Khi các sở GD&ĐT thông tin có điểm thi tuyển sinh lớp 10, không ít phụ huynh, giáo viên mong muốn biết kết quả thi của con em, học sinh của mình như thế nào thế nhưng khi truy cập vào cổng thông tin điện tử Sở GD&ĐT thì không có. Ngay lập tức, nhiều phụ huynh đã gọi đến 1080 để hỏi điểm, mỗi cuộc gọi phải trả phí thì mới có được kết quả điểm thi.
Đặc biệt, nhiều phụ huynh rất bất bình khi gọi điện đến 1080 bởi sau một hồi lâu nghe nhân viên tổng đài giới thiệu các dịch vụ và bấm rất nhiều phím khác liên quan, cuối cùng khách hàng mới kết nối được với nhân viên tổng đài. Sau khi được cung cấp các thông tin: tên, ngày tháng năm sinh, hội đồng thi và số báo danh,… nhân viên tổng đài yêu cầu chờ máy, phải mất vài phút để tra cứu thông tin trong máy tính mới trả lời kết quả. Nếu không gọi điện thoại thì phụ huynh có thể nhắn tin đến các đầu số của dịch vụ viễn thông để tra cứu kết quả. Với nhiều phụ huynh không thạo về các dịch vụ nhắn tin trong việc khai thác coi điểm thi, thì dễ dàng bị trừ tiền do nhắn tin sai cú pháp hoặc lộn đầu số,…
Nhiều người dân rất bức xúc bởi điểm thi sau khi chấm duyệt xong đâu phải bí mật gì nữa nhưng lại bị “ém” quá kỹ, không đưa công khai ra, trong khi đó các dịch vụ viễn thông thu tiền lại có cơ sở dữ liệu này. Liệu giữa một số Sở GD&ĐT có bắt tay với các công ty viễn thông để “móc túi” người dân thông qua các dịch vụ cung cấp điểm thi? Bởi một cuộc gọi để tra cứu điểm thi tốn ít nhất cũng vài nghìn đồng, còn tin nhắn tối thiểu là 1.000 đồng.
Đến nay kỳ thi tốt nghiệp THPT cấp quốc gia chưa công bố kết quả, nhưng trên các trang mạng đã có quảng cáo các dịch vụ nhắn tin về việc xem kết quả thi. Trong đó có không ít trang mạng lừa đảo vì khi nhắn tin đến xem kết quả thi thì “im re” không có phản hồi gì mà tiền thì vẫn bị trừ.
Có thể nói, hiện nay hầu hết các sở GD&ĐT và các trường đại học, cao đẳng đều có cổng thông tin điện tử, do đó điểm thi của các thí sinh trong các kỳ thi cần phải đưa công khai lên trang thông tin của mình để mọi người được biết. Điều này không chỉ thực hiện tốt việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc phục vụ nhân dân mà tránh tình trạng nhiễu loạn thông tin do các tổng đài, trang mạng khác đưa ra vì đó không phải là kênh thông tin chính thống. Vì vậy, mong rằng Bộ GD&ĐT cần yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện đưa dữ liệu điểm thi lên trang thông tin điện tử của mình như một quy định bắt buộc trong khâu tổ chức các kỳ thi cũng như đánh giá xếp loại thi đua năng lực ứng dụng CNTT trong hoạt động điều hành, cải cách hành chính,…
Văn Thy Hoàng/Tin tức