Tiếng Việt | English

02/02/2025 - 13:21

Công dân số - Chủ nhân thời đại số

Trong thời đại công nghệ 4.0, việc trở thành một công dân số không chỉ là xu hướng mà còn là yêu cầu tất yếu để hội nhập và phát triển. Từ định danh điện tử giúp mỗi người dễ dàng xác minh thông tin cá nhân đến thanh toán số và thương mại điện tử (TMĐT) mở ra cơ hội mua bán tiện lợi trên không gian số, tất cả đang góp phần tạo nên diện mạo mới cho cuộc sống hiện đại.

Hiện nay, thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phổ biến, mang lại nhiều tiện ích cho mọi người

Hàng loạt tuyến đường, tuyến phố không tiền mặt xuất hiện

Thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) đang trở thành xu hướng phổ biến, dần thay thế phương thức thanh toán truyền thống. Việc quét mã QR và chuyển khoản mang lại sự tiện lợi, nhanh chóng, thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS) và xây dựng nền kinh tế minh bạch, hiện đại.

Hiện nhiều địa phương trong tỉnh Long An triển khai, thực hiện tuyến đường, tuyến phố TTKDTM và nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân và các hộ kinh doanh. Điển hình như đoạn Đường tỉnh 824 tại ấp Mới 1, xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, với 90 hộ kinh doanh tham gia; các tuyến đường tại phường 1, 3, TP.Tân An; tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ, thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức;...

Chị Linh - chủ tiệm trà sữa NOMODAY (phường 1, TP.Tân An), một trong những người tiên phong hưởng ứng TTKDTM cho biết: “Để khuyến khích khách hàng, tôi luôn đặt mã QR ngay tại quầy thanh toán. Khi khách đến, tôi thường hỏi họ muốn thanh toán bằng phương thức nào và ưu tiên gợi ý quét mã QR. Hiện nay, dù khách mua một ly nước, nhiều ly hay chỉ vài bịch bánh tráng, hầu hết đều chọn chuyển khoản vì tính tiện lợi. Nhờ đó, tôi không còn phải lo lắng chuẩn bị tiền thối như trước nữa". Chị Lê Thị Thùy Dương (SN 1995, ngụ thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức) chia sẻ: “TTKDTM giờ đây trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của tôi. Khi ra đường, tiền mặt không còn là vật dụng thiết yếu nhất; chỉ cần mang theo một chiếc điện thoại thông minh, tôi có thể thanh toán và mua sắm mọi thứ mình cần. Trước đây, tôi nghĩ hình thức này chỉ phù hợp với các giao dịch có giá trị lớn nhưng bây giờ, ngay cả khi mua những món đồ nhỏ nhặt, tôi cũng dễ dàng quét mã QR hoặc chuyển khoản".

Ngoài ra, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh tích cực hỗ trợ người dân, chủ cửa hàng, hộ kinh doanh và doanh nghiệp trên các tuyến đường triển khai TTKDTM. Các hoạt động bao gồm tư vấn và mở tài khoản, tạo và lắp đặt mã QR, lắp máy POS, cài đặt ứng dụng Mobile Banking và Internet Banking; đồng thời, giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng cùng các chính sách ưu đãi, chương trình khuyến mãi hấp dẫn.

Việc triển khai tuyến đường, tuyến phố TTKDTM mang ý nghĩa quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi để người dân trải nghiệm các hình thức thanh toán hiện đại. Qua đó, không chỉ thay đổi thói quen thanh toán truyền thống mà còn nâng cao nhận thức, hướng đến xây dựng một xã hội không dùng tiền mặt, góp phần quan trọng vào việc hiện thực hóa mục tiêu xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Hiện nay, Long An tích cực triển khai Đề án 06 (Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030). Đến nay, các nhiệm vụ trọng tâm của Đề án đạt những kết quả đáng khích lệ, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống người dân và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Từ ngày 01/01 đến 26/11/2024, toàn tỉnh kích hoạt 1.046.866 tài khoản cho công dân. Tài khoản định danh điện tử mức độ 2 mang lại nhiều tiện ích vượt trội khi tích hợp thông tin quan trọng như thẻ căn cước công dân gắn chíp, bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe, đăng ký xe, mã số thuế và thông tin cư trú chi tiết của công dân. Ứng dụng VNeID không chỉ giúp giảm tải giấy tờ mà còn góp phần cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện để người dân thực hiện các thủ tục trực tuyến, tiết kiệm thời gian và công sức; đồng thời, tăng cường tính minh bạch trong các giao dịch.

Việc triển khai Đề án 06 và kích hoạt tài khoản VNeID có ý nghĩa chiến lược trong việc xây dựng nền tảng CĐS, hướng đến hình thành công dân số và xã hội số, góp phần đưa Long An ngày càng gần với xu thế phát triển của thời đại.

Đẩy mạnh thương mại điện tử

Để tăng cường kết nối cung - cầu hàng hóa, nông sản, nhiều doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh đưa sản phẩm lên các sàn TMĐT, tích cực quảng bá hình ảnh, thương hiệu thông qua các nền tảng mạng xã hội. Từ đó, việc tiếp cận khách hàng đa dạng và rộng mở hơn, doanh thu cũng tăng lên đáng kể.

Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Mỹ Thạnh (xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa) chủ động học hỏi, tiếp cận sử dụng các mạng xã hội như Zalo, Facebook, TikTok,... và các sàn TMĐT để quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm của HTX như gạo nếp, các loại rau, củ, quả,...

Hợp tác xã Nông nghiệp Mỹ Thạnh (huyện Thủ Thừa) mạnh dạn mua các phần mềm để áp dụng vào quá trình quản lý, điều hành, sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã

Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh - Nguyễn Quốc Cường cho biết: “Từ khi được hướng dẫn đưa sản phẩm lên các sàn TMĐT, HTX mở rộng thị trường, thêm cơ hội giới thiệu sản phẩm của HTX đến người tiêu dùng trên khắp mọi miền đất nước. Doanh thu của HTX đạt từ 12-15 tỉ đồng/năm, tăng gấp nhiều lần so với trước đây”.

Thông tin từ Sở Công Thương, thời gian qua, Sở thường xuyên phối hợp các cơ quan thuộc Bộ Công Thương, Tham tán, Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia thông tin tình hình thị trường, chính sách, pháp luật đến DN; đồng thời, phối hợp đón nhiều đoàn nước ngoài đến khảo sát, tìm hiểu giao thương với các DN trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Sở còn phối hợp DN, người Việt Nam tại thị trường nước ngoài tìm hiểu thị trường, kết nối tìm nguồn hàng cung ứng.

Phó Giám đốc Sở Công Thương - Châu Thị Lệ thông tin: “Sở phối hợp Trung tâm Phát triển TMĐT duy trì phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm đặc trưng của tỉnh tại địa chỉ https://truyxuatnguongoc.longan.gov.vn; đồng thời, triển khai đến các DN, cơ sở kinh doanh đăng ký tham gia Sàn TMĐT Long An tại địa chỉ http://longantrade.com/, kết nối với Sàn TMĐT hợp nhất của Bộ Công Thương tại địa chỉ https://sanviet.vn”.

Nhờ những nỗ lực không ngừng của các cấp, các ngành, hiện có hơn 151.300 hộ gia đình được hướng dẫn kết nối và mua bán trên các sàn TMĐT, góp phần thúc đẩy kinh tế số tại địa phương. Đáng chú ý, trong hoạt động CĐS kinh tế, các sản phẩm OCOP của tỉnh được quảng bá rộng rãi trên nhiều sàn TMĐT uy tín; góp phần giúp các hộ gia đình, HTX đăng ký 76 gian hàng với hơn 300 sản phẩm được trưng bày trên sàn TMĐT tỉnh; giới thiệu gần 60 sản phẩm OCOP và tiếp tục đưa 100% sản phẩm OCOP của tỉnh lên sàn TMĐT Bưu điện Việt Nam tại địa chỉ https://buudien.vn.

Gian hàng của Công ty Cổ phần Thực phẩm HG (huyện Thủ Thừa) trên sàn thương mại điện tử Alibaba.com

Công ty (Cty) Cổ phần Thực phẩm HG (huyện Thủ Thừa) là một trong những DN được Sở Công Thương hỗ trợ đưa sản phẩm lên sàn TMĐT Alibaba.com và bước đầu nhận được sự quan tâm, phản hồi khá tích cực. Giám đốc Cty Cổ phần Thực phẩm HG - Dương Thị Trúc Giang cho biết: “Thời gian đầu, Cty chưa nắm bắt quy trình bán hàng, quảng bá nên gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của các ngành chức năng, Cty tích cực tham gia các hội chợ thương mại để tìm kiếm đối tác. Ngoài việc phân phối thông qua kênh truyền thống, Cty còn đẩy mạnh việc bán hàng qua mạng, đưa sản phẩm lên sàn TMĐT. Với việc buôn bán hàng qua hệ thống mạng đã giúp sản phẩm của HTX được nhiều người biết đến hơn”.

Xã hội đang chuyển mình mạnh mẽ trên môi trường số, dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng những công dân số đã và đang chủ động ứng dụng rộng rãi trong thực hiện các thủ tục hành chính, phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống./.

Xã hội đang chuyển mình mạnh mẽ trên môi trường số, dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng những công dân số đã và đang chủ động ứng dụng rộng rãi trong thực hiện các thủ tục hành chính, phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Hà Lan - Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết