Tiếng Việt | English

23/09/2020 - 08:22

Công nghiệp “chắp cánh” cho sự phát triển

Sản xuất công nghiệp, nhất là lĩnh vực công nghiệp chế biến ngày càng khẳng định vai trò, vị trí trong cơ cấu kinh tế, góp phần quan trọng vào sự phát triển KT-XH địa phương, giải quyết tốt hơn vấn đề an sinh xã hội, tạo việc làm, thu nhập ổn định, nâng cao đời sống người dân trên địa bàn.

“Chắp cánh” cho sự phát triển

Những năm qua, KT-XH của tỉnh Long An không ngừng phát triển. Nhờ những chính sách, quyết sách đúng đắn trong điều hành, chỉ đạo của lãnh đạo địa phương, công tác thu hút đầu tư được tập trung thực hiện, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn về cơ chế, chính sách,... Long An trở thành “điểm sáng” trong thu hút đầu tư trong vùng, cũng như cả nước.

Công nghiệp chế biến có vai trò, vị trí quan trọng. Ảnh: Châu Sơn

Từ năm 1997, Long An đặt “nền móng” và bắt đầu tiếp nhận đầu tư về hoạt động trên địa bàn. Hơn 20 năm qua, tỉnh không ngừng đổi mới, phát triển năng động, sáng tạo.

Hiện nay, Long An trở thành “ngôi nhà chung” của gần 12.000 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động. Sản xuất công nghiệp đóng vai trò quan trọng đối với cơ cấu kinh tế tỉnh, “chắp cánh” cho sự phát triển, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, tạo việc làm, thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn.

Đức Hòa là một trong những địa phương trọng điểm về phát triển công nghiệp của tỉnh. Cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch đúng hướng, giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng đóng vai trò chủ lực.

Công nghiệp trên địa bàn đã giải quyết tốt bài toán về lao động, an sinh xã hội, đóng góp cho ngân sách, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy địa phương phát triển, vươn lên tốp đầu của tỉnh.

Theo đại diện Ban Quản lý Khu công nghiệp (KCN) Hải Sơn (huyện Đức Hòa), đơn vị về đầu tư và làm dự án trên địa bàn từ nhiều năm qua: “Tỉnh, huyện luôn đồng hành cùng chúng tôi trong quá trình hoạt động, giúp đơn vị an tâm hoạt động, phát triển sản xuất. Đơn vị đang cố gắng thu hút đầu tư, đẩy mạnh lấp đầy toàn khu. 

Điều này không chỉ giúp đơn vị hoàn thành hoạt động sản xuất, kinh doanh mà còn hoàn thành nghĩa vụ tài chính, trách nhiệm cộng đồng của DN. Toàn khu rộng hơn 500ha, lấp đầy đạt hơn 95% với khoảng 400 DN thứ cấp về đầu tư, với hàng ngàn công nhân đang làm việc tại đây”.

Chế biến nông sản là một thế mạnh của địa phương

Bí thư Huyện ủy Đức Hòa - Phan Nhân Duy cho biết: Những năm qua, địa phương có sự phát triển vượt bậc và sản xuất công nghiệp có vai trò, vị trí quan trọng đối với sự phát triển này. Huyện có gần 6.000ha đất công nghiệp được phê duyệt quy hoạch, gồm có 11 KCN và 20 cụm công nghiệp (CCN) (trong đó: 6 KCN, diện tích 2.090ha, có 893 DN đang hoạt động, lấp đầy trung bình 81,88%; 10 CCN, diện tích 559ha, có 477 DN đang hoạt động, lấp đầy trung bình 95,72%).

Bên cạnh đó, Đức Hòa còn có 71 dự án khu dân cư, thương mại, dịch vụ có diện tích 1.516ha. Tất cả là những điều kiện quan trọng để huyện phát triển công nghiệp theo đúng hướng. Đức Hòa đã và đang tập trung phối hợp các sở, ngành tỉnh và Ban Quản lý Các khu kinh tế tỉnh đẩy mạnh hoạt động thu hút đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại các K,CCN; tăng cường phối hợp, chỉ đạo tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư các dự án và tiếp tục rà soát quy hoạch phát triển các KCN, khu dân cư đô thị mới.

Tương tự, Bến Lức cũng là địa phương phát triển trọng điểm về công nghiệp của tỉnh. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Bến Lức - Lê Thành Út, sản xuất công nghiệp tạo ra nhiều việc làm, giải quyết các bài toán về lao động, đóng góp thiết thực vào các hoạt động an sinh xã hội, tăng thu ngân sách,...

Huyện có nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để DN thuận lợi hoạt động. Bên cạnh đó, huyện tăng cường phối hợp các sở, ngành tỉnh để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn về cơ chế, giải phóng mặt bằng, tăng cường thu hút đầu tư vào địa bàn.

Công nghiệp chế biến có vai trò quan trọng

Vai trò sản xuất công nghiệp đối với phát triển KT-XH địa phương là rất rõ ràng. Và ngành công nghiệp chế biến, nhất là chế biến các mặt hàng nông, lâm, thủy sản,... được xem là khâu đột phá, có vai trò quan trọng, góp phần khẳng định, nâng cao vị trí, giá trị của kinh tế công nghiệp đối với sự phát triển của địa phương.

Sản lượng lúa hàng năm trên địa bàn đạt từ 2,6-2,8 triệu tấn, thanh long có sản lượng gần 310.000 tấn/năm, chanh sản lượng gần 160.000 tấn/năm, gần 1.500ha áp dụng quy trình VietGAP trong việc sản xuất rau, quả và chăn nuôi thủy sản,... Đây là điều kiện thuận lợi cho ngành công nghiệp chế biến trên địa bàn phát triển mạnh mẽ thời gian qua (chưa tính những nguyên liệu từ các địa phương khác chuyển về).

Lavifood (hoạt động trong KCN An Thạnh, huyện Bến Lức) có thể xem là một trong những DN chuyên sơ chế, sản xuất, chế biến các loại trái cây, rau, củ, quả và các nông sản chất lượng cao.

Theo đại diện Công ty Cổ phần Lavifood - Đặng Ngọc Cẩn, đơn vị có trên 80 sản phẩm từ các loại rau, củ, quả,... chủ yếu xuất khẩu sang thị trường: Mỹ, Hàn Quốc, Úc, Nhật Bản, Singapore,...

Nguyên liệu chính của đơn vị là các nông sản trên địa bàn tỉnh và một số địa phương khác. Sản phẩm của đơn vị được các tổ chức đánh giá chất lượng toàn cầu cấp giấy chứng nhận ISO 22000-HACCP-BRC (Bureau Veritas), Halal, Kosher.

Các doanh nghiệp chế biến trên địa bàn đều áp dụng các chương trình quản lý chất lượng trong sản xuất, chế biến HACCP,...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh thông tin: Sản xuất công nghiệp có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của địa phương. Công nghiệp chế biến là một trong những ngành “mũi nhọn” về phát triển công nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là chế biến các mặt hàng nông sản chủ lực của địa phương như lúa, thanh long, chanh, rau, khoai mỡ, khóm, đậu phộng và một số nông sản khác. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 200 DN chế biến, chủ yếu là chế biến nông sản,...

Các DN đều áp dụng các chương trình quản lý chất lượng trong sản xuất, chế biến HACCP,… Để công nghiệp chế biến phát triển mạnh mẽ, ngoài việc tỉnh hỗ trợ, tạo điều kiện, các DN cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình sản xuất, kinh doanh, bảo đảm chất lượng, mẫu mã phù hợp, giá thành cạnh tranh,...

Tỉnh kiến nghị Chính phủ có chính sách ưu đãi đặc thù cho các DN chế biến, có quy mô lớn làm vai trò dẫn dắt, đầu mối kết nối giao thương với các DN nước ngoài, đầu tư kho, bảo quản nông sản ứng dụng công nghệ hiện đại./.

Theo thông tin từ Sở Công Thương, chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 8/2020 tăng 9,53% so với tháng 7, tăng 20,83% so cùng kỳ năm 2019. Tính đến tháng 8/2020, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,7% so cùng kỳ năm 2019 (tăng 15,16%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,59%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,85%; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 11,88% so cùng kỳ năm 2019.

Châu Sơn

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích