi chung phòng thi” sẽ phổ biến trên quy mô cả nước vì trước đây khi trộn lẫn TS của ít nhất 2 tỉnh vào một cụm thi, tình trạng học sinh quen biết nhau ngồi chung phòng thi đã khá nhiều.
Còn nhớ khi bắt đầu áp dụng quy định “thi theo cụm và chấm chéo” trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2009, cả nước chỉ có 572 cụm thi liên trường (từ 3 trường trở lên) nhưng chỉ 1 năm sau, số cụm đã tăng gần gấp ba do tình trạng “rã đám” và “chẻ nhỏ” các cụm thi liên trường và hệ quả là đến năm 2012, phải bỏ thi theo cụm vì quy định này đã trở nên vô nghĩa do có quá nhiều cụm thi “chỉ có một trường”. Việc nhiều học sinh học cùng lớp và thi tốt nghiệp cùng phòng khiến kỳ thi này chỉ là cuộc dạo chơi của nhiều học sinh và tỉ lệ tốt nghiệp năm 2014 đạt kết quả 99,09% là hệ quả tất yếu.
Vì vậy, cần hết sức cân nhắc việc mở rộng các cụm thi nếu như chưa đủ những điều kiện bảo đảm việc tổ chức thi an toàn, coi thi nghiêm túc và chấm thi công bằng, chính xác. Thậm chí nếu địa phương có quy mô TS nhỏ hoặc tại các thành phố có nhiều trường ĐH lớn thì chỉ nên có một loại cụm thi ĐH.
Mong rằng Văn bản 525 chỉ là chủ trương chung, còn Quy chế thi THPT quốc gia 2016 sẽ có những quy định hợp lý hơn để bảo vệ được các kết quả tốt đẹp mà kỳ thi THPT quốc gia 2015 đã đạt được.
Có độ vênh trong công tác coi thi ở 2 cụm thi
Báo cáo tổng kết kỳ thi THPT quốc gia 2015 của Bộ GD-ĐT cho thấy mặc dù tỉ lệ đỗ tốt nghiệp tại các cụm thi do các trường ĐH chủ trì cao hơn tại các cụm thi do các sở GD-ĐT chủ trì (xem ra có vẻ hợp lý) nhưng đã có độ vênh nhất định giữa các loại cụm thi trong công tác coi thi khi số vụ vi phạm quy chế thi năm 2015 tăng gấp 3 lần so với tổng số vi phạm trong 3 đợt thi của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 mà hầu hết chỉ được phát hiện và xử lý tại các cụm thi do trường ĐH chủ trì (766 vụ năm 2015, bao gồm khiển trách 49, cảnh cáo 27 và đình chỉ thi 690; so với 260 vụ năm 2014). Hơn thế nữa, số trường hợp kỷ luật này thường tập trung ở một vài điểm thi, thậm chí ở một vài phòng thi trong cụm thi, chứ không phải đều khắp các cụm thi./.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa (Theo nld.com.vn)