Tiếng Việt | English

28/07/2015 - 09:52

Cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp: Lỗi tại ai?

Nhiều doanh nghiệp, đơn vị có nhu cầu tuyển dụng mà không tìm được người, lý do là không có lao động đáp ứng được yêu cầu công việc.

Bản tin cập nhật của Viện Khoa học Lao động và Xã hội về thị trường lao động quý I/2015 có nhiều con số đáng suy ngẫm. Trong 3 tháng đầu năm, cả nước có hơn 1,1 triệu người thất nghiệp, tăng 114.000 người so với cùng kỳ năm 2014. Đáng buồn là số lao động trình độ đại học, sau đại học thất nghiệp tăng từ hơn 162.000 lên gần 178.000 người; lao động tốt nghiệp cao đẳng thất nghiệp tăng từ 79.000 người lên hơn 100.000; lao động không có bằng cấp từ gần 630.000 lên 726.000.


Tại nhiều hội chợ việc làm, có DN không tuyển dụng được nhân sự nào.

Thất nghiệp, trong kinh tế học, là tình trạng người lao động muốn có việc làm mà không tìm được việc làm. Nhưng định nghĩa này có vẻ không còn phù hợp với thực tế hiện nay, khi mà có nhiều người tìm được việc làm lại không làm được việc!

Thất nghiệp trong xã hội nào cũng có, không phải hiện tượng xa lạ, hiếm gặp. Nếu thất nghiệp do suy thoái kinh tế, những người có tay nghề phải chấp nhận không có việc là điều dễ hiểu. Đằng này, khi nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dương, nhu cầu về nhân lực ở các DN, công ty là có thực nhưng “việc vẫn phải đi tìm người”.

Chính vì thế, cần nhìn nhận, thất nghiệp là câu chuyện hai chiều, cả từ phía người lao động lẫn người sử dụng lao động. 178.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp, lỗi tại ai? Trước hết phải khẳng định là tại chính những người cầm trên tay những tấm bằng ấy mà không làm được việc gì, không phát huy tác dụng của tấm bằng. Bao nhiêu năm họ được đầu tư để học hành nhưng tại sao khi ra trường lại không đáp ứng được yêu cầu công việc, lại chấp nhận tình trạng không có việc làm như vậy?

Các chuyên gia đã phân tích nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng dư thừa lao động hiện nay như: đào tạo ồ ạt, không đúng nhu cầu thực tế và mấu chốt là chất lượng nguồn nhân lực quá kém khiến những người cần tìm việc không đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng. Chất lượng đào tạo kém thì ai cũng đã biết, trường ấy, lớp ấy, thầy ấy, cách đào tạo ấy mà có được nhân lực chất lượng cao mới là chuyện lạ. Nhưng quan trọng hơn, những nhân lực ấy lại không chấp nhận thực tế về trình độ chuyên môn của mình để rồi cứ loanh quanh tìm kiếm hết cơ hội này đến cơ hội khác mà việc làm thì không vẫn hoàn không.

Còn với trình độ thạc sĩ, vì sao lại có quá nhiều người thất nghiệp đến thế? Có thể giải thích bằng việc nhiều người học xong đại học không xin được việc tiện thể có cha mẹ, gia đình chu cấp thì học tiếp thạc sĩ. Họ không phải chịu gánh nặng kinh tế nên việc học tiếp không phải là quá khó khăn. Họ học thạc sĩ nhưng không hề có kiến thức thực tế, học chay để lấy tấm bằng và cũng chính cách đào tạo thạc sĩ hiện nay rất dễ dãi nên dù có kinh qua đại học, cao học thì trình độ của học viên cũng không hề được nâng lên là bao.

Còn với cử nhân thì chuyện chọn việc “cao không tới, thấp không thông” diễn ra khá phổ biến. Có bằng cử nhân trong tay, ai cũng muốn chọn việc nhẹ nhàng, thanh nhã, thu nhập cao nên không muốn làm những công việc không có thu nhập cao, không được xã hội đánh giá cao. Nhiều khi cũng do “sĩ hão”, vì mình là cử nhân thì phải được làm bàn giấy, ngồi phòng máy lạnh, chấp nhận ăn bám, ở nhà để bố mẹ nuôi “báo cô” còn hơn đi bán hàng, chăn gà, thả cá...

Đã có những hội chợ việc làm với hàng nghìn ứng viên tham gia nhưng nhiều nhà tuyển dụng không tìm được người đạt yêu cầu, hoặc nếu có tuyển dụng thì cũng phải mất khá nhiều thời gian để đào tạo lại. Đặc biệt, nhiều công ty, doanh nghiệp thiếu hụt đội ngũ quản lý có năng lực, có khả năng phát triển công ty.

Bản thân các bậc làm cha mẹ cũng góp phần làm “hư” con mình và làm tăng tỷ lệ thạc sĩ, cử nhân thất nghiệp bằng cách luôn chọn lựa cho con em mình những công việc “mưa không đến mặt, nắng không đến đầu”. Bằng mọi giá, họ phải cho con vào một trường đại học nào đó. Nếu không vào được đại học thì lại tìm cách học liên thông để cho ra tấm bằng đại học mới thôi.

Chuyện “cử nhân bán chè, thạc sĩ vá xe” ở nước mình nghe thì lạ nhưng ở nước ngoài đó là chuyện bình thường. Nhiều người tốt nghiệp đại học đi làm giúp việc theo giờ, bán bánh, phục vụ nhà hàng và những công việc giản đơn khác. Nhưng họ không kêu ca, phàn nàn vì đó là công việc, có nơi chấp nhận họ làm việc và họ làm tốt công việc đó, được trả mức lương thỏa đáng. Còn ở nước mình, tôi đã từng biết nhiều người học thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài nhưng về nước lại ra ngoại ô tìm đất để nuôi cá, thả gà. Và họ đã rất thành công.

Ở ta, vẫn còn phổ biến chuyện “kén cá chọn canh”. Tôi học đại học, cao học thì phải có việc làm và thu nhập tương xứng. Chuyện học cao mà phải làm những việc không xứng tầm dường như còn là “danh giá gia đình”. Đi chăn vịt, nuôi gà thì học cao để mà làm gì. Chừng nào, những tư tưởng, quan niệm về cách đánh giá công việc chưa thay đổi; chừng nào những cử nhân, thạc sĩ không nhận thức đúng về bản thân thì tình trạng thất nghiệp ở những người có trình độ học vấn cao còn tăng./.

Vũ Hạnh/VOV.VN

Chia sẻ bài viết


Dịch vụ viết thuê Assignment uy tín
Liên kết hữu ích