Tiếng Việt | English

02/07/2019 - 09:05

Giới thiệu mục tiêu, tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động của dự án VnSAT Long An

Với mục tiêu góp phần triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp thông qua tăng cường năng lực thể chế của ngành, đổi mới phương thức canh tác bền vững và nâng cao chuỗi giá trị cho ngành hàng lúa gạo ở vùng sản xuất hàng hóa chủ lực của Việt Nam là Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) được Ngân hàng Thế giới tài trợ thực hiện trong giai đoạn 2015-2020 tại 8 tỉnh, thành ĐBSCL: Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, TP.Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng.

Mục tiêu cụ thể của dự án: Về kinh tế, khoảng 200.000ha sản xuất lúa được áp dụng công nghệ tiên tiến, lợi nhuận của nông dân tăng 30%/ha, tổng giá trị tăng thêm cho toàn vùng khoảng 40-60 triệu USD/năm. Về xã hội, khoảng 140.000 hộ trồng lúa ở ĐBSCL được tiếp cận, áp dụng kỹ thuật canh tác bền vững và liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ với doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX). Về môi trường, giảm tác động tiêu cực đến môi trường thông qua giảm lượng nước tưới, giảm lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình canh tác lúa; tăng cường năng lực thể chế phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại các tỉnh tham gia dự án.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo Dự án VnSAT tỉnh - Phạm Văn Cảnh phát biểu tại hội nghị họp Ban Chỉ đạo tổng kết hoạt động năm 2018. Ảnh: Ban Quản lý Dự án VnSAT Long An

Tại Long An, dự án được thực hiện tại 23 xã thuộc các huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Tân Thạnh, Mộc Hóa và thị xã Kiến Tường với tổng kinh phí hơn 289 tỉ đồng với khoảng 49.500ha và hơn 25.000 hộ nông dân tham gia. 

Về nội dung chính của dự án gồm: Hỗ trợ công nghệ sản xuất lúa gạo theo “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, VietGAP,... hỗ trợ thành lập và tăng cường năng lực cho các HTX; hỗ trợ đầu tư thiết bị và kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất cho các HTX; hỗ trợ HTX liên kết tiêu thụ, luân canh cây trồng, nhân giống lúa xác nhận...; giảm khí phát thải, quản lý chất lượng, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, thông tin thị trường và phát triển thị trường.

Để đạt những mục tiêu đề ra, Dự án VnSAT Long An đã và đang triển khai chương trình đào tạo tập huấn kỹ thuật 3G3T, 1P5G cho nông dân. Đến cuối năm 2018, tổ chức được 294 lớp đào tạo kỹ thuật 3G3T và 170 lớp 1P5G, 34 điểm trình diễn (13 điểm trình diễn lúa 3G3T, 21 điểm trình diễn lúa 1P5G) tổng diện tích 17ha. Năm 2019, dự án tiếp tục tổ chức 100 lớp tập huấn 3G3T cho 3.500 người dự, 133 lớp tập huấn 1P5G cho 4.655 người dự và xây dựng 20 điểm trình diễn 1P5G; 15 lớp đào tạo tập huấn và 15 điểm trình diễn, với kinh phí dự toán 1,5 tỉ đồng về tận dụng phụ phẩm từ lúa sản xuất nấm rơm và kỹ thuật nhân giống lúa xác nhận. Đồng thời, dự án sẽ hỗ trợ kết cấu hạ tầng, thiết bị (đợt 1) cho 5 HTX với kinh phí 32,41 tỉ đồng, (đợt II) sẽ hỗ trợ thêm 4 HTX với kinh phí 44 tỉ đồng và tiếp tục tuyển chọn đợt 3 là 6 HTX, với kinh phí khoảng 50 tỉ đồng. 

Với các nội dung trên, Dự án VnSAT có vai trò rất quan trọng đối với ngành sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL nói riêng và Việt Nam nói chung. Đây được xem là đại dự án đầu tiên của ngành trồng trọt nhằm tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất lúa, góp phần tăng thu nhập cho nông dân, giảm tác động tiêu cực đến môi trường và tăng khả năng cạnh tranh của ngành hàng lúa gạo như mục tiêu của dự án đã đề ra./.

Đại Việt

Chia sẻ bài viết