Tiếng Việt | English

25/09/2023 - 11:47

Công nhân, lao động lo sợ vì ‘tín dụng đen’

“Tín dụng đen” và đòi nợ thuê đã và đang là nỗi lo của công nhân, lao động (CNLĐ). Thực trạng này ngày càng trở nên phổ biến, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của CNLĐ và hoạt động doanh nghiệp (DN).

Trong cuộc đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh với công nhân, lao động, anh Trần Văn Nam (công nhân Công ty TNHH Giầy Ching Luh Việt Nam (huyện Bến Lức)) bức xức tình trạng “tín dụng đen” và đòi nợ thuê

Trong cuộc đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh với công nhân, lao động, anh Trần Văn Nam (công nhân Công ty TNHH Giầy Ching Luh Việt Nam (huyện Bến Lức, tỉnh Long An)) bức xức tình trạng “tín dụng đen” và đòi nợ thuê

Những người không liên quan cũng bị ảnh hưởng

“Tín dụng đen” không còn xa lạ trong CNLĐ và hầu hết đều hiểu rõ tác hại, hậu quả của vay “tín dụng đen”. Tuy nhiên, vì vướng vào các chiêu trò tư vấn, thế chấp đơn giản và cho vay nhanh chóng hoặc nhu cầu sử dụng tiền cấp bách, nhiều người “sập bẫy” “tín dụng đen”. Sau đó là những cuộc gọi đe dọa về việc làm, sức khỏe, tính mạng, thậm chí những người không liên quan cũng bị ảnh hưởng.

“Tín dụng đen” đã và đang là vấn đề nhức nhối, khiến nhiều người lâm vào cảnh nợ nần, bế tắc,... Các ngành chức năng nhận nhiều thông tin phản ánh bị công ty tài chính cho vay tiền gọi điện thoại, nhắn tin quấy rối, đe dọa kiểu “khủng bố” nên lo lắng, bất an, ảnh hưởng cuộc sống cũng như tinh thần. Các đối tượng gọi điện thoại, nhắn tin cho người thân, bạn bè, giám đốc, đồng nghiệp của người vay để tạo áp lực, gây bức xúc cho nhiều người, ảnh hưởng đến hoạt động của DN,...

Trong khi đó, việc truy tìm đối tượng gọi điện thoại, nhắn tin gặp nhiều khó khăn, nguyên nhân chính là các đối tượng cố tình sử dụng sim rác (không chính chủ) để nặc danh gọi điện thoại đe dọa, khủng bố tinh thần. Hiện nay, tình trạng sim rác vẫn còn, việc ngăn chặn, xóa bỏ sim rác của các nhà mạng chưa triệt để.

Anh Trần Văn Nam - CN Công ty TNHH Giầy Ching Luh Việt Nam (huyện Bến Lức, tỉnh Long An), bức xúc: “Tình trạng “tín dụng đen” và đòi nợ thuê kiểu “giang hồ” ngày càng trở nên phổ biến. Nhiều người không liên quan cũng bị ảnh hưởng, thậm chí là bị bôi nhọ, làm xấu hình ảnh DN và cá nhân trên mạng xã hội. Vì những “món nợ” không liên quan này mà tâm lý, tinh thần của nhiều người và hoạt động của DN bị ảnh hưởng. Mặc dù, Luật Hình sự, Luật An ninh mạng,... có quy định xử lý hành vi trên nhưng thực tế, tình trạng này vẫn tiếp diễn. Tôi mong có những giải pháp căn cơ để tìm ra danh tính từ các cuộc gọi nặc danh, từ đó xử lý hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ người dân, CNLĐ và DN”.

Không chỉ anh Nam, nhiều CNLĐ cũng lo lắng, bức xúc về tình trạng “tín dụng đen” và đòi nợ thuê kiểu “giang hồ”. Bởi, sự việc đi xa thì hậu quả không thể lường trước, làm những người không liên quan cũng bị ảnh hưởng.

Quản lý chặt chẽ lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin

Trước những lo lắng, bức xúc của CNLĐ, tại cuộc đối thoại, tiếp xúc trực tiếp giữa lãnh đạo UBND tỉnh với CNLĐ, người sử dụng lao động và cán bộ Công đoàn trên địa bàn tỉnh năm 2023, các ngành chức năng tham gia trao đổi, trả lời thắc mắc của CNLĐ về giải quyết tình trạng “tín dụng đen”.

Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) - Hồ Văn Dân, thời gian qua, Chính phủ và Bộ TT&TT ban hành nhiều văn bản như Nghị định số 15/2020/NĐ-CP, ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử; Nghị định số 14/2022/NĐ-CP, ngày 27/01/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 15/2020/NĐ-CP, ngày 03/02/2020. Bộ TT&TT cũng triển khai Tổng đài 156, 5656 tiếp nhận phản ánh của người dân về tin nhắn rác, cuộc gọi nặc danh hay có dấu hiệu lừa đảo,...; chỉ đạo các nhà mạng viễn thông triển khai biện pháp tăng cường tính chính xác của thông tin thuê bao.

Trong đó, chủ động rà soát thông tin thuê bao chưa đầy đủ, hợp lý, hợp lệ theo quy định, nhắn tin yêu cầu cập nhật lại đầy đủ, chính xác thông tin; kết nối với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư để xác thực giấy tờ (thông tin trong căn cước công dân/chứng minh nhân dân) của các chủ thuê bao. Ngoài ra, các thuê bao khi đăng ký mới đều phải thực hiện theo quy trình xác thực chặt chẽ như áp dụng video call,...

Đồng thời, Bộ TT&TT tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, chỉ đạo các DN viễn thông nhắn tin cảnh báo, nâng cao ý thức của người dân; hướng dẫn cách xử lý (đường dây nóng của Bộ Công an) khi có cuộc gọi hay tin nhắn có dấu hiệu lừa đảo; thanh tra diện rộng trong quản lý thông tin thuê bao di động đối với tất cả nhà mạng viễn thông trên toàn quốc.

Tại Long An, Sở TT&TT chủ trì phối hợp Công an tỉnh Long An, Cục Quản lý thị trường tỉnh thành lập Đoàn thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật về quản lý thông tin thuê bao di động đối với DN viễn thông di động và tổ chức, cá nhân đăng ký sử dụng thuê bao di động trả trước với số lượng lớn trên địa bàn tỉnh.

Đại diện Công an tỉnh tham gia trả lời những bức xúc của công nhân, lao động về tình trạng “tín dụng đen”

Đại diện Công an tỉnh tham gia trả lời những bức xúc của công nhân, lao động về tình trạng “tín dụng đen”

Ngoài ra, Sở TT&TT còn chỉ đạo các chi nhánh DN viễn thông nhắn tin (SMS) đến thuê bao di động để truyền thông cho khách hàng về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng thường sử dụng và hướng dẫn trình báo ngay cho cơ quan công an và cơ quan chức năng để kịp thời xử lý; đồng thời, tiếp tục tăng cường các biện pháp như tập trung xử lý vấn đề sim rác.

Các cơ quan báo chí, truyền thông trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người dân phản ánh cuộc gọi rác, tin nhắn rác qua Tổng đài miễn phí 156 hoặc nhắn tin đến số 5656; nâng cao khả năng nhận biết, đề cao cảnh giác của người dân đối với các cuộc gọi, đe dọa theo kiểu xã hội đen, thông tin vi phạm pháp luật và cung cấp kịp thời cho các cơ quan chức năng xử lý; phối hợp cơ quan công an điều tra, xử lý các đối tượng vi phạm;…

Bên cạnh đó, Công an tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan tiếp tục triển khai, tăng cường đấu tranh với các hành vi này. Các đơn vị chức năng phối hợp, quản lý nhà nước trên lĩnh vực TT&TT, nhất là trong việc quản lý thuê bao di động, đăng ký, quản lý tài khoản ngân hàng; thực hiện tốt công tác tiếp nhận, giải quyết các tin báo, tố giác về tội phạm, nhất là tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Đối với những vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nếu phát hiện, có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì phối hợp Sở TT&TT truy vết làm rõ, củng cố hồ sơ xử lý các đối tượng tham gia, tùy theo mức độ vi phạm có thể xử lý hành chính hoặc hình sự các đối tượng tham gia để tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa chung,...

Với sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ngành liên quan, hy vọng rằng, tình trạng “tín dụng đen” dần bị xóa sổ, giúp CNLĐ an tâm làm việc, gắn bó lâu dài với DN, địa phương./.

Đặng Tuấn

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích