Dự án VnSAT Long An hỗ trợ nâng cấp đường giao thông nội đồng tại Hợp tác xã Bình Hòa, xã Bình Hòa Đông, huyện Mộc Hóa. (Ảnh: Ban Quản lý Dự án VnSAT Long An)
Mỗi HTX phải bảo đảm các điều kiện: Nông dân đã được tập huấn kỹ thuật 3 giảm, 3 tăng (3G3T); mức độ áp dụng kỹ thuật 3G3T của các thành viên trong HTX trên 50%; HTX có nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị thiết yếu. Về tỷ lệ hỗ trợ các HTX, đối với hỗ trợ trang thiết bị: Vốn IDA là 30%, vốn tư nhân là 70%; đối với cơ sở hạ tầng thiết yếu vốn IDA là 80%, vốn tư nhân là 20%.
Long An hiện có 26 HTX sản xuất lúa gạo trong vùng dự án. Đến nay, Ban Quản lý Dự án VnSAT tổ chức 3 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho tổ chức nông dân về quản lý phát triển HTX và tập huấn tận dụng sản phẩm phụ của lúa gạo với 107 người dự. Sau các lớp tập huấn, đào tạo tổ chức bộ máy quản lý của các HTX đã được sắp xếp lại theo hướng tinh gọn và hiệu quả.
Đến cuối năm 2018, Dự án hỗ trợ các tổ chức nông dân/HTX đào tạo 3G3T cho 1.548 thành viên HTX với diện tích 4.220ha và 1 phải 5 giảm (1P5G) cho 179 hộ nông dân với diện tích 657ha, trong đó có nhiều HTX có tỷ lệ áp dụng 3G3T, 1P5G cao từ 50-100% như HTX Gò Gòn, HTX Vĩnh Thuận, HTX Đồng Đưng, HTX Hương Trang, HTX Hưng Tân, HTX Hưng Phú, HTX Cánh Đồng Xanh...
Thông qua dự án, nhiều HTX mở rộng quy mô sản xuất, linh hoạt phát triển theo hướng đa ngành nghề, dịch vụ, không chỉ bảo toàn và tăng trưởng vốn quỹ, các HTX còn thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, điều hành sản xuất, tổ chức tập huấn, trình diễn mô hình về quy trình sản xuất lúa theo 3G3T và 1P5G, phòng trừ dịch bệnh tổng hợp, tu sửa, kiên cố hóa kênh, mương nội đồng và đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp.
Thời gian qua, Ban Quản lý Dự án VnSAT Long An phối hợp Tổ thực hiện dự án các huyện, thị xã rà soát và tuyển chọn 9 HTX để triển khai hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị thiết yếu phục vụ sản xuất gồm 2 đợt: Đợt 1 hỗ trợ đầu tư 5 HTX với tổng kinh phí dự toán 32,41 tỉ đồng, bao gồm HTX Nông nghiệp Đồng Đưng, HTX Nông nghiệp Gò Gòn, HTX Nông nghiệp Hưng Phú, HTX Nông nghiệp Hương Trang và HTX Nông nghiệp Bình Hòa. Trong đợt 2, dự án hỗ trợ đầu tư 4 HTX với tổng kinh phí dự toán 44 tỉ đồng, gồm HTX Nông nghiệp Hưng Tân, HTX Dịch vụ - Thương mại - Nông nghiệp Cây Trôm, HTX Dịch vụ - Nông nghiệp Hậu Thạnh Tây và HTX Dịch vụ nông nghiệp Thạnh Hưng. Thời gian tới, dự án sẽ hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị thiết yếu phục vụ sản xuất nông nghiệp vùng dự án đợt 3 dự kiến là 6 HTX với tổng kinh phí dự toán 50 tỉ đồng.
HTX Nông nghiệp Gò Gòn là một trong những HTX tiêu biểu được Dự án chọn để hỗ trợ cơ sở hạ tầng trong đợt 1. HTX được thành lập vào năm 2005 với diện tích 464ha và 103 hộ thành viên ban đầu, đến nay, nâng tổng số thành viên lên 107 hộ và mở rộng diện tích canh tác lên hơn 560ha.
Ông Trương Hữu Trí - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX NN Gò Gòn, cho biết: "HTX Gò Gòn là 1 trong 5 HTX nhận được sự hỗ trợ của Dự án VnSAT Long An trong đợt 1 về hạ tầng để phục vụ sản xuất. Theo đó, HTX NN Gò Gòn được Dự án hỗ trợ kinh phí hơn 1,7 tỉ đồng để nâng cấp 1 trạm bơm điện phục vụ tưới hỗ trợ cho 560ha lúa."
Bên cạnh các HTX hoạt động tích cực, hiệu quả, có vốn đầu tư lớn thì vẫn còn một số ít những HTX hoạt động còn hạn chế, hiệu quả chưa cao, chưa có trụ sở làm việc, chưa có địa điểm để mở rộng ngành nghề kinh doanh. Điểm chung là các HTX đang trong tình trạng thiếu vốn hoạt động, đầu ra cho sản phẩm lúa gạo chưa ổn định. Nhiều HTX chưa mở rộng liên kết giữa các HTX trên địa bàn và liên kết với doanh nghiệp để đầu tư sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản và hàng hóa.
Dự án VnSAT Long An đã đi được hơn nửa chặng đường, vì thế để nhận được những hỗ trợ thiết thực về hạ tầng, thiết bị từ dự án thì các nhóm giải pháp được Ban Quản lý Dự án tập trung thực hiện gồm: Đẩy mạnh công tác đào tạo về quản lý và phát triển cho các thành viên trong hội đồng quản trị của HTX; hỗ trợ thành viên trong sản xuất, giảm tổn thất trong các khâu thu hoạch, sau thu hoạch; hỗ trợ các HTX trong vùng Dự án sản xuất theo quy mô cánh đồng lớn, có liên kết sản xuất và tiêu thụ, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn. Ngoài ra, Dự án còn hỗ trợ HTX đào tạo kỹ thuật luân canh cây trồng, tận dụng phụ phẩm từ lúa gạo, nhân giống xác nhận, tạo ra sản phẩm có thương hiệu,... từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX và mở rộng các HTX trong tương lai./.
Đại Việt